UBND tỉnh phê duyệt chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2025

21/11/2019 15:07

(BNP) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành vừa ký, ban hành Quyết định số 1877/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2025.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở xã Bồng Lai (Quế Võ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững; chuyển giao và áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản và điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương nhằm góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Chương trình khuyến nông tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 tập trung vào 4 lĩnh vực: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi - Thú y; Thủy sản; Thông tin, tuyên truyền và đào tạo tập huấn.

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt - Bảo vệ thực vật sẽ tập trung phát triển sản xuất lúa bền vững, liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu mỗi huyện hình thành mới từ 3 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, quy mô 5ha trở lên; phát triển sản xuất cây rau màu, hoa và cây cảnh tập trung, an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu mỗi huyện hình thành 2 vùng sản xuất rau màu an toàn, quy mô 2ha trở lên và 2 mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển một số cây ăn quả chủ lực; áp dụng tiến bộ kỹ thuật về phân bón, thuốc BVTV; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mô hình chế biến, bảo quản nông sản…
 
Đối với lĩnh vực chăn nuôi - thú y, phát triển chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan) an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi lợn bền vững; chăn nuôi gia súc ăn cỏ năng suất, chất lượng cao; phát triển vật nuôi bản địa và các vật nuôi có tiềm năng trên thị trường; xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái… với mục tiêu mỗi huyện hình thành ít nhất 2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mỗi loại.
 
Trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng phát triển nuôi cá lồng trên sông theo chuỗi bền vững, bảo đảm ATTP gắn với xây dựng thương hiệu; phát triển nuôi cá thâm canh tập trung trong ao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao; hình thành một số vùng nuôi thủy sản tập trung tại các huyện.
 
Ngoài ra, các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền và đào tạo tập huấn sẽ được đẩy mạnh, qua đó giúp người dân nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách và tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp, từ đó áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
H.T