Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

30/12/2022 17:00

(BNP) - Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản số 2003/SNN-CNTYTS đề các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi gia cầm của hộ nông dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình.

Hiện nay, do thời tiết rét đậm rét hại, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến trong khi nhu cầu vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng mạnh trong dịp Tết dẫn đến nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y và sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Trong đó, tổ chức tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường cán bộ kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt lưu ý những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh và xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.

Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho nhân dân và cộng đồng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế cùng cấp trong việc chia sẻ thông tin để theo dõi, giám sát, phòng, chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người. Quản lý chặt chẽ các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và điều kiện an toàn thực phẩm.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh để người dân nắm và chủ động phòng tránh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

H.T