Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hiến Bắc Ninh-Kinh Bắc
Nhiều di sản văn hoá quý giá của quê hương được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hiến Bắc Ninh -Kinh Bắc.
Những năm qua, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh có nhiều bước phát triển đa dạng và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và thể chất của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 86% số hộ, 65% số thôn, làng, khu phố 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực với hầu hết thôn, làng, khu phố có bản hương ước, quy ước, bảo tồn và phát huy thuần phong mỹ tục của quê hương; nhiều nghi thức mới lành mạnh được hình thành, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mức sống của nhân dân ngày một nâng cao.
Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh xuống đến cơ sở từng bước được quan tâm đầu tư, có quy hoạch, cơ chế hỗ trợ, giao đất xây dựng nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa thể thao xã, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, tỉnh đã và đang quan tâm đến việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá luôn được quan tâm và ủng hộ của cộng đồng dân cư. Thời gian qua, ngành đã thực hiện quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, xếp hạng 428 di tích. Trong 5 năm, thực hiện tu bổ được 138 di tích với tổng số vốn đầu tư 229,143 tỷ đồng (trong đó vốn NSNN là 106,699 tỷ và vốn huy động XHH: 122,444 tỷ đồng) như: tôn tạo quần thể di tích nhà Lý và một số công trình tiêu biểu khác.
Một sự kiện văn hóa quan trọng đặc biệt và trở thành niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc là vào tháng 9-2009, UNESCO đã công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức thành công Festival Bắc Ninh 2010, đưa chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” trở thành hoạt động văn hóa truyền thống hàng năm của tỉnh. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật, điển hình như nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước…
Bên cạnh đó, lĩnh vực về du lịch cũng có nhiều chuyển biến tích cực với tổng doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 17,7%/năm, số lượng khách tăng 19,4%, bước đầu phát huy tiềm năng du lịch văn hóa, kết nối các tuyến điểm du lịch với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm du lịch trong vùng.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển ngày càng sâu, rộng với nhiều loại hình đa dạng, có 30% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, 15% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Thể thao thành tích cao đã có bước phát triển đáng kể, công tác đào tạo vận động viên trẻ được tăng cường, các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh như vật, cờ vua, karate-do, Boxing được đầu tư chiều sâu nên đã đạt Huy chương Vàng ở giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á và trong nước. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế, đoàn thể thao Bắc Ninh xếp hạng 23/66 tỉnh, thành, ngành tại Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc, vượt 23 bậc so với giai đoạn trước.
Giai đoạn 2011-2015, để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc văn hiến quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, duy trì phối hợp với các ngành liên quan nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, phường, thị trấn và thôn, làng, khu phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, đầu tư các dự án du lịch tại các làng Quan họ, làng nghề, tuyến du lịch sông Cầu, sông Đuống. Thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đạt chuẩn như: trung tâm thể thao, văn hóa xã, thôn làng, khu phố, các công trình thể thao, văn hóa cấp huyện. Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, môn thể thao truyền thống với thể thao hiện đại; chú trọng phát triển thể dục thể thao trong trường học, phát hiện, đầu tư bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ, đào tạo lực lượng vận động viên các môn thể thao thành tích cao.
Ngành cũng tập trung đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng, gắn phát triển văn hóa và thể thao với du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư vào các hoạt động đào tạo tài năng nghệ thuật, thể thao. Huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các thiết chế, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa…