Tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết
(BNP) - Sở Y tế vừa ban hành văn bản số 2688/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh.
Người dân chủ động vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh SXH.
Hiện nay, dịch bệnh SXH đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và thành phố Hà Nội, số bệnh nhân mắc SXH và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến ngày 07/11/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 530 trường hợp nghi mắc SXH rải rác ở các huyện, thành phố. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mặt khác, Bắc Ninh là tỉnh có di biến động dân và giao thương lớn, do vậy nguy cơ bùng phát dịch SXH trên địa bàn tỉnh rất cao.
Để chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch SXH bùng phát, lan rộng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch SXH; tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi muỗi đẻ trứng và loăng quăng/bọ gậy phát triển.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch SXH, đặc biệt là các ổ dịch và vùng nguy cơ cao; giám sát ca bệnh, người đến/về từ ổ dịch và người bệnh có biểu hiện, triệu chứng nghi mắc/mắc SXH để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch bệnh bùng phát dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cập nhật thông tin về dịch bệnh SXH, xây dựng tin, bài và nội dung thông điệp tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông phòng chống SXH để người dân hiểu được nguy cơ, nguồn lây của dịch bệnh và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống SXH của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát.
Các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành, cơ sở y tế ngoài công lập tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc SXH; theo dõi, giám sát người bệnh SXH đang nằm điều trị để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến khi có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của đường dây nóng tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Khi có các ca bệnh sốt xuất huyết, phải thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng cùng cấp để phối hợp điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch.