Trà Xuyên vào hội
Làng Trà Xuyên xã Khúc Xuyên thành phố Bắc Ninh nằm bên bờ nam sông Ngũ Huyện Khê, nơi có cây cầu Chọi cổ kính- một di tích tiêu biểu trong vùng, nối liền hai làng Trà Xuyên và Khúc Toại cùng xã.
Là một làng Việt cổ liền kề những xóm thôn trù phù, xưa kia cư dân Trà Xuyên chuyên nghề nông kết hợp với làm thợ gốm, nung vôi, nấu rượu, thợ mộc, tập nập trên bến dưới thuyền. Những dấu tích lò gốm cổ Đương Xá- địa danh sát với Trà Xuyên, có niên đại từ thế kỷ thứ X đã cho thấy vùng đất ngã ba sông này có vị trí quan trọng trong lịch sử, văn hoá miền Kinh Bắc- Bắc Ninh.
Truyền thống lịch sử vằn văn hiến lâu đời của làng Trà Xuyên biểu hiện khá đậm nét ở kết cấu tổ chức làng xóm, lễ nghi phong tục, sinh hoạt văn hóa quan họ, các công trình tín ngưỡng tôn giáo và tập trung nhất là các lễ hội. Cũng như nhiều làng quê khác bên ven bờ sông Cầu, từ xa xưa, nhân dân Trà Xuyên đã dựng đình thờ Đức Thánh Tam Giang, xây chùa Nghinh phúc thờ Phật. Cụm di tích cổ kính này là di sản văn hoá tiêu biểu của làng với kiến trúc cổ kính, chạm khắc tinh vi tài nghệ, cùng nhiều đồ thờ tự, tài liệu quý, được Nhà nước cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Việc thờ Thánh, thờ Phật của cư dân Trà Xuyên rất tôn nghiêm với nhiều nghi thức, tiêu biểu là nghi lễ rước “Ông ỷ” ra đình làng tế lễ trong ngày hội đầu xuân năm mới. Hội làng Trà Xuyên được tổ chức vào ngày mồng 4 và mồng 5 Tết với các nghi lễ rước bài vị Thành hoàng, tổ chức các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, hát quan họ. Tương truyền tục rước “Ông ỷ” tổ chức vào sáng mồng 5, được toàn dân tham gia và chuẩn bị rất chu đáo từ trước. Trà Xuyên xưa có 6 giáp, hàng năm mỗi giáp cắt cử một gia chủ nuôi một con lợn đen tuyền, cho ăn chu đáo để được to, béo, khi đem ra rước phải có trọng lượng 1 tạ trở lên. Đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch giã hội làng, gia chủ nuôi lợn phải sửa một lễ ngọt đãi quan viên hàng giáp vào rước “Ông ỷ”. “Ông ỷ” được nhân dân gọi với sự tôn kính, được tắm gội sạch sẽ, có xe bốn bánh đẩy khi rước cùng với kiệu bát cống, siêu đao, kèn trống, tàn lọng. Cung rước từ nghè ra đình, 6 “Ông ỷ” được đặt trước sân đình, hàng giáp vào lễ Thánh, sau đó đưa “Ông ỷ” đi giết mổ để tế lễ trong đình trước khi mang về làm cỗ và chia phần cho dân thôn.
Nét đặc sắc khác trong ngày hội làng ở Trà Xuyên là tục đuổi chim cuốc bảo vệ mùa màng. Sáng mùng 4 Tết làng khai hội với lệ thức đầu tiên là “đuổi chim cuốc”. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, tất cả già trẻ, trai gái nhất loạt cầm gậy gộc, gạch đá cùng nhau hò reo đuổi bắt chim cuốc ở các bụi tre, bờ ao quanh làng, ai bắt được nhiều sẽ được trọng thưởng. Nhờ vậy mà đồng ruộng trù mật của Trà Xuyên luôn tốt tươi, mang lại cuộc sống no đủ cho dân thôn.
Từ xa xưa, nguồn sống chính của cư dân trà Xuyên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có nghề mộc, chạy chợ, buôn bán lúc nông nhàn. Theo dòng chảy lịch sử, kinh tế và đời sống của người dân nơi đây cũng từng bước có những đổi thay quan trọng, bắt nhịp cùng sự phát triển chung của quê hương đất nước. Ngay từ những năm 1954- 1960 HTX Nông nghiệp Trà Xuyên được thành lập tạo bước tiến mới trong lao động sản xuất, nhiều tiến bộ khoa học được ứng dụng như làm phân xanh, phân bùn ao, xử lý hạt giống, gieo cấy thẳng hàng, đúng thời vụ, tăng cường sức kéo… góp phần nâng cao năng suất lúa, cải thiện đời sống cho các hộ xã viên. Giai đoạn 1975- 1985, nhân dân Trà Xuyên dốc sức làm công tác thuỷ lợi, tu bổ hệ thống kênh mương tưới tiêu, làm đường giao thông liên thôn, trải cấp phối mặt đê Ngũ huyện khê với tổng mức đầu tư trên 80 triệu đồng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế dân sinh ở Trà Xuyên có nhiều khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp đạt mức thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/ ha, lương thực bình quân đầu người gần 600kg/ năm. Các ngành nghề dịch vụ được mở mang; công trình phúc lợi được đầu tư mở rộng đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh; tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn giảm còn 4,5%. Nhiều năm liền, Trà Xuyên luôn đạt danh hiệu làng văn hoá.
Mặc dù các trò vui dân gian trong ngày hội đã bị gián đoạn từ nhiều năm trước, song lễ hội làng Trà Xuyên vẫn luôn được người dân trân trọng gìn giữ với các nghi thức tín ngưỡng tâm linh mang đậm dấu ấn của một làng quê miền châu thổ. Hy vọng tới đây khi có điều kiện cộng với sự quan tâm hỗ trợ của ngành Văn hoá, hội làng Trà Xuyên sẽ lại có các trò chơi đuổi chim quốc, tục rước “Ông ỷ”, các hoạt động văn hoá truyền thống hoà cùng những sinh hoạt cọng đồng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách thập phương khi về dự hội xuân làng Việt cổ Trà Xuyên./.