Thành công từ mô hình trồng dưa leo baby theo hướng công nghệ cao
(BNP) - Với mong muốn mang thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng đến cho người tiêu dùng, anh Bùi Xuân Quế (sinh năm 1987), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai (thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Bùi Xuân Quế kiểm tra tình trạng phát triển của dưa.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Bùi Xuân Quế cho biết, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao, anh quyết định khởi nghiệp bằng trồng rau sạch. Tuy nhiên, những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trồng trọt, không am hiểu thời vụ, chưa có thị trường, nhất là thiếu vốn.
Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi trên sách, báo, anh Quế quyết định trồng giống dưa leo baby trong nhà màng trên diện tích gần 1.000 đất nông nghiệp thuê từ bà con trong thôn. Dưa leo baby là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian canh tác từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 30 ngày, thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng khó, không trồng liên tục trên một chất đất, không hợp với mưa, gió trực tiếp, anh Quế cho biết thêm.
Nông dân đang chăm sóc làm cỏ cho cây.
Vừa làm vừa thử nghiệm, sau một thời gian kiên trì, anh đã thành công ngay từ vụ dưa đầu tiên. Dưa sai quả, chất lượng quả tốt, quả ăn giòn, ngọt, được mang bán tại các các cửa hàng thực phẩm sạch và chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có chỗ đứng trên thị trường.
Thấy hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình, năm 2020, anh cùng 5 thành viên khác quyết định thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, đồng thời thuê thêm hơn 5.200 m2 đất, đầu tư xây dựng nhà màng bảo ôn, có hệ thống làm mát bón phân, tưới nước tự động để trồng dưa. Từ đó, có thể điều chỉnh được nhiệt độ vườn rau, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tránh côn trùng, sâu bệnh. Đặc biệt, toàn bộ nông sản của trang trại đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Các quy trình trồng và chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật đều được tạo từ tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Dưa trồng khoảng 30 ngày bắt đầu cho thu hoạch.
Với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng và chất lượng cao; dưa leo baby của HTX đã tạo dựng được thương hiệu và đầu ra ổn định. Đến nay, mỗi tháng, thu hoạch hơn 10 tấn dưa, mỗi năm, đem lại doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Quế cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, anh cũng mong muốn việc sản phẩm dưa leo baby của HTX Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022 sẽ là bước tiến quan trọng, giúp dưa leo baby của HTX nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu, qua đó, mở rộng thị trường, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận, sử dụng những sản phẩm tốt nhất.