Tạo đà phát triển du lịch xanh gắn với di tích lịch sử văn hóa

15/03/2021 08:00

(BNP) - Lễ hội đầu Xuân được xem là nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Như thường lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, người dân Bắc Ninh cũng như du khách các vùng, miền bắt đầu những chuyến “hành hương” về mảnh đất Kinh Bắc “địa linh nhân kiệt” để hòa mình vào mùa lễ hội xuân tưng bừng.

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là năm thứ 2, các hoạt động văn hóa, du lịch đầu xuân trên địa bàn tỉnh đã phải tạm dừng tổ chức. Có thể coi đây là “khoảng lặng” cần thiết để ngành Du lịch nỗ lực thích ứng và khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình mới, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Có thể nói, ngành Du lịch nằm trong số các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Song, thay vì chờ hết dịch, ngành Du lịch đã chủ động nhiều kịch bản, phương án nhằm kịp thời kích hoạt lại hoạt động ngay sau khi dịch được kiểm soát. Một loạt các chương trình, hoạt động văn hóa gắn với du lịch, dịch vụ được nhanh chóng xây dựng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn thu hút du khách, kích cầu du lịch, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang triển khai, nhất là nhanh chóng đưa điểm du lịch Lý Thường Kiệt (huyện Yên Phong) vào hoạt động; mở các tour du lịch sinh thái nông thôn; phát triển tour du lịch cộng đồng làng Diềm, làng gốm Phù Lãng; nhất là xây dựng các cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề, mô hình du lịch sinh thái nông thôn...

Phối cảnh Dự án du thuyền sông Đuống và sông Cầu 

Với mục tiêu phát triển du lịch xanh gắn với di tích lịch sử văn hóa, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển du lịch, một loạt các giải pháp được ngành chức năng đưa ra nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thành chuỗi, tuyến du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là triển khai Dự án du lịch tâm linh Kinh Bắc trên sông Cầu và sông Đuống hướng tới phát triển du lịch xanh ở hai bên bờ sông, gắn với thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, nâng cao giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh do Công ty Du lịch Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương là đơn vị đề xuất dự án.

Dự án xây dựng 10 điểm tham quan thuộc 3 huyện và thành phố Bắc Ninh, kết nối các điểm di tích nổi tiếng như Đền Bà Chúa Kho, làng Diềm, Đền Lý Thường Kiệt, Lăng Kinh Dương Vương... Mỗi điểm là bến du thuyền đạt tiêu chuẩn 5 sao, xung quanh là khu du lịch sinh thái. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.750 tỷ đồng, khi đưa vào khai thác dự kiến mỗi năm sẽ thu hút khoảng 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến với Bắc Ninh.

Dự án được lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao về ý tưởng vì trong giai đoạn hiện nay, khi tỉnh đang tập trung nâng tỷ trọng lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ý tưởng dự án hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị, trong quá trình thực hiện Dự án, cần xác định rõ lộ trình, quy mô đầu tư theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; giao các Sở, ngành phối hợp, nghiên cứu, khảo sát thực địa về mô hình chuyên nghiệp hóa một số dự án, tiến hành quy hoạch sử dụng đất, địa điểm, bến đỗ thủy nội địa, các chính sách ưu đãi của Nhà nước... nhằm sớm triển khai Dự án, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành du lịch, tạo thành chuỗi, tuyến du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được Bắc Ninh kiểm soát, theo chỉ đạo của tỉnh về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, bắt đầu từ ngày 08/3/2021, các lễ hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch, được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các sự kiện văn hóa chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế bằng QR Code, bố trí nơi rửa tay, nước sát khuẩn và chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương… Đây cũng chính là thời gian để ngành Du lịch bắt tay ngay vào triển khai các phương án, kịch bản vừa phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới vừa tạo ra các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách về với Bắc Ninh. Cụ thể, tập trung triển khai chương trình kết nối, hợp tác kích cầu du lịch Bắc Ninh với tỉnh Quảng Ninh và Hà Nội; tổ chức các sự kiện du lịch như: Triển lãm ảnh du lịch; tour du lịch bằng xe buýt; hát quan họ trên thuyền…; phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam quảng bá văn hóa, di sản và con người của Bắc Ninh phát chiếu trên màn hình chuyến bay...

H.H-H.V