Từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý về khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển
(BNP)- Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống được triển khai sôi nổi, đi dần vào chiều sâu.
Khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Hiện nay toàn tỉnh có 201 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ trong công nghiệp, y tế với hơn 800 nhân viên bức xạ phục vụ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh và khám chữa bệnh. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 tại 166 cơ quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hoá nền hành chính nhà nước.
10 năm qua, Sở KH&CN cấp hơn 60 Giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ cho hơn 30 doanh nghiệp FDI. Bắc Ninh cũng là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về bảo hộ sở hữu trí tuệ với hơn 3.500 văn bằng bảo hộ, trong đó có 32 sản phẩm thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ dưới các hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, lần đầu tiên Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quy mô cấp tỉnh (năm 2022), được tổ chức giúp lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Toàn tỉnh có hơn 400 nhiệm vụ KH&CN được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thực hiện, chuyển giao trên khắp các lĩnh vực đời sống, sản xuất. Bắc Ninh sớm thành lập Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 17ha, thu hút được nhiều doanh nghiệp vào hoạt động và chuyển giao công nghệ hiện đại. Công tác quản lý về KH&CN từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Ngoài ra, toàn tỉnh hình thành 1.105 vùng lúa năng suất, chất lượng với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, 57 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Với những kết quả đạt được, ngành KH&CN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh để cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất. Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, tập trung cho công tác tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra lành mạnh hoá quan hệ thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động các nguồn xã hội hóa tham gia để cùng củng cố mạng lưới phát triển KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…