Tiến sỹ Nishimura Masanari, chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản có nhiều đóng góp lớn đối với di sản văn hóa Bắc Ninh

17/11/2023 14:05

(BNP) - Cho đến nay, mảnh khuôn đúc trống đồng mà Tiến sỹ Nishimura Masanari tìm thấy tại vùng đất Luy Lâu xưa - (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay) năm 1998 vẫn là đầu tiên và duy nhất, khẳng định trống đồng được đúc tại Việt Nam là của người Việt Nam.

Tiến sĩ Nishimura Masanari, người có đóng góp lớn với ngành Khảo cổ Việt Nam (Nguồn Internet).

Từ lâu, nhân dân Việt Nam, cũng như Bắc Ninh đã có nhiều nét văn hóa tương đồng, mối tâm giao với người dân Nhật Bản về ý thức dân tộc, đề cao giá trị truyền thống, trân trọng những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của cha ông xưa để lại. Gia tăng hiểu biết về văn hóa các nước là điều vô cùng cần thiết để lấp đầy nhận thức và thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia. Khi nhắc đến giao lưu hợp tác văn hóa giữa Bắc Ninh với Nhật Bản, không thể không nhớ đến chuyên gia khảo cổ học người Nhật Bản - TS. Nishimura Masanari. Ông là người bạn lớn của khảo cổ học Việt Nam và đã có nhiều đóng góp to lớn đối với di sản văn hóa Bắc Ninh.

TS Nishimura Masanari sinh năm 1965, tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Ông bắt đầu đến Việt Nam từ những năm 1990, trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam để khai quật một số mộ cổ ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Nishimura còn có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ. Bạn bè thường gọi vui là “người Việt gốc Nhật” bởi ông nói tiếng Việt rất tốt. Trong 49 năm của cuộc đời mình, ông đã có 23 năm gắn bó với Việt Nam, dấu chân ông đã in trên khắp nẻo làng quê Việt, bất cứ nơi nào có những phát hiện khảo cổ mới nhất. Cũng tại nơi này, ông gặp người bạn đời của mình, có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Với ông, Việt Nam chính là quê hương thứ hai.

Tiến sĩ Nishimura Masanari (Nguồn Internet).

Tháng 11/1998, khi cùng làm việc với các đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam trên vùng đất Luy Lâu xưa (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay), Nishimura đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên. Cho đến nay, đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất đã phát hiện ở Việt Nam và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu trống đồng.

Phát hiện này của TS Nishimura Masanari có giá trị rất lớn với ngành khảo cổ học. Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam là một biểu tượng của thời kỳ dựng nước, biểu tượng cho tinh thần, văn hóa dân tộc của Việt Nam. Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở Việt Nam có thể từ nơi khác truyền bá xuống vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Mảnh khuôn  TS Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ.

Không những vậy, ông cùng đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Điều này, chứng tỏ mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.

Với tình yêu di sản văn hóa Bắc Ninh, TS. Nishimura còn là người góp công lớn, tài trợ toàn bộ kinh phí khảo cổ và xây dựng Bảo tàng lò gốm Đương Xá ở phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh), đó cũng là bảo tàng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn trực tiếp nghiên cứu, tham gia cùng giới khoa học thẩm định, đánh giá giá trị nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học khác tại Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, ông còn có nhiều đóng góp trong các dự án nghiên cứu ở Cổ Loa, Huế, Thành nhà Hồ... nhiều di chỉ, địa điểm khảo cổ học, sử học khác. Ông được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân tích địa tầng trong ngành khảo cổ học. Cũng nhờ có Nishimura, tháng 3/2012, Việt Nam có một bảo tàng cấp xã đầu tiên tại xã Kim Lan, Gia Lâm (Hà Nội), cung cấp những dấu tích quan trọng về sự cư trú của cư dân Việt cổ.

Bảo tàng lò gốm Đương Xá (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) ghi dấu sự đóng góp to lớn của chuyên gia khảo cổ học người Nhật Bản - TS. Nishimura. (Báo Bắc Ninh)

Không chỉ trực tiếp đóng góp công sức trong những đợt đi điền dã khảo cổ, ông còn giúp nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam trẻ tuổi tìm kiếm học bổng và cơ hội học tập từ các quỹ văn hóa, các trường đại học Nhật Bản.

Sau khi TS. Nishimura qua đời vì một tai nạn giao thông vào năm 2013, gia đình ông đã bàn giao cho Việt Nam toàn bộ kho di sản của ông bao gồm sách vở, tư liệu nghiên cứu, những bản thảo còn dang dở, những hồ sơ của các di vật, di chỉ chưa được hoàn thiện, cùng rất nhiều tài liệu, hiện vật... trong đó có dấu ấn tiêu biểu của văn hóa Bắc Ninh.

Như vậy có thể thấy, nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người. Mối quan hệ này được củng cố bởi hoạt động của tất cả những người đã đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nửa thế kỷ qua và trong tương lai lâu dài, các hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng mật thiết sẽ là nền tảng vững chắc tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó và tin cậy giữa Bắc Ninh với các đối tác Nhật Bản, góp phần làm phong phú và sâu sắc tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc Việt Nam-Nhật Bản.

PV