Trống Taiko - Nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của Nhật Bản

08/11/2023 10:15

(BNP)- Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình “Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản” và chương trình nghệ thuật “Sắc màu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh.

Chương trình nghệ thuật “Sắc màu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” sẽ diễn ra nhiều tiết mục đặc sắc của Bắc Ninh và Nhật Bản như: Biểu diễn Dân ca Quan họ; trình diễn Kimono; biểu diễn trống Taiko; múa Yosakoi…

Taiko là một loại trống truyền thống của Nhật Bản, có lịch sử lâu đời và là nét đẹp trong các lễ hội văn hóa và nghi thức tôn giáo Nhật Bản và cũng là đời sống tâm hồn của người Nhật. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa của người Nhật được những người đam mê âm nhạc trên khắp thế giới yêu thích.

Theo một số nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học, người cổ đại thời kỳ Jomon đã biết sử dụng trống là phương tiện để truyền đạt thông tin và là một nhạc cụ trong các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, trống thời kỳ này khác nhiều so với trống Taiko ngày này, chúng được làm bằng đất nung bọc da bên ngoài.

Thực tế, trống Taiko Nhật Bản ngày nay giống với Taiko ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Vì vậy, có giả thiết cho rằng, Taiko cổ đại được du nhập vào Nhật Bản từ Lục địa Châu Á vào khoảng thế kỷ 5-6 cùng với sự du nhập của Phật giáo Trung Quốc và Hàn Quốc. Cũng trong khoảng thế kỷ này, do sự phát triển của lễ hội “Dengaku” việc sử dụng trống để đệm nhạc trở nên phổ biến.

Bước sang thời kỳ Edo, bên cạnh sử dụng trống để đệm nhạc trong các lễ hội, các sự kiện tôn giáo, những người yêu thích trống Taiko đã tập hợp thành những nhóm biểu diễn và từ đó các cuộc thi kỹ năng đánh trống Taiko Nhật Bản ra đời.

Trải qua chiến tranh thế giới thứ hai, từ năm 1945, các nhóm biểu diễn trống Taiko Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vào năm 1951, Daihachi Oguchi đã sáng tạo nên “Kumi Daiko” – Đây là một hình thức biểu diễn trống độc lập kết hợp nhiều loại trống Taiko khác nhau, không gắn liền với các nghi thức tôn giáo hay lễ hội.

Tuy nhiên, đến những năm 1970 đến 1990 mới thực sự là thời kỳ bùng nổ của trống Taiko Nhật Bản, với hàng loạt các nhóm trống chuyên nghiệp hoạt động mạnh mẽ. Đặc biệt, buổi biểu diễn Taiko tại thế vận hội Tokyo năm 1964 đã giúp cho trống Taiko thực sự được yêu thích không chỉ ở Nhật Bản mà còn lan rộng ra cả Châu Âu, ÚC, Nam Mỹ,…

(nhã nhạc Nhật Bản) Taiko được sử dụng với hai loại dành cho dàn nhạc hòa tấu và khiêu vũ. Taiko sẽ được sắp xếp ở vị trí trước sân khấu và cứ sau khi kết thúc một phân đoạn trong buổi diễn, trống Taiko Nhật Bản sẽ được gõ lên một nhịp. Còn ở loại hình nghệ thuật khác như Kabuki và Kyogen, Taiko được sử dụng để tạo nên các hiệu ứng âm thanh cho vở kịch.

Taiko là âm thanh vang vọng khắp chiều dài lịch sử của đất nước Nhật Bản. Không chỉ tạo nên màu sắc cho lễ hội, các nghi thức tôn giáo mà còn tạo nên những giá trị tinh thần, là tinh hoa văn hóa Nhật Bản, là niềm tự hào của người dân Nhật.

Trống Taiko Nhật Bản có nhiều loại, nhưng nhìn chung có ba loại phổ biến sau:

Nagado Daiko

Nagado Daiko hay còn được gọi là Miya Daiko là loại trống Nhật được biết đến rộng rãi nhất. Loại trống Taiko này thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội và các nghi thức tôn giáo.

Nagado Daiko có hình dáng giống như một thùng rượu, có thân được làm bằng gỗ cứng, khúc gỗ được khoét rỗng đem phơi khô từ 3-5 năm, sau đó được căng lớp da bò lên trên và đóng đinh tán cố định. Khi trống được sử dụng, âm thanh được cộng hưởng trong phần thân rỗng vang rất xa, nên thường được sử dụng khi cần thể hiện sự mạnh mẽ, hào hùng.

Shime Daiko

Shime Daiko là một loại trống Nhật nhỏ hơn Nagado và có âm vực cao hơn. Trống có hai mặt đều được làm từ da bò, được bọc qua một vòng kim loại sau đó xâu lại với nhau bằng dây.

Khi đánh Shime Daiko, cho âm thanh cao và nhẹ nên thường được sử dụng trong Nagauta và kịch Noh.

Okedo Daiko

Thân trống Okedo Daiko được ghép từ các tấm gỗ dài, thường là gỗ tuyết tùng. Có kích thước lớn hơn Okedo Daiko và trọng lượng khá nhẹ, thường được khoác lên vai và được đi diễu hành, nhảy múa khi biểu diễn.

PV