Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa cuối năm

14/12/2020 13:44

(BNP) – Cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, lượng hàng hoá lưu thông lớn khiến cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa tiêu dùng ngày càng phát triển; các sản phẩm buôn bán trên thị trường đa dạng chủng loại, mẫu mã dẫn đến hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái cũng ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Trao đổi với ông Vũ Mạnh Hải, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh được biết: Bám sát sự chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, Tổng Cục QLTT và UBND tỉnh về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã chỉ đạo Ðội QLTT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nhãn mác, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như: Lương thực, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép... Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…

Trong năm 2020, đơn vị đã kiểm tra, xử lý hơn 550 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 5,5 tỷ đồng; tịch thu và tiêu hủy hàng không có giá trị sử dụng ước hơn 1,8 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý chủ yếu là hàng nhập lậu, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trốn thuế, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân tăng cao, hàng hóa lưu thông lớn, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết cổ truyền. Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh, các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm… phục vụ người dân rất dồi dào, phong phú với giá cả ổn định.

Mỗi người dân cần cẩn trọng hơn khi mua hàng.

Nhằm đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân, Cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường từ đầu tháng 12/2020 đến hết ngày 25/02/2021. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn người dân nhận biết và phân biệt giữa hàng thật với hàng giả, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, triển khai ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm chất lượng đến các hộ kinh doanh, qua đó nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, giúp kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra các địa bàn trọng điểm, điểm tập kết nhiều hàng hóa như: Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại, bến xe, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, nhất là khu vực nông thôn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng nông thôn để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục QLTT tỉnh khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, chọn mua những mặt hàng có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, nước giải khát… tại các cơ sở kinh doanh có uy tín. Nếu phát hiện các cửa hàng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng, người tiêu dùng cần báo ngay cho lực lượng QLTT nơi gần nhất để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại... qua đó, góp phần ổn định giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo lưu thông hàng hóa trên thị trường.

T.L