Tạo chuyển biến, đột phá trong công tác chuyển đổi số hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp
(BNP) - Chiều 06/11, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng theo các chỉ đạo, yêu cầu được giao và có nhiều sự thay đổi rõ nét qua việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 92,85% tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, riêng các huyện, thị xã, thành phố tăng gấp 4,9 lần; số lượng giao dịch thanh toán phí, lệ phí/thu thuế đất trực tuyến toàn tỉnh qua nền tảng thanh toán trực tuyến Cổng dịch vụ công quốc gia tăng 8,3 lần. Bắc Ninh thuộc nhóm 08 địa phương đầu tiên cả nước triển khai dịch vụ Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID phục vụ người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Toàn tỉnh đã kích hoạt hơn 728.400 tài khoản định danh điện tử VNeID và cấp hơn 21.000 chứng thư số công cộng tới người dân trên địa bàn tỉnh; đã thực hiện cập nhật 477.230 dữ liệu người lao động (đạt 100%); 105.518 dữ liệu an sinh xã hội (đạt 100%); xây dựng 100% cơ sở dữ liệu địa chính các xã, phường, thị trấn với gần 1,4 triệu thửa đất; số hóa 100% dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; số hóa 766.700 dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh (đạt 63,4%) góp phần cắt giảm thành phần hồ sơ giấy tờ trong giải quyết TTHC.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Về nhóm tiện ích, thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng biên lai điện tử trong thu phí/lệ phí trong giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; 16.992 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử (đạt tỷ lệ 100%). Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm triển khai hiệu quả; triển khai mô hình chợ 4.0 như Phường Nam Sơn (Thành phố Bắc Ninh); Chợ Trung tâm thị trấn Chờ (Yên Phong), Chợ Giàu (Từ Sơn)…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi (bên trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng dự buổi làm việc.
Từ nay đến hết năm 2025, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục tập trung triển khai và hoàn thành 54 nhiệm vụ cụ thể thuộc nhóm nhiệm vụ tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác cải cách TTHC và nhóm nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Tại buổi làm việc, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về triển khai thí điểm mô hình phường chuyển đổi số toàn diện; xây dựng ứng dụng di động tập trung phục vụ người dân doanh nghiệp; tăng cường biên chế công chức cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; ban hành chính sách hỗ trợ phí chứng thực Thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên địa bàn tỉnh…
Đại tá Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số như: tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tối ưu hóa quy trình sử dụng; đẩy mạnh số hóa dữ liệu; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; mở rộng thêm các ngân hàng liên kết thanh toán phí, lệ phí; nâng cấp, cải tiến hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh; phát huy hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng; bố trí nguồn nhân lực công nghệ thông tin….
Để tiếp tục tạo ra đột phá trong công tác chuyển đổi số hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục ngay 8 điểm nghẽn trong cải cách TTHC; rà soát, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phân cấp trách nhiệm liên quan đến phần cứng hệ thống máy móc, trang thiết bị cho Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã, phường, thị trấn; với đường truyền, phần mềm do cấp tỉnh phụ trách.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trung Hiền báo cáo tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ về những định hướng đột phá trong công tác chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới như: nâng cấp wifi miễn phí trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và phủ sóng wifi miễn phí trên địa bàn thành phố Từ Sơn trong năm 2025; triển khai phủ sóng 5G toàn tỉnh và phấn đấu đến năm 2027 xây dựng Đề án phủ sóng wifi toàn tỉnh; nâng cấp phần mềm phản ánh kiến nghị thành phần mềm Smart Bắc Ninh; khẩn trương kết nối sổ sức khỏe điện tử với các bệnh viên trung ương; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh; hỗ trợ chi phí cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; hệ thống quản lý xe bus Smart Bus; bảo tàng thông minh; xe bus điện thông minh;…
Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh Bắc Ninh là một trong số ít các địa phương ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đồng thời cũng là địa phương có nhiều lợi thế về diện tích, cơ sở hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, qua đó, tạo lợi thế đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm; Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số của các Sở, ngành, địa phương với UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Giám đốc Sở Tư pháp Trần Đăng Sâm.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát lại nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm 2024 - 2025, lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực, cơ chế, con người phấn đấu tạo sự chuyển biến đột phá đưa Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số.
Trong đó, nghiên cứu, tham mưu thể chế vượt trội để thu hút các nhà mạng đầu tư 5G, thiết bị băng thông rộng, hệ thống siêu dữ liệu, xây dựng Trung tâm xử lý dữ liệu khẩn cấp trên địa bàn tỉnh; thu hút nhân lực, bố trí đủ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng. Tích hợp các phần mềm thành ứng dụng di động tập trung trên cơ sở sử dụng AI, trợ lý ảo để trả lời người dân, doanh nghiệp, du khách những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thông tin về tỉnh Bắc Ninh. Phủ sóng wifi miễn phí trên địa bàn thành phố Từ Sơn trong năm 2025 và đến năm 2027 phủ sóng wifi miễn phí toàn tỉnh và coi đây là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Lê Đức Kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy giao Trung tâm Hành chính công tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh; khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền tại Trung tâm theo quan điểm, tỉnh đứng ra thuê đường truyền để đảm bảo chất lượng, thông suốt, các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ nhất.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng hoàn thiện quy hoạch phân khu Khu công nghệ thông tin tập trung báo cáo Thường trực Tỉnh ủy; tham mưu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Xuân Tòng.
Tỉnh đoàn chủ trì, triển khai sử dụng chữ ký số cho người dân; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng chương trình ngoại khóa cho học sinh từ THCS trở lên về văn hóa số, kỹ năng số để nâng cao năng lực số, văn hóa số cho thế hệ trẻ.
Các Sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án số hóa dữ liệu của đơn vị mình, trước mắt ưu tiên lĩnh vực: đất đai, hộ tịch, công chứng, người có công, bảo tàng, quan họ…
Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn Đỗ Tuấn Sơn.
Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện phần mềm giao việc của Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ công cụ, chấm điểm chuyển đổi số các Sở, ngành, địa phương.
Thống nhất với các kiến nghị, Bí thư Tỉnh ủy giao thành phố Bắc Ninh lựa chọn triển khai thí điểm mô hình phường chuyển đổi số toàn diện; Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ rà soát lại biên chế, đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các Sở, ngành, địa phương.