Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 11 năm 2017.

30/11/2017 10:38

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 11/2017 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao ở nhiều ngành và lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến chế tạo, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI, thu ngân sách đã vượt dự toán năm; tình hình giá cả thị trường ổn định; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Dự báo, đến cuối năm hầu hết chỉ tiêu sẽ đạt và vượt KH đề ra. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lại có xu hướng giảm sút do tác động của biến đổi khí hậu và thu nhập thấp hơn, nên nông dân bỏ hoang ruộng gia tăng.

1. Sản xuất nông nghiệp

a)  Nông nghiệp: Kết quả vụ mùa: Kết thúc vụ mùa năm 2016, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 36.767,3 ha, giảm 3,3% (-1.248 ha) so cùng vụ năm trước. Trong đó: diện tích lúa mùa đạt 34.236,4 ha, giảm 2,9% (- 970,5 ha), năng suất sơ bộ ước đạt 57 tạ/ha giảm 3,4% (-2 tạ); sản lượng thóc đạt 195,1 nghìn tấn, giảm 6,1% (-12,6 nghìn tấn). Nguyên nhân giảm sản lượng là do diện tích đất bị thu hồi chuyển đổi mục đich sử dụng và bỏ hoang nhiều tập trung ở một số nơi như: huyện Yên Phong 386,7 ha; thành phố Bắc Ninh 332,3 ha; Lương Tài 104,9 ha; Thuận Thành 89,1 ha. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, giai đoạn lúa trỗ tập trung thời tiết liên tục có mưa ảnh hưởng đến quá trình phơi màu, thụ phấn, làm tăng tỷ lệ hạt lép trên bông. Gần cuối vụ, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu, bệnh phát sinh, gây hại làm giảm năng suất cây trồng. Cây ngô, diện tích gieo trồng đạt 215 ha, giảm 40,8% (- 147,7 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất sơ bộ đạt 45,5 tạ/ha, giảm 11%; nhóm cây thực phẩm vụ hè thu ổn định về diện tích và sản lượng sản phẩm thu hoạch. Tiến độ sản xuất vụ đông: Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 7.500 ha, với một số loại cây trồng chính, như: 1.100 ha ngô, 2.000 ha khoai tây, 3.950 ha rau các loại. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT tăng cường công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đến nông dân; xây dựng và quy hoạch vùng sản xuất và bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện canh tác của từng địa phương; hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa nhất là những diện tích gieo trồng cây màu vụ đông; khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp mượn, thuê đất sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng máy móc, cơ giới hóa. Tính đến ngày 16/11, toàn tỉnh đã gieo trồng được 5.723 ha diện tích cây rau màu vụ đông, đạt 76,3% diện tích KH, bằng 84,4% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, cây ngô là 852 ha; rau các loại 4.646 ha; hoa và cây cảnh 186 ha. Một số địa phương có tiến độ sản xuất vụ đông nhanh, như: huyện Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài.

b) Chăn nuôi và hoạt động thú y:  Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hiện nay, mặc dù đang là thời điểm các gia đình, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi vào đàn để chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không sôi động như những năm trước, người chăn nuôi chưa quyết định mở rộng quy mô vì lo ngại giá cả chưa ổn định. Giá thịt lợn hơi tuy đã tăng lên, nhưng vẫn ở mức thấp, giá gà nuôi theo phương thức công nghiệp hoặc gà ta thả vườn bán dưới giá thành sản xuất nên chưa đủ để người chăn nuôi hòa vốn. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu mạnh dạn tái đàn nhưng số lượng không nhiều. Tính đến cuối tháng 11, toàn tỉnh có 2.371 con trâu, tăng 0,5% (11 con)  so cùng thời điểm năm trước; đàn bò 30.780 con, giảm 6,7% (-2.220 con); đàn lợn 381.540 con, giảm 8,8% (-36.960 con); đàn gia cầm 5.198 nghìn con, tăng 8,1% (+388 nghìn con). Hoạt động thú y, do thời tiết giao mùa, hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc thời điểm cuối năm chưa qua kiểm dịch có xu hướng gia tăng đã tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn vật nuôi dễ phát sinh, lây lan. Trong đó, tại số khu vực trước đây đã xuất hiện dịch bệnh trên đàn trâu, bò, lợn có nguy cơ tái bùng phát cao. Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát sinh dịch bệnh LMLM tại 45 hộ chăn nuôi, của 07 thôn, 03 xã ( Đại Bái, Xuân Lai, Đại Lai) của huyện Gia Bình. Tổng số con mắc bệnh là 142 con bò và 18 con lợn. Trước tình hình này, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi, hướng dẫn các hộ áp dụng các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc trên địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Đến nay, dịch đã cơ bản được khống chế. Công tác tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu - Đông năm 2017 tiếp tục được thực hiện, đến nay toàn tỉnh tiêm được 284,6 nghìn liều vắc xin các loại cho đàn lợn; 3,2 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia cầm; 50,4 nghìn liều vắc xin dại cho đàn chó mèo và 22,6 nghìn liều vắc xin các loại cho đàn trâu bò.

c) Lâm nghiệp: Ngành Kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn các hộ gia đình chăm sóc bảo vệ diện tích rừng hiện có. Tháng 11, toàn tỉnh trồng thêm được 25 nghìn cây phân tán các loại; khai thác được 388 m3 gỗ, tăng 0,5% so với cùng kỳ, khai thác 534 ste củi, tăng 7,4%. Hiện nay, đang vào thời điểm hanh khô nên nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao, đặc biệt là tại các nơi quy hoạch trồng rừng phòng hộ bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái xen kẽ với các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, các điểm di tích lịch sử văn hóa, lượng người ra vào lớn và khó kiểm soát. Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh đã xây dựng phương án PCCR cụ thể theo nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) được UBND tỉnh phê duyệt nhằm triển khai những biện pháp hạn chế tối đa các vụ cháy rừng. Công tác bảo vệ rừng được chú trọng, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng và khai thác gỗ trái phép.

d) Thuỷ sản: Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến cuối tháng 11 ước đạt 5.250 ha, giảm 0,9% (-50 ha) so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do một số diện tích ao hồ bị ô nhiễm và một số diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng ngày càng suy giảm do tình trạng khai thác quá mức và tác động tiêu cực do nguồn nước thải công nghiệp và sinh hoạt ô nhiễm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng chủ yếu do nuôi lồng bè. Tính chung 11 tháng, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 34.179 tấn, tăng 2,4% (+793 tấn) so cùng kỳ, trong đó nuôi trồng đạt 33.011 tấn, tăng 2,8%; khai thác thủy sản đạt 1.168 tấn, giảm 8,5%. Sản xuất con giống đạt 986 triệu con, giảm 4,6%. Hiện nay, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh cá giống đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhập các loài cá về ươm san, chuẩn bị cho nhu cầu trước và sau Tết Nguyên đán, như: cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, chim trắng, cá nheo, các lăng... cá giống nhập đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; các cơ sở sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ số lượng cho diện tích nuôi. 

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 11 (IIP) tăng 9,7% so tháng trước và tăng 82,8% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,7% và tăng 83,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng...giảm 2,6% và tăng 23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,9% và giảm 10,2%. Sở dĩ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao là do: ngành SXSP điện tử chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng cao (+10,6% so tháng trước và gấp gần 2 lần so cùng tháng năm trước), là do Công ty Samsung Display Việt Nam (SDV) đưa hoạt động nhà máy quy mô lớn sản xuất màn hình tivi tinh thể lỏng và màn hình OLED dùng cho điện thoại thông minh, chíp điện tử. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ của dòng điện thoại Samsung Galaxy S8/S8+ tiếp tục tăng trên thế giới và từ tháng 9 có thêm dòng Samsung Note8 được tung ra thị trường. Ngoài ra, một số ngành truyền thống của tỉnh cũng có dấu hiệu phục hồi nhanh và đạt chỉ số tăng cao, như: SX đồ uống (+8,8% và +32,6%); chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (+2,3% và +7,8%); SXSP từ giấy (+8,9% và +2%); SX hóa chất và SP hóa chất (+8,3% và +9,9%);...cũng góp phần đưa IIP của tháng 11 tăng cao hơn. Tính chung 11 tháng, IIP tăng 35,5% so cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 35,6%; SX và PP điện, nước nóng, hơi nước và điều hoà nhiệt độ tăng 21,1%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 7 ngành có chỉ số tăng hai con số, từ 11,7% đến 88,7%; có 5 ngành đạt mức tăng trên 5%.

b) Giá trị sản xuất: Cùng với việc tăng lên cả về quy mô sản xuất và chất lượng của nhóm sản phẩm điện tử, các sản phẩm truyền thống như may mặc, đồ gỗ, giấy...từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, thu hút được nhiều đơn đặt hàng giúp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về quy mô. Tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 118.306,8 tỷ đồng, tăng 4% so tháng trước và tăng 85,6% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 118.209,8 tỷ đồng, tăng 4% và tăng 85,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60,7 tỷ đồng giảm 3,2% và tăng 21,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 36,3 tỷ đồng, giảm 5,2% và tăng 12,5%. Sau 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 884.431,4 tỷ đồng, tăng 42,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 883.195,5 tỷ đồng, tăng 42,9%.

c) Sản phẩm chủ yếu: Do tác động của yếu tố mùa vụ, nhiều sản phẩm có lượng xuất khẩu và tiêu thụ ở trong nước gia tăng trong những tháng cuối năm, nên lượng sản xuất tăng so tháng trước và so cùng tháng năm trước, như: Mỳ, phở (+0,4% và +12,5%); quần áo (+26% và +10,4%); giấy và bìa (+4,5% và +7%); bê tông tươi (+6,8% và +11,3%); sắt thép (+3,9% và+28,3%); bộ phận dùng cho điện thoại (+18,3% và gấp 2,6 lần); màn hình các loại (+11,2% và gấp 2,9 lần); tủ gỗ (+9,9% và+28,5%),...Tính chung 11 tháng, nhiều sản phẩm có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, như: vải (+13,7%); quần áo (+11,4%); sắt thép (+7,6%); điện thoại thông minh (+16%); linh kiện điện thoại (+92,1%); màn hình các loại (gấp 5,7 lần); bình đun nước nóng (+19,6%); giường gỗ (+7,4%). Tuy nhiên, cũng có sản phẩm sụt giảm, là: thức ăn gia súc (-10,6%) do đàn lợn giảm mạnh; kính các loại (-28,8%) do không cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc có giá rẻ và mẫu mã đẹp hơn; salong gỗ (-2,5%); máy hút bụi bằng 32,6% và máy tính bảng chỉ bằng 7,2% so cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

a) Vốn đầu tư:  Trong tháng, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tích cực kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị đảm bảo chất lượng và KH đề ra, như: TL 280, TL281, TL283, TL 284, các dự án nước sạch nông thôn và nhất là tập trung cho 6 công trình trọng điểm của tỉnh....nên vốn đầu tư đạt khá. Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 ước đạt 278,7 tỷ đồng, tăng 3,7% so tháng trước và tăng 11,7% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 191,2 tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 11,4%; ngân sách cấp huyện đạt 52,4 tỷ đồng, tăng 4,3% và tăng 6,9%. Sau 11 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt 2.632,2 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 1.908,5 tỷ đồng, tăng 14,6%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 442,6 tỷ đồng, tăng 2% và ngân sách cấp xã đạt 281,1 tỷ đồng, tăng 3,4%. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được thực hiện đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành theo đúng chế độ qui định của Nhà nước.

b) Hoạt động cấp phép đầu tư: Tính từ ngày 01/01 đến ngày 15/11/2017, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận mới cho 148 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 109 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh đạt 3.164,2 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, giảm 0,7% về số dự án cấp mới, nhưng gấp 5 lần về vốn đăng ký. Trong đó, có 123 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 83,8%) với tổng vốn đăng ký là 3.152,1 triệu USD (chiếm tới 99,7%). Lũy kế đến 15/11/2017, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.100 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký (bao gồm cả vốn điều chỉnh) là 15.595,4 triệu USD. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành tổ chức điều chỉnh quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch phát triển các KCN tập trung… nhằm tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài KCN giúp cho các nhà đầu tư triển khai nhanh dự án.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ: Hoạt động thương mại, dịch vụ những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh bắt đầu gia tăng do tác động của yếu tố tiêu dùng mùa vụ, như: cưới hỏi, xây dựng và sửa chữa nhà ở, mua sắm đồ dùng gia đình của dân cư. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng đã góp phần phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, do giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng đã đáp ứng đấy đủ nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 2.875 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 11,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, kinh tế tập thể đạt 44,8 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 18,5%; kinh tế cá thể đạt 1.674,6 tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 8,4%; kinh tế tư nhân đạt 1.155,7 tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 17,1%. Hầu hết các nhóm hàng đều có mức tăng so tháng trước và so cùng tháng năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao, như: May mặc (+2,9% và +24%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+2,4% và +17,9%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (+0,6% và +19,4%); Gỗ và VLXD (+2,6% và +19,5%); nhiên liệu khác (+1,9% và +12,7%). Sau 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 30.609,7 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2016. Một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn mức chung như: May mặc; vật phẩm, văn hóa, giáo dục; gỗ và VLXD; ô tô các loại; nhiên liệu khác. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống có xu hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tháng 11 ước đạt 417,3 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 18,7% so cùng tháng năm trước. Sau 11 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 4.221,4 tỷ đồng, tăng 27,7% so cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 3.971,1 tỷ đồng, chiếm 94% và tăng 28,1%. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (chưa bao gồm dịch vụ công và chi nhánh DN) tháng 11 đạt 525,5 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 14,1% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng, doanh thu dịch vụ đạt 5.748,9 tỷ đồng, tăng 15,7%  so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 5 ngành có mức tăng cao hơn chỉ số số chung là hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+19,7%); y tế và trợ giúp xã hội (+17,9%); nghệ thuật vui chơi giải trí (+30,9%); sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình (+19,8%) và dịch vụ khác (+23,2%).

b) Tình hình giá cả: Tháng 11, theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ biến động tăng nhẹ so với tháng trước, do một số nguyên nhân: (1) Giá lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng; (2) Giá xăng, dầu trong tháng 2 lần điều chỉnh tăng; (3) Giá nước sạch và phí thoát nước trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và các thị trấn thuộc các huyện trong tỉnh được điều chỉnh bắt đầu từ ngày 1/11/2017 theo Quyết định số 600/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh; (4) Các doanh nghiệp bước vào sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018; (5) Do thời tiết chuyển mùa, nên nhu cầu đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có giảm giá hoặc ổn định như vật liệu xây dựng, sắt thép, cát sỏi, dịch vụ giáo dục, văn hóa, giải trí... do nhu cầu vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả nhằm góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động bất thường, đặc biệt là vào thời điểm những tháng cuối năm. Dự báo tháng 11 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,5% - 0,6% so với tháng trước.

c) Xuất, nhập khẩu: Thị phần trên thị trường thế giới của điện thoại Samsung tiếp tục tăng và có thêm sản phẩm mới là màn hình điện thoại, ti vi được xuất khẩu, nên hoạt động ngoại thương tăng cao.Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 3.472,3 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng rất cao so cùng tháng năm trước (gấp 2,3 lần). Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25.838,6 triệu USD, tăng 32,6% so cùng kỳ. Trong đó, khối DN FDI đạt 25.687,2 triệu USD, chiếm 99,4% và tăng 32,7%. Một số mặt hàng có mức xuất khẩu đạt khá như: SP từ chất dẻo, hàng dệt may, máy tính và phụ kiện, điện thoại các loại và linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện....Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 3.428,5 triệu USD, tăng 13,4% so tháng trước và gấp gần 2,4 lần so cùng tháng năm trước. Trong đó, khối DN FDI chiếm 98%, tăng 13,5% và gấp 2,4 lần. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng so tháng trước và tăng cao so cùng tháng năm trước, như: phụ liệu dệt may, da giày; sắt thép các loại; linh kiện điện tử. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23.984,3 triệu USD, tăng 70,6%. Trong đó, nhóm linh kiện điện tử đạt 18.386,7 triệu USD, tăng 54,5%.

5. Giao thông vận tải

a) Hoạt động kinh doanh vận tải: Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục sôi động do điều kiện thời tiết thuận lợi, nhu cầu đi lại làm ăn buôn bán của người dân những tháng cuối năm tăng cao. Mạng lưới xe buýt nội tỉnh và lân cận phát triển mạnh tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho học sinh, người dân và lao động trong các KCN của tỉnh. Vận tải hành khách: Tháng 11, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.586 nghìn HK, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 15,8% so cùng tháng năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 75,3 triệu HK.km, tăng 0,3%  và tăng 16,6%. Lũy kế đến hết tháng 11, khối lượng vận chuyển ước đạt 17.111 nghìn HK, tăng 14,4% so cùng kỳ năm 2016; khối lượng luân chuyển đạt 807,4 triệu HK.km; tăng 15,9%; doanh thu ước đạt 1.076,0 tỷ đồng, tăng 16,5%. Vận tải hàng hoá: Tháng 11 vận tải hàng hóa ước tính đạt 3 triệu tấn, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 9,3% so cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 149,4 triệu tấn.km, tăng 1,2% và tăng 9%. Lũy kế 11 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 32,9 triệu tấn, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.613 triệu tấn.km, tăng 8,9%. Trong đó, vận tải hàng hóa đường bộ 24,6 triệu tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ và luân chuyển 651,4 triệu tấn.km, tăng 9,3%; vận tải hàng hóa đường sông đạt 8,2 triệu tấn, tăng 8,7% và luân chuyển 961,6 triệu tấn.km, tăng 8,6%. Doanh thu vận chuyển hàng hoá 11 tháng ước đạt 2.352,6 tỷ đồng, tăng 9,8%.

b) An toàn giao thông: Thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 32 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT. Tình hình TT ATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Sau 11 tháng, toàn tỉnh xảy ra 115 vụ TNGT đường bộ, làm chết 87 người và bị thương 45 người. So cùng kỳ năm 2016, giảm 1 vụ, giảm 1 người chết và giảm 6 người bị thương. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm là thời điểm dễ xảy ra các vi phạm về trật tự ATGT, UBND tỉnh  đã yêu cầu Ban ATGT tỉnh rà soát việc thực hiện các văn bản, chỉ đạo liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT tại các địa phương; sớm triển khai và hoàn thiện một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. Duy trì và làm tốt việc bảo đảm trật tự hành lang ATGT, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, lề đường gây mất trật tự ATGT.

6. Tài chính: Quy mô sản xuất công nghiệp tăng, hoạt động kinh doanh sôi động trong những tháng cuối năm đã giúp thu ngân sách tăng khá. Tổng thu NSNN tháng 11ước đạt 934,7 tỷ đồng, bằng 44,5% so tháng trước và bằng 73% so cùng tháng năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 634,8 tỷ đồng, bằng 39,8% và bằng 77,8%. Trong thu nội địa, các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao như: thu từ các DN FDI đạt 161,1 tỷ đồng; thu thuế ngoài quốc doanh 100,2 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân 100 tỷ đồng,...Tổng chi ngân sách tháng 11 ước đạt 1.819,2 tỷ đồng, tuy giảm 27,5% so tháng trước nhưng lại tăng mạnh (+82,2%) so cùng tháng năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 515,7 tỷ đồng, giảm 25,3% và tăng 32,4%; chi thường xuyên đạt 1.300,5 tỷ đồng, giảm 26,3% và tăng gấp hơn 2,3 lần. Sau 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 20.602,8 tỷ đồng, vượt 7,6% dự toán năm và tăng 30,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa là 15.537,9 tỷ đồng, vượt 7,4% dự toán và tăng 38,1% so cùng kỳ; thu từ hải quan đạt 5.028,4 tỷ đồng, vượt 11,7% và tăng 12,9%. Tổng chi ngân sách địa phương 11 tháng là 13.217,3 tỷ đồng, vượt 8,5% dự toán năm và tăng 26,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó chi cho đầu tư phát triển đạt 5.156,9 tỷ đồng, vượt 66,8% và tăng 17,5%; chi thường xuyên đạt 7.7.61,1 tỷ đồng, đạt 95% dự toán và tăng 48,1%.

7. Ngân hàng - Tín dụng: Những tháng cuối năm, ngành Ngân hàng tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn từ các tổ chức và dân cư để tạo vốn tín dụng cho phát triển kinh tế. Đến hết tháng 11, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 81.500 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước, tăng 14,1% so cùng tháng năm trước và tăng 10,1% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, tiền gửi của cá nhân đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 1,3%, tăng 29,8% và tăng 23,5%; tiền gửi của các tổ chức đạt 27.500 tỷ đồng, tuy tăng 2% so tháng trước, nhưng lại giảm 2,4% và giảm 3,7%. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 11 ước đạt 65.500 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước, tăng 17,8% so cùng tháng năm trước và tăng 15,7% so thời điểm cuối năm 2016. Nợ quá hạn là 670 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ, trong đó chủ yếu là nợ xấu của doanh nghiệp. Giao dịch thanh toán với nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ phong phú đa dạng, linh hoạt, đảm bảo chính xác, an toàn, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, góp phần đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn. Đến cuối tháng 11 tổng thu tiền mặt của các ngân hàng trên địa bàn là 379.634 tỷ đồng, tổng chi tiền mặt 372.938 tỷ đồng, bội thu 6.696 tỷ đồng.

8. Một số vấn đề xã hội

a) Hoạt động y tế: Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên số lượng bệnh nhân nhi mắc các bệnh về đường hô hấp và các bệnh mãn tính đối với người cao tuổi như tim mạch, huyết áp...gia tăng. Trước tình hình trên, ngành y tế cũng đã chỉ đạo các cơ cở y tế tăng cường và thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh trong thời điểm chuyển mùa, không để phát sinh dịch bệnh... Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Trong tháng, tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Tháng 11, toàn tỉnh thực hiện khám chữa bệnh cho 175 nghìn lượt người, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,4% so cùng tháng năm trước. Trong đó, có 18 nghìn lượt điều trị nội trú, tăng 1,7% và tăng 24,1%. Tính chung 11 tháng, toàn ngành y tế đã thực hiện khám chữa bệnh cho 1.865,8 nghìn lượt người, tăng 7,8%, so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lượt điều trị nội trú là 192,6 nghìn lượt, tăng 23,1%. Tuy nhiên, từ ngày 16-20/11 tại Bệnh viện Sản Nhi đã có 5 trường hợp trẻ sơ sinh bị tử vong, trong đó có 4 trường hợp sinh non. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn rà soát lại quy trình khám điều trị bệnh để sớm xác định nguyên nhân tử vong và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Y tế trong ngày 22/11.

b) Giáo dục và đào tạo:  Ngành giáo dục đang tiến hành công tác kiểm tra chất lượng dạy và học trong nội dung chương trình học kỳ I của năm học 2017-2018. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác giảng dạy được tăng cường. Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tốt. Ngày 27/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Trong tháng, các trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động thi đua lập thành tích cao, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017).

c) Văn hoá, thể dục thể thao: Trong tháng 11, hoạt động thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ và đón nhận các danh hiệu thi đua trong dịp cuối năm. Báo, Đài PTTH tỉnh đã giành nhiều trang tin, thời lượng phát sóng về các sự kiện chính trị cả nước, như: kỳ họp thứ IV Quốc hội khoá XIV; 87 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2017); 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017); ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT,.. Ngành Văn hóa tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các hoạt động văn hóa, trong dịp cuối năm. Trong tháng, đã tổ chức thành công các giải đấu như: Giải Vô địch Quần Vợt; giải Cầu lông và Bóng bàn ngành Giáo dục; giải Cầu lông các nhóm tuổi; Giải Vô địch Đông Nam Á Vật cổ điển, Vật tự do (sẽ khai mạc vào ngày 23/11) tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh. Đặc biệt, ngày 3/11 UBND tỉnh Bắc Ninh đã chính thức ra mắt Đội Bóng chuyền nữ Kinh Bắc gồm 20 VĐV và 3 HLV, góp phần quảng bá vùng đất, con người, hình ảnh Bắc Ninh-Kinh Bắc năng động và phát triển tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Báo cáo chi tiết tại đây.

Tệp đính kèm.