Tranh Đông Hồ xứng đáng được vinh danh
Với những giá trị của dòng tranh quý còn đang hiển hiện rõ ràng ở mỗi bản khắc gỗ cũng như trên từng bức tranh giấy dó thì tranh Đông Hồ xứng đáng được lập hồ sơ để vinh danh.
Nghề làm tranh dân gian ở Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành) có lịch sử hàng trăm năm. Các chuyên gia đầu ngành đánh giá đây là một dòng tranh dân gian độc đáo, tiêu biểu nhất của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Kỹ thuật sử dụng chất liệu dân gian cũng như quá trình sản xuất được thực hiện tỉ mỉ theo phương pháp thủ công truyền thống. Đó cũng chính là cơ sở để những người tâm huyết với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tin tưởng nhận định rằng, tranh Đông Hồ có nhiều tiêu chí quan trọng để có thể trở thành di sản văn hóa thế giới. Nếu tranh Đông Hồ được công nhận, chúng ta sẽ bảo vệ được một di sản quý của dân tộc đã được gìn giữ, lưu truyền qua hàng trăm năm và còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương.
Theo nhận định của những người có chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác xây dựng hồ sơ trình UNESCO thì tranh Đông Hồ là loại hình di sản có khả năng ứng dụng rộng, điều kiện phổ biến thuận lợi nên khi được công nhận, dòng tranh này không bị bó buộc vào khuôn khổ hay giới hạn nhất định mà có thể phát triển mở rộng. Ngoài ra, còn những ưu điểm khác là: mặc dù tranh Đông Hồ được xếp vào loại di sản văn hóa phi vật thể nhưng còn có giá trị vật thể hiện hữu qua chất liệu làm tranh, ở các bản khắc gỗ cổ cũng như nội dung hình ảnh, đường nét, bố cục trên mỗi bức tranh.
Hơn nữa, ở Đông Hồ bây giờ hiện còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam vẫn có các thế hệ con cháu nối nghiệp yêu thích, say mê và nguyện gắn bó, thay nhau gìn giữ nghề làm tranh truyền thống của ông cha.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người đã bỏ 20 năm tâm sức, tiền của để tự mình khôi phục lại nghề tranh của quê hương chia sẻ: Nếu tranh Đông Hồ được đề cử là di sản văn hóa thế giới thì đó là niềm tự hào đối với cả làng tranh chứ không riêng mình tôi. Cách đây 2 tháng, một số cán bộ ở Viện Văn hóa có về gặp tôi trao đổi và khảo sát thực tế để chuẩn bị giới thiệu, đề cử tranh Đông Hồ là di sản văn hóa thế giới. Biết việc làm này, tôi mừng lắm. Tôi tin rằng tranh Đông Hồ xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bởi, giá trị tiêu biểu, đặc sắc của dòng tranh; đối tượng yêu thích tranh Đông Hồ cũng khá rộng và đa dạng, không riêng ông già, bà già ưa chuộng mà có rất nhiều đoàn học sinh, thiếu niên, nhi đồng nhỏ tuổi đã tìm đến gia đình tôi để thăm quan, tìm hiểu rồi học hỏi phương pháp làm tranh truyền thống. Đặc biệt, bản thân tôi luôn luôn sáng tạo, phát kiến thêm những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thời đại mà vẫn dựa trên kỹ thuật và chất liệu của tranh dân gian Đông Hồ. Theo tôi, để bảo tồn, phát huy được giá trị của tranh dân gian Đông Hồ điều quan trọng đầu tiên là cần phải xây dựng và khôi phục lại không khí giao thương của chợ bán tranh như xưa, có thế thì mới thu hút các gia đình quay trở lại với nghề làm tranh…
Theo dõi quá trình, diễn biến của kế hoạch xây dựng hồ sơ để đề cử UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa thế giới, ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Giá trị của dòng tranh dân gian Đông Hồ thì đã rõ nhưng việc lập được hồ sơ cần tuân theo một quy trình cụ thể mà đầu tiên phải được sự cho phép của Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, tranh Đông Hồ vẫn đang chờ sự phê chuẩn của Chính phủ. Sau khi có kết quả mới tính đến việc kiểm kê, lập hồ sơ và đề xuất các phương án bảo tồn.
Nhưng thời gian không còn nhiều để chờ đợi cho việc bảo vệ một dòng tranh đặc sắc, tiêu biểu và đang có nhiều nguy cơ mai một như dòng tranh Đông Hồ. Vì vậy, việc lên phương án, xây dựng lộ trình lập hồ sơ để đề cử UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa của nhân loại rất cần được thực hiện khẩn trương hơn.