Vọng Nguyệt trông trăng - Nét son văn hoá miền Quan họ
Nằm bên bờ nam sông sông Cầu, làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong như dải lụa mềm mại trải dài bên dòng sông “lơ thơ nước chảy”, với Ngã Ba Xà gần nghìn năm qua vẫn âm vang tuyên ngôn bất hủ “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”, ghi dấu những chiến công oanh liệt của vua tôi nhà Lý chống quân xâm lược nhà Tống do Lý Thường Kiệt chỉ huy.
Tương truyền trước đây các bậc Nho học Vọng Nguyệt thường giao lưu đàm đạo với nhiều bậc hiền Nho làng Tam Sơn- một vùng “đất học” thuộc thị xã Từ Sơn; đến giờ cư dân trong làng vẫn còn truyền lưu câu ca: “Gái Vọng Nguyệt trông trăng vọng Nguyệt, Nguyệt nguyệt bằng thục nữ thuyền quyên”. Làng có bốn lối ra vào khu dân cư với bốn cổng Bến, Trai, Môn, Si. Trong lịch sử khoa cử phong kiến nước Đại Việt, Vọng Nguyệt có 8 vị hiền tài đỗ Tiến sỹ, được khắc tên trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người lĩnh ấn tiên phong là Ngô Ngọc, sinh năm Ất Mùi 1445, ông đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 33 tuổi. Tiếp đến là Ngô Hải đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4 đời vua Lê Uy Mục 1508; Chu Địch Huấn đỗ Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn 1532 đời Mạc Đăng Dung; Ngô Nhân Trừng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân năm 41 tuổi, khoa Canh Thìn 1580; Ngô Nhân Triệt đỗ Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi 1607; Ngô Nhân Tuấn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1640; Nguyễn Duy Thức đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Mùi 1736; và Ngô Quang Diệu đỗ Phó Bảng khoa Kỷ Dậu thời Tự Đức 1849. Dưới triều Nguyễn với 45 khoa thi, Vọng Nguyệt đã có 20 người đỗ Cử nhân.
Nhân lên tinh thần hiếu học, khoa cử của quê hương, nhiều con em Vọng Nguyệt tiếp tục đỗ đạt cao, ghi danh trong nền giáo dục quốc dân hiện đại. Từ luỹ tre, mái đình trông trăng, Vọng Nguyệt đã có 14 Tiến sỹ, 40 Thạc sỹ, 1 Phó Giáo sư cùng hàng trăm Cử nhân, là những cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Điển hình như Tiến sỹ Ngô Quý Tỵ sinh năm 1945, bảo vệ luận án chuyên ngành chế tạo máy năm 1982 tại Cộng hoà dân chủ Đức cũ, được phong hàm phó Giáo sư năm 1991; Tiến sỹ Phạm Gia Cửu sinh năm 1945, bảo vệ luận án Toán học năm 1975 tại đại học Bách khoa Tiếp Khắc cũ, nguyên là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục đào tạo; Tiến sỹ Ngô Cảnh Tuân sinh năm 1944, bảo vệ luận án chuyên ngành công nghệ hoá học năm 1980 tại Rumani; Tiến sỹ Triết học Chu Thị Thoa sinh năm 1955 bảo vệ luận án năm 2002, hiện là phó Trưởng khoa Xây dựng đảng Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia; Tiến sỹ Văn học Ngô Gia Võ sinh năm 1959, bảo vệ luân án năm 2002, hiện công tác tại đại học Thái Nguyên; Tiến sỹ Phạm Gia Long sinh năm 1974 (con của Tiến sỹ Phạm Gia Cửu) bảo vệ luân án chuyên ngành Công nghệ thông tin- đại học công nghệ bách khoa Cộng hoà Séc... Không những thế, Vọng Nguyệt còn có nhiều “võ tướng” với 40 người được phong hàm từ Thiếu tá đến Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.
Trưởng thôn Vọng Nguyệt Ngô Văn Quây phấn khởi cho biết: Nhiều năm trở lại đây tỷ lệ học sinh trong làng thi đỗ các trường đại học chính quy nguyện vọng 1 đều đạt đến 80%. Nhiều gia đình cả 3 con thi đỗ đại học với điểm số cao. Ngay từ năm 1995, vào ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo thôn và các nhà giáo tâm huyết trong làng đã thành lập “Hội Khuyến học Vọng Nguyệt”- mô hình khuyến học đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Đến nay, 100% gia đình trong thôn và cả 12 dòng họ trong làng đều tích cực tham gia hoạt động khuyến học khuyến tài. Hội Khuyến học thôn luôn duy trì “Quỹ học bổng” do các hộ dân đóng góp, hằng năm cấp 10-15 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Mùa thi đại học 2011, trong số 51 học sinh Vọng Nguyệt dự thi đã có gần 40 em đạt điểm sàn quy định, trong đó có nhiều em đạt 28 điểm trở lên. Điển hình như em Ngô Văn Đăng đạt điểm cao nhất với 28,5 điểm khối B, đỗ đại học Dược Hà Nội và 28 điểm khối A, đỗ đại học Kinh tế quốc dân.
Trân trọng gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, cùng hướng tới tương lai, Vọng Nguyệt- miền quê văn hiến, cách mạng bao đời nay vẫn là nguồn cội, nơi “uống nước nhớ nguồn” của bao người con ở gần, đi xa, cùng vun đắp cho làng “Trông trăng” thêm toả sáng trên bước đường đổi mới, xây dựng làng quê ngày thêm giàu đẹp, văn minh.