Để tiềm năng du lịch Bắc Ninh không còn “tiềm ẩn”

15/07/2011 02:45
Bắc Ninh-“cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, quê hương của đình, chùa, lễ hội và những làn điệu dân ca Quan họ say đắm lòng người. Bề dày lịch sử, văn hóa đã tạo cho Bắc Ninh tiềm năng to lớn phát triển du lịch văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Tuy nhiên, do chưa khai thác được hết tiềm năng, Bắc Ninh vẫn còn là một vẻ đẹp “tiềm ẩn” cần được đầu tư, khám phá.
Hội Lim luôn là một điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Các di tích lịch sử văn hóa không chỉ là nơi lưu giữ nguồn tài liệu quý giá mà còn hấp dẫn, thu hút đông đảo khách thập phương đến du lịch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý di tích tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 1.259 di tích, trong đó có 428 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Một số di tích tiêu biểu có tiềm năng thu hút khách du lịch phân bố tập trung trên địa bàn thị xã Từ Sơn, huyện Thuận Thành, Gia Bình, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh. Hệ thống di tích này đóng vai trò là một điểm nhấn quan trọng trong các hành trình du lịch tỉnh Bắc Ninh. Thời gian qua, công tác tuyên truyền quảng bá được triển khai tích cực, đã có sự đổi mới về hình thức, nội dung bước đầu phát huy hiệu quả, quảng bá được hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh đến với du khách trong và ngoài nước. Ngoài việc xuất bản những ấn phẩm như tờ gấp tờ rơi còn xây dựng được những biển quảng bá tấm lớn, phát hành hàng nghìn đĩa CD và nhiều chương trình trên các phương tiện thông tin, đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Bước đầu quảng bá du lịch thông qua các sự kiện văn hoá, thể thao của tỉnh như AI Games 3, Festival Bắc Ninh năm 2010 và trên các Website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như một số đơn vị lữ hành.Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Ninh đến năm 2010  đã xác định 3 dự án khu du lịch ưu tiên đầu tư là: Khu du lịch văn hoá Quan họ Cổ Mễ (Thành phố Bắc Ninh); khu du lịch văn hoá Đền Đầm (thị xã Từ Sơn); khu du lịch văn hoá Phật Tích (huyện Tiên Du). Bên cạnh đó, theo dự kiến sẽ có 3 khu du lịch khác là: Khu du lịch lâm viên Thiên Thai (huyện Gia Bình); khu du lịch văn hoá lịch sử Như Nguyệt (huyện Yên Phong); khu du lịch tâm linh Hàm Long - Núi Dạm (thành phố Bắc Ninh) và lựa chọn 22 điểm di tích quy hoạch phát triển thành điểm du lịch làm động lực cho các tuyến du lịch khép kín, liên hoàn và hấp dẫn trên địa bàn.

Công tác quy hoạch, tôn tạo và phục chế để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với hoạt động du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu để hình thành các điểm, các tuyến du lịch hấp dẫn như Văn Miếu, chùa Phật Tích, lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô, đền thờ Lê Văn Thịnh...Các công trình này sau khi được trùng tu, tôn tạo không những góp phần bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, mà còn tạo ra nét đặc sắc hấp dẫn thu hút  khách du lịch đến Bắc Ninh ngày càng tăng. Cùng với di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các lễ hội và làng nghề, các di tích lịch sử văn hoá là những tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo. Đây là định hướng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Thực tế cho thấy, ngành du lịch Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực, chủ động trong việc tạo dựng, quảng bá hình hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh đến với du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, ngoài Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tích cực đầu tư cho hoạt động quảng bá chung thì các hoạt động quảng bá cụ thể của các đơn vị kinh doanh du lịch, của chính quyền nhiều địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định nên du lịch Bắc Ninh phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.Nguyên nhân của việc chưa thu hút đông đảo khách du lịch đến với Bắc Ninh là do sản phẩm du lịch trên địa bàn chưa phong phú, chất lượng chưa cao, phần lớn chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống. Những thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch còn rất mờ nhạt, hoạt động tuyên truyền quảng bá còn manh mún, phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu về chiều rộng cũng như chiều sâu. Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du lịch còn thấp. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đầu tư phát triển du lịch. Công tác lập quy hoạch khu, tuyến, điểm cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến độ triển khai dự án các khu du lịch trọng điểm còn chậm...Phát triển du lịch văn hóa sẽ tạo ra hiệu quả “kép”, vừa đưa lại những giá trị kinh tế, vừa gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống. Vì vậy rất cần xây dựng một chiến lược phát triển cụ thể cho ngành du lịch; coi trọng và đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về giá trị của các di tích; có kế hoạch ưu tiên đầu tư cho hệ thống di tích lịch sử, văn hoá theo hướng vừa bảo tồn, gìn giữ các yếu tố nguyên gốc vừa tăng tính hấp dẫn tương xứng với tầm vóc giá trị... để du lịch văn hóa Bắc Ninh phát triển xứng với tiềm năng vốn có và trở thành điểm nhấn du lịch quan trọng trong hành trình du lịch Việt Nam.

Nguyễn Lê Phúc
Nguồn: BBN