Di tích lịch sử phường Vạn An

24/06/2019 17:42 Số lượt xem: 2207

Tổng số di tích trên địa bàn 14 di tích. Số di tích được Nhà nước xếp hạng có 05 di tích gồm: Di tích xếp hạng quốc gia có 03 di tích (đình, chùa Thượng Đồng), đình Thụ Ninh, di tích cấp tỉnh có 02 di tích (Lò Gốm Đương Xá 1, chùa Thanh Lãng).

1. Di tích khu Đương Xá 1

1.1. Khu Lò gốm Đương Xá

- Lịch sử hình thành

Khu di chỉ khảo cổ học lò gốm Đương Xá nay thuộc xóm Soi Núi xã Vạn An thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh. Toàn bộ khu di chỉ nằm trên một dải đất cao tiếp giáp với thôn Quả Cảm, xã Hòa Long (nay thuộc thành phố Bắc Ninh) kề sát con sông Ngũ Huyện chảy ra sông Cầu. Đây là con đường thông thương thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm đi mọi nơi. Khu di chỉ này cách thành phố Bắc Ninh khoảng 3km về phía Bắc theo đường chim bay và phân bố tương đối rộng trên một khoảng đất dọc theo sông Ngũ Huyện Khê. Khu di chỉ này trước đó nằm trong khu vực khai thác đất làm gạch, vì vậy di tích lò gốm Đương Xá đã bị đào phá nghiêm trọng. Toàn bộ phần trên và khu vực ven sông  đã bị đào bới làm xuất lộ một số vết tích lò nung và rất nhiều di vật gốm.

Khu lò gốm Đương Xá được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa - Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 12/08/2008-

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Lò gốm trưng bày thiện được tọa lạc trên diện tích đất 1947m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât, xung quanh chưa có tường bao bảo vệ, mặt hướng ra sông, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

- công trình kiến trúc

Do đặc thù di tích này nằm trong khu vực thấp ven sông nên sẽ bị ngập nước vào mùa mưa. Vì vậy sau khi kết thúc việc khai quật đợt 1, các nhà khoa học đã di chuyển hai lò tiêu biểu (lò số 1 và lò số 2 Đương Xá 1) lên gò cao và xây dựng tại đây một nhà bảo quản trưng bày di vật khảo cổ lớn. Nhà trưng bày trên có chiều dài 11m, rộng 8m, kết cấu mái bằng vì sắt lợp tôn kém. Trong nhà Bảo tàng đào hố sâu khoảng 50cm, diện tích 6m x 8m để đặt hai lò số 1 và 2 (Đương Xá 1) chìm xuống dưới. Lò 1 lấy khoảng 2/3 lò để cho khách tham quan cũng như các nhà nghiên cứu xem các lớp cắt của lò như thành lò, nền lò…

Đương Xá 1: Hố đào được mở ở khu vực bãi đất bằng vốn là sân phơi gạch, cách mép sông hiện tại hơn 30m, phát hiện được dấu vết của 6 lò nung gốm nằm ở độ sâu từ 1-1,5m so với mặt đất hiện tại, phân bố khá liền nhau được quy định theo số thứ tự từ đông sang tây. Trong số này có lò số 1, 2 là còn khá nguyên vẹn, lò số 3 thì đã bị đào phá mất phần hậu lò, lò số 4 cũng bị phá chỉ còn một mảng vách tường phía đông, phần còn lại khá nguyên vẹn. Lò số 6 phát hiện sau cùng và phần hậu lò nằm sát phía trước cửa lò số 2, lò này chỉ còn lại phần hậu lò, phần thân và tường đã bị phá mất do lò gạch mới xây đè lên trên. Để tìm hiểu cấu trúc đã cho cắt đôi lò số 1. Bên trong lò này chứa đầy đất và hàng trăm đồ phế thải do người xưa vứt bỏ lại. Những sản phẩm gốm trong lò phần lớn có cùng phong cách với những sản phẩm bên ngoài phía trước cửa lò và tương đồng với những đồ gốm tìm được ở khu vực các lò xung quanh. Điều đó cho thấy rõ mối quan hệ về niên đại và tính truyền thống khá vững chắc của các lò gốm nơi đây. Về quy mô và cấu trúc giữa lò 1 và các lò xung quanh bộc lộ rõ sự tương đồng.

Đương Xá 2: Khu vực này hiện còn dấu vết của 3 lò gốm. Lò số 1 và số 3 đã bị phá gần hết chỉ còn lại phần nền, lò số 2 nằm ở phía đông gần như song song với lò số 1, chỉ cách nhau 20cm. Cũng như Đương Xá 1, các lò gốm ở khu vực này đều có cửa quay ra phía sông. Qua gò đất cao bên làng Quả Cảm thì các lò gốm này nằm sâu so với gò đất hiện tại khoảng 1,5-2m.

-Nền được đắp sửa hai lần. Lần thứ nhất nền hơi soải  dốc và bức ngăn bầu đốt nằm sâu vào phía trong, có kích thước dài 1,37m, Lần thứ hai lò được đắp tôn cao hơn ở phần hậu lò nhằm tạo mặt nền dốc hơn so với lần đầu. Đáng lưu ý là lần sửa này, bức ngăn bầu đốt được đẩy lùi ra phía ngoài và về kích thước chênh lệch so với lần thứ nhất khoảng 20cm. Điều này cho thấy sau một thời gian sử dụng, thợ gốm đã rút kinh nghiêm và điều chỉnh không chỉ phần nền mà cả phần bầu đốt. Sự thu hẹp lại phần bầu đốt và nâng cao phần hậu lò có tác dụng như thế nào trong việc nung đốt là điều đang được nghiên cứu .

-Giữa cửa lò và thân lò ở phần bầu đốt đều có các bức ngăn. Bức ngăn này được tạo thấp xuống khoảng 20cm so với mặt nền. Tại đây đã tìm thấy một số đồ gốm còn nguyên và một số đồ gốm phế thải.

-Khoảng cách giữa cửa lò và bên ngoài cũng được phân biệt khá rõ qua  phần đất bị nhiệt độ nung cứng và một bức ngăn rất thấp có hình vòng cung. Khu vực ngoài cửa đất mềm và có nhiều dấu vết than tro của loại củi gỗ hay tre nứa.

-Trong lớp đất nền có chứa nhiều cát và cả những mảnh gốm vỡ. Những mảnh gốm này tương tự như những mảnh gốm tìm thấy trong lòng lò và khu vực bên ngoài lò. Khi làm rõ nền lò số 2 Đương Xá 1 chúng ta có thể thấy những mảnh gốm vỡ nằm ở mặt nền có chức năng như là các con kê. Trên bề mặt của các lớp nền người ta cũng dùng cát mịn để phủ lên. Lớp cát này có tác dụng chốgn dính giữa các sản phẩm và nền lò.

Nhìn chung lò gốm Đương Xá đều thuộc dạng lò cóc, có cùng cấu trúc và kích thước khá tương đồng, cửa lò đều quay ra phía đông nam. Lò có thân ngắn, đuôi tạo gần vuông và có mặt cắt ngang gần hình ô van, mắt cắt dọc gần hình trứng hay hình ống. Nền lò tạo dốc cao dần về phía sau và thấp dần ở phần cửa. Cấu trúc lò gồm 3 phần: Cửa lò là nơi ra vào sản phẩm đồng thời là nơi cho củi vào đốt nên gọi là bầu đốt; thân lò nằm ở khoảng giữa là nơi xếp chồng những sản phẩm mỗi khi nung; cuối cùng là phần hậu lò, nơi có những ống khói để thoát khí. Lò có chiều dài từ 4,6-5m, chỗ rộng nhất từ 2,5-3m, cửa lò rộng từ 1-1,3m và chiều cao còn lại 1,1-1,3m. Hiện nay các ống khói của các lò đều đã bị sập hay bị phá vỡ, nhưng dựa vào dấu vết tường phần hậu lò số 5 chúng tôi nhận thấy các lò gốm ở đây đều có hai ống khói. Các ống khói được tạo liền với vòm lò, nên khi vỡ nó thường rơi vào phía trong lò. Kiểu ống khói này có thể hình dung qua những mô hình ống khói  của lò Thanh Lãng và lò Chùa Đông ở Lũng Hòa (Vĩnh Phúc) có niên đại khoảng thế kỷ 7-8.

- Các hiện vật tiêu biểu.

-02 Lò gố

- 02 chậu xành

- 02 bát xành

- 04 vò 4 tai

- 06 bát men

- 0 nồi văn thừng….

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Khu lò gốm Đương  Xá  từ khi  được phát hiện khai quật  đến nay đã được nhân dân nơi đây bảo lưu, gìn giữ. Mặc dù vậy, việc bảo quản di tích vẫn còn những tồn tại như sau: Việc quy hoạch cải tạo khuôn viên khu bảo quản lò gốm chưa được chú trọng đầu tư, khu dích hoang sơ, gần như không phát huy được giá trị của di tích. Di tích đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương theo Quyết định số  242/2014//QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Hàng ngày di tích có người dân gần di tích trông coi bảo vệ. Trong di tich chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Di tích chưa có tường bao bảo vệ rõ ràng tránh được sự xâm lấn đất đai. Công tác tuyên truyền quảng bá di tích chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh của khu. Thông các hoạt động diễn ra tại di tích cũng là một hình thức tuyên truyền giá trị di tích tới đông đảo quần chúng nhân dân. Chưa có biển chỉ dẫn và giới thiệu quảng bá về di tích.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa :  Đây  một di tích khảo cổ vô cùng quý giá mà cha ông ta để lại, chứng tỏ đây là khu vực rất giầu di tích hứa hẹn nhiều đối với việc nghiên cứu lịch sử vùng này. Với việc phát hiện và khai quật khu lò gốm Đương Xá đã cho thấy tài năng sáng tạo của những người thợ thủ công làm gốm xưa. Điều đặc biệt của khu lò gốm Đương Xá là được khoét trực tiếp trong lòng đất đã tạo cho lò có cấu trúc độc đáo. Nhiên liệu dùng cho việc nung gốm là gỗ và tre, nứa mà không phải là than đá. Đó là nhiên liệu lấy tại chỗ, vừa thuận tiện, vừa rẻ tiền phù hợp với tính chất tự cung tự cấp của các người thợ thủ công xưa. Rõ ràng chúng ta thấy giá trị lịch sử, giá trị khoa học là rất lớn lao, hơn nữa khu di chỉ lò gốm Đương Xá khá phong phú về số lượng cũng như loại hình. Qua quá trình khai quật khu lò gốm Đương Xá đã cho phép ta tìm hiểu loại nghề thủ công này ở Bắc Ninh, một nghề vốn từ lâu đã nổi tiếng. Mặc dù loại nghề thủ công này ngày nay không còn nhiều, nhưng qua các tài liệu này đã cho phép tìm hiểu tài năng sáng tạo của người thợ thủ công xưa kia. Với bàn tay khéo léo, đức tính kiên nhẫn và sáng tạo, chỉ với đất, rơn, rạ, tre, gỗ đã tạo nên những sản phẩm gốm sành, phục vụ cho nhu cầu đời sống của xã hội. Đồng thời các tài liệu ấy còn góp phần nghiên cứu tính chất sản phẩm, tổ chức sản xuất của các phường thợ thủ công xưa. Đây là một mặt rất quan trọng trong việc tìm hiểu truyền thống của Bắc Ninh trong lao động sản xuất.

- Phân loại di tích.

Loại hình di tích khảo cổ học

1.2. Nghè Càn Sơn

Theo nhân dân địa phương cho biết nghè vốn được khởi dựng từ lâu đời  trên đỉnh núi Càn Sơn . Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bị phá hủy hoàn toàn. Hòa bình lặp lại nhân dân xây dựng lại nghè trong xóm Soi Núi gần với khu lò gốm. Năm 1990 nhân dân di chuyển nghè ra xây dựng tại vị trí hiện nay. Năm 2018 nhân dân và chính quyền đã góp công góp sức xây dựng lại nghè khang trang bề thế như dáng vẻ hiện nay.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Nghè Càn Sơn hiện tọa lạc trên khu đất giữa trung tâm khu phố với địa thế đẹp giáp với đường giao thông, xung quanh là khu dân cư sinh sống đông đúc, mặt quay hướng Tây. Với tổng diện tích là 462 m2

- Các công trình kiến trúc.

Nghè Càn Sơn hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh 5 gian 2 mái cột trụ lồng đèn. gồm Tiền tế 5 gian, Hậu cung 1 gian. Bộ khung làm bằng bê tông liên kết bởi 6 hàng cột ngang 4 hàng cột dọc, phần hoành rui bằng gỗ. Bộ vì nóc kiểu “con chồng giá chiêng”, bộ vì nách kiểu “kẻ ngồi”. Trên các bộ phận hầu như để trơn, ít trang trí đắp vẽ. Hệ thống cửa được mở ở 3 gian giữa theo kiểu “thượng song hạ bản”, hai hồi xây tường kín trổ cửa sổ tròn hình chữ Thọ.

- Nhân vật được thờ

Theo các cụ cao niên cho biết Nghè Càn Sơn thờ Vua Bà. Do địa phương không còn lưu được thần tích, sắc phong, phản ánh về nhân vật thờ nên không rõ lại lịch công trạng của nhân vật thờ ra sao, mà chỉ biết rằng các thế hệ trước truyền lại tên của bà là như vậy.

- Các hiện vật tiêu biểu.

  1. 1 ngai thờ thời
  2. 1 bài vị thờ

01 Hương án

01 Hoành phi

01 Hương án

Các hiện vật đều là mới được bổ sung năm 2018 sau khi xây dựng lại di tích

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Nghè Càn Sơn có các ngày sự lệ:

- Vào ngày mùng 4 tháng Giêng  tổ chức tế lễ tại nghè. Xưa kia thì có tổ chức rước văn tế từ nghè về chùa sau đó lại rước quay trở lại nghè, ngày nay thì không tổ chức rước chỉ tế lễ tại nghè.

- Lễ Tất niên (chiều 30), năm mới (mồng 1 Tết), Tết nguyên tiêu (15 tháng Giêng).

 Không tổ chức các trò chơi dân gian chỉ tổ chức giao lưu văn nghệ do nhân dân địa phương biểu diễn. Những ngày lễ hội ở đây đã thực sự thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Nghè Càn Sơn vốn được nhân dân nơi đây bảo lưu, gìn giữ, nhưng trải trường kỳ lịch sử, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp bị phá huỷ. Với truyền thống văn hiến, nhân dân địa phương đã sớm khôi phục lại di tích. Cho đến nay di tích đã có diện mạo khang trang tố hảo. Toàn bộ khuôn viên di tích được xây tường bao bảo vệ, đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh mọi sự xâm lấn vi phạm. Di tích hàng ngày có người trông coi đèn nhang, hương hoa, thờ cúng, cũng vì thế mà  di tích sạch đẹp, khang trang. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, quản lý các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích.

Các ngày sự lệ và các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích được đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thực hiện tốt việc phát huy giá trị của di tích.

-  Đánh giá giá trị di tích

 Giá trị về lịch sử, văn hóa:  Nghè được khởi dựng từ lâu đời và đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: hiện nay di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Các công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, khang trang gọn gàng, sạch sẽ.

- Phân loại di tích

Di tích thuộc loại hình: Di tích lịch sử

2. Di tích khu phố Vạn Phúc

2.1. Đình Vạn Phúc

- Lịch sử hình thành

 Theo các cụ cao niên địa phương cho biết đình Vạn Phúc là ngôi đình có niên đại vào thời Lê và tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn. Trên thượng lương toà Tiền tế còn ghi rõ niên đại tu sửa cuối cùng của thời Nguyễn vào năm Bảo Đại thứ 6 (1930). Năm 1998 ngôi đình được trùng tu. Năm 2003 thay thế một số bộ phận gỗ bị mối mọt. Năm 2013 xây cổng đình. Năm 2017 đảo ngói toàn bộ di tích.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình Vạn Phúc hiện được tọa lạc trên diện tích đất 553m2 đã có hồ sơ giải thửa. Đình nằm ở vị trí trung tâm của khu, mặt quay hướng Đông Nam, hướng ra sông Cầu, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

 - công trình kiến trúc

Đình làng Vạn Phúc có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhị, toà Đại đình 5 gian 4 mái đao cong, Hậu cung 3 gian. Bộ khung tòa đại đình thay thế bằng các cột bê tông, phần mái là gỗ, vì nóc kiểu "chồng rường giá chiêng", vì nách kiểu “ván mê”.Cả hai toà đều thể hiện chung một phong cách kiến trúc nhưng nghệ thuật trang trí chạm khắc chỉ tập trung chủ yếu ở toà Đại đình, trên các bộ phận đầu dư, xà, cốn, bẩy, đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, mây lưỡi mác, con rồng là chủ đạo và được biến thể ở nhiều dạng, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Ngăn cách Đại đình và Hậu cung là khoảng hiên. Hậu cung 3 gian 2 mái bình đầu bít đốc, kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường”, vì nách “kẻ ngồi”. hệ thống cửa bức bàn mở gian giữa hai hồi để cửa trấn song

- Nhân vật được thờ

 Đình Vạn Phúc cũng mang tín ngưỡng văn hoá chung của các làng xã nằm dọc tuyến sông Cầu, từ thượng Ngã Ba Xà hạ Lục đầu Giang là thờ Đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát). Đình thờ một vị thần nữa là Trịnh Phùng.

Các Thánh Tam Giang tên húy là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và em gái là Đạm Nương. Các ngài quê ở Vân Mẫu (Vân Dương - Quế Võ). Thân mẫu của các ngài lúc còn trẻ rất đẹp lại nết na thuần thục. Một hôm bà nằm mộng ra sông Lục Đầu tắm và bị Long thần quấn vào người. Sau đó bà mang thai 14 tháng đến ngày 5 tháng giêng năm Nhâm Ngọ lên chùa lễ Phật về đến giữa xứ đồng Cửa Cữu thì sinh ra 1 bọc có 5 người con trai và 1 con gái. Bà hết lòng nuôi các con ăn học. Khi 5 anh em  đến tuổi trưởng thành văn võ toàn tài.

Bấy giờ, nước ta có giặc Lương sang xâm lược, tàn nhiễu muôn dân, đau lòng trăm họ, hại người lấy của. Năm 542-548 Lý Nam Đế lãnh đạo nhà nước, đã trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống quân Lương do thế yếu, quân mỏng nên ta phải rút quân chờ thời cơ.  Lúc đó trong làng 4 anh em họ Trương đã chiêu mộ dân binh ông cùng với Triệu Quang Phục đã  đánh tan quân  giặc. Sau khi khải hoàn trở về vua ban sắc tiền bạc, phong chức, các ngài âm phù đánh thắng giặc và đều có sắc phong ban tặng cho các Thần với mỹ tự “Tam Giang thượng đẳng thần”. Nhân dân 372 làng dọc sông Cầu thấy Thần linh thiêng đều thờ làm Thành hoàng làng  gọi là “Thánh Tam Giang”.

- Các hiện vật tiêu biểu.      

- Tại toà Đại đình hiện còn lưu giữ 8 tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn. Bia được dựng vào năm 1879, 1880, 1887, 1919, 1929, nội dung các tấm bia đá đều ghi chép việc hậu thần, gửi giỗ ở đình và được gắn vào tường.

01 long đình thời Nguyễn

Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

- Lễ hội truyền thống: ngày 15 tháng Giêng

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đình làng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng lễ hội diễn ra trong 2 ngày. Vào ngày 14 làm lễ mở cửa đình, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày 15 chính hội, nhân dân làm lễ tế Thành hoàng, lễ vật bao gồm: thịt lợn, xôi, rượu, hoa quả, tế 3 tuần. Sau phần lễ là đến phần hội xưa có tổ chức các trò chơi dân gian, ngày nay không tổ chức, chỉ  tổ chức hát chèo, giao lưu văn nghệ trong khu vào hai buổi tối 14 và 15 tháng giêng.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đình Vạn Phúc là di tích chưa xếp hạng. Hàng ngày di tích có người trực tiếp trông coi, đèn nhang phụng thờ Thánh. Đình thành lập Ban khánh tiết để trực tiếp quản lý các hoạt động tại đình. Hàng năm lễ hội truyền thống được tổ chức tốt các hoạt động. Đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng, được bảo vệ tốt, tránh mọi sự xâm lấn. Các đồ thờ tự trong di tích được bài trí gọn gàng đúng lối truyền thống và sử dụng đúng mục đích.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đình Vạn Phúc còn bảo lưu một số tài liệu cổ vật quý như 8 bia đá thời Nguyễn là nguồn tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu tìm hiểu về quê hương và sự hình thành của di tích.

 Đình Vạn Phúc thờ thành hoàng làng là thánh Tam Giang các ngài có công đánh giặc cứu dân giữ nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.

Từ xưa đến nay đình Vạn Phúc luôn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Những ngày lễ hội của đình diễn ra hàng năm đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân địa phương hướng về cuội nguồn, là dịp tốt để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người có công với dân với nước, giáo dục thuần phong mỹ tục của nhân dân địa phương.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Đình Vạn Phúc hiện còn bảo lưu nguyên vẹn từ vị trí, quy mô, kết cấu và công trình kiến trúc một số mảng chạm khắc thời Nguyễn. Các hoạ tiết trang trí trên kiến trúc cũng như các hiện vật còn lưu giữ được tại đây chứa đựng những giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật trang trí, quan điểm thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian qua các thời kỳ khác nhau.

- Phân loại di tích

Thuộc loại hình Di tích lịch sử.

2.2. Đền Vạn Phúc (Đền Cô Bơ)

- Lịch sử hình thành

Đền nằm liền kề bên phải đình làng. Theo tài liệu văn bia ở địa phương ghi niên hiệu tu sửa đền vào năm Tự Đức thứ 32 (1879). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đền bị phá huỷ, năm 1998 đền được phục hồi trên đất cũ nền xưa. Từ đó đến nay nhân dân chỉ tu sửa nhỏ cho ngôi đền. Năm 2008 làm thêm động sơn trang.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đền Vạn Phúc tọa lạc trên diện tích đất 107 m2, đất đã có hồ sơ giải thửa. Đền nằm ở vị trí cạnh đình, mặt quay hướng Đông Bắc, hướng mặt ra dòng sông Cầu, các phía còn lại giáp khu dân cư. Tổng thể các công trình kiến trúc và khuôn viên nhỏ bé được tu tạo nên khang trang, sạch đẹp.

  • Các công trình kiến trúc

Đền Vạn Phúc được kiến trúc theo phong cách truyền thống, vật liệu xây dựng là gạch, ngói, gỗ. Mặt bằng kiến trúc đền kiểu chữ Đinh, là sự hợp thành của hai toà Tiền tế 3 gian và Hậu cung 1 gian. Kết cấu các bộ vì theo kiểu “vì kèo” bào trơn đóng bén không trang trí. Hậu cung mái đổ trần bê tông, trên tường có vẽ rồng mây, hoa lá bằng sơn màu.

- Nhân vật được thờ

Đền gắn với tục thờ Mẫu - thờ Mẫu thoải (Mẫu thủy - nước) và thờ Ngọc Hoàng. Hàng năm dân làng tổ chức dâng hương lễ bái vào ngày 10 tháng 8 âm lịch.

- Các hiện vật tiêu biểu.

01 tượng bà chúa,03 tượng tam tòa thánh mẫu, 05 tượng Ngũ vị tôn ông, 01 tượng Đức thánh Trần.

01 hoành phi

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

 Đền không có lễ hội truyền thống riêng, ngày tiệc cô Bơ (19 tháng 3 âm lịch), ngày giỗ cô Bơ (ngày mùng 2 tháng 6) và các ngày tuần rằm mồng một, các dịp lễ, tết nhân dân địa phương tới đền hành lễ cầu mong điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đền hiện nay có cụ bà và các cô trông ban khánh tiết của khu trông coi trực tiếp tai di tích, thường xuyên trông nom, đèn nhang tụng kinh niệm phật nên cảnh đền luôn ấm cúng, sạch đẹp. Chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức tốt các hoạt động tôn giáo tại di tích. Di tich đã được xây tường bao, bảo vệ đất đai và khuôn viên.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đền Vạn Phúc là công trình tôn giáo tiêu biểu của nhân dân địa phương. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt trong đời sống tinh thần của nhân dân góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng mối đoàn kết cộng đồng dân cư.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: đền vạn Phúc là công trình tiêu biểu theo lối kiến trúc truyền thống. Hệ thống tượng thờ và các đồ thờ tự, các mảng trang trí trên kiến trúc chứa đựng những giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật trang trí, quan điểm thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian.

- Phân loại di tích

Thuộc loại hình Di tich lịch sử

2.3. Các công trình khác.

Ngoài 2 di tích đình và đền Vạn Phúc, trên địa bàn khu còn có 1 nhà thờ  Thiên Chúa giáo  và 1 Miếu Vạn Phúc:

- Nhà thờ Thiên Chúa Giáo (giáo xứ Nguyệt Đức), xây dựng năm 1930, xây dựng hoàn toàn bằng đá. Khu Vạn Phúc có khoảng 3-4 gia đình theo đạo, còn đa số dân theo đạo thuộc Việt yên Bắc Giang).

- Miếu 1 gian xây mái đổ bằng, khuôn viên khoảng 10 m2, xây dựng trên vị trí đất đình xưa. Đã có tường bao bảo vệ

3. Di tích khu phố Thụ Ninh

3.1. Đình Thụ Ninh

- Lịch sử hình thành

Căn cứ vào dòng chữ Hán “Bảo Đại lục niên tam nguyệt thập nhất nhật” khắc trên câu đầu gian giữa tòa Đại đình cho biết Đình Thụ Ninh được tu bổ lớn năm 1930. Đến năm 1945, do trận lụt lịch sử, Nghi môn đình làng bị sụp hỏng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, năm 1949 quân giặc về tháo dỡ sàn gỗ Đại đình và khám thờ Hậu cung mang đi làm vật liệu xây bốt. Năm 1958, địa phương đã hạ giải 2 nhà Dải vũ để làm sân kho của hợp tác xã và nhà Gà bị hư hỏng nặng không thể phục hồi. Năm 1992 nhân dân tiếp tục hạ giải tòa Tiền tế và tu sửa tòa Đại đình. Năm 1997, xây dựng lại 1 nhà Gà 3 gian và Nghi môn với dáng vẻ truyền thống. Năm 2009, đảo ngói tòa Đại đình, Hậu cung và lát lại nền tòa Đại đình, sân đình.

Đình Thụ Ninh được xếp hạng quốc gia, năm 2016

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình Thụ Ninh hiện được tọa lạc trên diện tích đất 802 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât.

Đình Thụ Ninh tọa lạc trên khu đất đẹp giữa làng, phía trước có ao đình, nơi tụ phúc tụ thủy, xung quanh là khu dân cư trù mật. Đình quay mặt hướng Đông Nam. Theo các cụ cao niên địa phương, làng Thụ Ninh nằm trên thế đất hình chim phượng. Trong đó, ngôi đình được dựng trên dải đất cao ở giữa làng (trên mình chim phượng), xa về phía Tây là ngôi chùa làng (nằm trên đầu chim phượng). Di tích Đình Thụ Ninh cùng với cảnh quan xung quanh tạo thành một không gian hài hòa.

- công trình kiến trúc

Đình Thụ Ninh là một quần thể kiến trúc, gồm: Nghi môn, tòa Đại đình và Hậu cung được nối liền với nhau tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Phía sau tòa Đại đình là nhà Gà và công trình phụ. Đại đình 7 gian 2 dĩ. Kết cấu hệ chịu lực (hệ vì) được làm bằng gỗ lim với 8 bộ vì, mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột đặt trên tảng kê hình quả bồng bằng đá xanh nguyên khối. Các bộ vì có cách thức liên kết khác nhau. Cách thức liên kết các cấu kiện vì nóc theo kiểu “con chồng giá chiêng”. vì nách theo kiểu “vì ván mê” còn gọi là “cốn”. Hậu cung 3 gian, mỗi bộ vì hai hàng chân cột kết cấu vì nóc “thượng chồng rường, hạ giá chiêng”. Với đề tài trang trí “tứ linh, tứ quý” khá tỉ mỉ đặc sắc trên từng cấu kiện kiến trúc, được các nghệ nhân xưa thực hiện khá tỉ mỉ,  tốn nhiều công sức. Nghi môn dạng tứ trụ

- Nhân vật được thờ

Qua nội dung các đạo sắc phong cho biết thông tin về 3 vị Thành hoàng thờ tại Đình Thụ Ninh, được phong mỹ tự là:

- Uy Minh tôn thần;

- Trinh Thuận cung phi phu nhân tôn thần;

- Đoan Trang công chúa tôn thần.

  Lai lịch và công trạng của các Ngài được tóm lược như sau:

Vào thời vua Lý Thái Tổ, ở trang Thọ Ninh, xã An Xá, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có gia đình họ Nguyễn Chân - Trần Thanh sinh hạ được một người con gái (ngày 21 tháng 3) đặt tên là Trinh Nương. Đến năm 15 tuổi, nàng có dáng vẻ thanh tú, yểu điệu thục nữ, giỏi âm luật, thuộc văn chương, mọi người đều khen là bậc nữ trung văn nhân. Trong trang có rất nhiều người đến hỏi làm vợ, nhưng nàng một mình giữ lòng trinh tiết. Năm Trinh Nương 20 tuổi, bấy giờ có Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ tên là Uy Minh Vương đưa binh trấn thủ các xứ Nghệ An, Thanh Hoá, Kinh Bắc. Khi Minh Vương qua đất bản trang thì trời đã tối bèn truyền lệnh lập đồn binh cung sở tại đây. Một hôm, nửa đêm Minh Vương mơ thấy một người con gái mặt mũi hồng hào đứng bên cạnh xin sánh đôi với Vương làm phi. Sáng ra, Vương bèn triệu nhân dân phụ lão trong trang đến hỏi sự tình, nhân dân tâu rõ sự việc. Vương cho là linh ứng trong mộng, lập tức đến nhà vợ chồng họ Nguyễn Chân - Trần Thanh hỏi cưới người con gái làm Đệ nhị cung phi.

Trải qua được 1 năm, bỗng có giặc Chiêm Thành dấy binh xâm phạm, nhà vua lệnh cho Minh Vương cất quân dẹp giặc, đánh một trận lớn quân giặc đại bại chạy tán loạn tự rút lui. Sau quân Chiêm lại dấy binh cùng với Vương cự chiến nhiều phen, quân giặc vẫn thất bại. Một hôm, Minh Vương tiến binh về triều bị phục binh của quân Chiêm chém một nhát rụng đầu. Vương bèn cưỡi ngựa, tay cầm long đao đem quân quay về triều đình. Bấy giờ, đi cùng Vương có bà Trinh Nương và con gái là Mỹ Nương. Khi về đến núi Quả Sơn (thuộc làng Bạch Đường, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An) thì Vương hóa tại đây (mùng 10 tháng Giêng). Sau khi Vương hoá tự nhiên trời đất mù mịt, gió mưa ập đến làm thành linh mộ.

Từ lúc Minh Vương mất, tại trang Thọ Ninh xuất hiện nhiều dịch bệnh, làm chết nhiều người. Nhân dân trong trang cùng mơ thấy Đệ nhị cung phi của Vương (Trinh Nương) và Mỹ Nương cưỡi ngựa về cung sở bản trang. Nhân dân liền lập đàn hành lễ cầu đảo 3 ngày, từ đó trong trang tất thảy đều yên ổn, không còn phải lo lắng bệnh tật, cùng hưởng phúc thái bình. Nhân dân liền lập miếu thờ cúng, đồng thời làm biểu tâu lên triều đình. Nhà Vua lệnh cho đình thần đón sắc chỉ về bản trang, truyền cho nhân dân lập đền phụng sự thờ cúng, tặng phong mỹ tự là “Thượng đẳng thần”. Chuẩn cho trang Thọ Ninh, xã An Xá, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn muôn đời hương hỏa phụng thờ.

- Các hiện vật tiêu biểu.

01 bia “Thượng đẳng tối linh” tạo tác niên hiệu Tự Đức 31 (1878)

01 bia “Ký kỵ hậu đình” dựng năm Duy Tân 7 (1913)

01bia  “Ký kỵ tự hậu” dựng năm Khải Định 7 (1922)

- 01 ngai thờ, 01 bài vị, 01 hòm sắc, 01 ống hương, lọ hoa 1 đôi, 01 bảng chúc văn, 01 mâm bồng, 01 biển gỗ, sập thờ, 03 hoành phi, 10 đôi câu đối thời Nguyễn…

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

- Lễ hội truyền thống: Theo các cụ cao niên địa phương, trước năm 1945 lễ hội truyền thống của địa phương được tổ vào ngày 10 đến 15 tháng 8 (là ngày kỳ phước). Trong ngày sự lệ này có tổ chức đoàn rước Thánh từ nghè về đình để tế lễ. Đến ngày 10 tháng 2, làng Yên Mẫn (phường Kinh Bắc) xuống đình Thụ Ninh rước sắc phong về thờ tại đình. Sau làng Thị Chung (Phường Kinh Bắc) lại rước về đình Thị Chung để thờ. Đến năm sau, ngày 10 tháng 8 nhân dân Thụ Ninh lại rước sắc về thờ tại đình Thụ Ninh (do trước đây làng Thụ Ninh, Yên Mẫn, Thị Chung cùng thuộc xã An Xá, đạo sắc niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887) sắc chung cho Thành hoàng của Thụ Ninh, Yên Mẫn, Thị Chung). Ngoài việc tổ chức rước Thánh, sắc phong địa phương còn tổ chức nhiều tục trò dân gian trong dịp lễ hội.

Về sau, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 10 tháng Giêng là ngày hóa của Đức Thánh. Để chuẩn bị cho ngày sự lệ, địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Chiều ngày 9 tháng Giêng, đội tế nam tổ chức lễ khai quang nhập tịch, lễ vật gồm: thịt lợn, xôi nếp, hoa quả, hương đăng...Sáng ngày mùng 10 tháng Giêng khai mạc hội làng, tổ chức tế lễ, nhân dân làm lễ dâng lên Đức Thánh. Ngoài hoạt động có tính chất nghi lễ, trong ngày hội truyền thống còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, bịt mắt bắt dê - lợn, bắt vịt, đi cầu khỉ, đập niêu và hát quan họ dưới thuyền. Trong ngày này, nhân dân địa phương tổ chức gói bánh trưng ăn “tết lại”. Lễ hội truyền thống của địa phương đã thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương đến tham dự tạo thành không khí vui tươi phấn khởi.

- Ngày kỵ nhật Đức Thánh (Ngày mùng 10 tháng Giêng): xưa kia, địa phương chuẩn bị lễ dùng một mâm cỗ chay đặt ở ban trong, lại sửa thịt lợn, xôi rượu đặt ở ban ngoài làm lễ cúng tế, cấm ca hát. Hiện nay, địa phương đang tổ chức ngày sự lệ truyền thống vào ngày kỵ nhật của Đức Thánh.

- Ngày sinh nhật Đức Thánh (Ngày 21 tháng 3): xưa địa phương tổ chức ca hát văn nghệ 3 ngày, lễ dùng mâm cỗ chay, bánh; nay lễ Thánh tại đình, lễ vật gồm: xôi, thịt, hương đăng, hoa quả…sau buổi lễ các cụ thụ lộc tại di tích.

- Lễ cầu mát: Hàng năm vào dịp 15 tháng 4, các cụ trong hội người cao tuổi tổ chức cúng cầu mát tại đình làng, cầu cho mùa màng tươi tốt, dân làng yên lành, con cháu học hành tiến bộ.

Xưa kia, địa phương còn tổ chức ngày Khánh hạ (11 tháng 10) lễ vật dùng tam sinh (lợn, gà, dê), xôi rượu, ca hát văn nghệ 10 ngày. Xuân thu ngày Đinh quốc tế lễ dùng tam sinh (lợn, gà, dê), xôi rượu ca hát 1 tháng.

Ngoài các ngày lễ chính, vào các ngày tuần rằm, mùng một nhân dân địa phương đều sắm sửa hương đăng, trà quả thắp hương lễ Thánh.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao thế hệ người dân, Đình Thụ Ninh đã trở thành trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đình Thụ Ninh vốn được nhân dân nơi đây bảo lưu, gìn giữ, nhưng trải trường kỳ lịch sử cũng bị hư hại và hỏng hóc nhiều bộ phận của công trình. Vốn là quê hương văn hiến, ngay sau hòa bình nhân dân đã cùng nhau trùng tu, tôn tạo và gần đây trùng tu, tôn tạo lại di tích. Hiện nay di tích cũng đang xuống cấp nghiêm trọng , cần được nhà nước quan tâm đầu tư nhằm bảo lưu được nguyên vẹn di tích. Di tích đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương theo Quyết định số  242/2014//QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Hàng ngày di tích có cụ Từ trông coi bảo vệ, đèn nhang phụng thờ Thánh, nên có ngủ trực tiếp tai di tích di tích hiện có khá nhiều tài liệu hiện vật cổ có giá trị cần được bảo vệ. Trong di tich  chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Di tích có tường bao bảo vệ rõ ràng tránh được sự xâm lấn đất đai. Công tác tuyên truyền quảng bá di tích chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh của khu. Thông các hoạt động diễn ra tại di tích cũng là một hình thức tuyên truyền giá trị di tích tới đông đảo quần chúng nhân dân.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đình Thụ Ninh hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như thần phả, bia đá, sắc phong, đồ thờ tự thời Nguyễn khá nhiều . Đặc biệt thần phả, đã cho biết khá rõ lai lịch công trạng người được thờ ở di tích. Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, vừa là di sản văn hóa quý giá của quê hương. Đình làng cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Đình Thụ Ninh còn lưu giữ được  rất nhiều mảng chạm khắc tại Đại đình và Hậu cung từ thời Nguyễn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Các đồ thờ tự, sắc phong là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

- Phân loại di tích.

Loại hình di tích  Kiến trúc – Nghệ thuật

3.2. Chùa Thụ Ninh ( Linh Quang tự )

- Lịch sử hình thành

 Theo các cụ cao niên cho biết chùa Thụ Ninh có từ thời Lý, trải qua nhiều thế kỷ diện mạo di tích thay đổi nhiều lần. Cho đến nay chùa vẫn sừng sững uy nghi, kiến trúc nghệ thuật thời Lê và Nguyễn. Năm 1939 tu bổ lớn tòa Tam bảo. Năm 2000 xây dựng nhà tổ, nhà Mẫu. Năm 2002 tu bổ tam quan. Năm 2006 tu bổ thượng điện. Năm 2007 xây dựng nhà vong, nhà Ni.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Chùa Thụ Ninh hiện tọa lạc trên diện tích đất 4404 m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chùa nằm phía Đông Nam làng, phía trước là 2 giếng cổ, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

- Các công trình kiến trúc.

 Chùa Thụ Ninh hiện bao gồm các công trình kiến trúc như: Tam bảo, nhà tổ, nhà Mẫu, nhà Ni, nhà Vong, lầu Quan Âm, cổng tam quam. Tòa Tam bảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh, toà Tam bảo gồm 5 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện sâu 6m, bộ khung nhà bằng gỗ lim được bào trơn trau chuốt và lắp ghép chắc chắn theo các bộ vì kèo và hệ thống cột. Trên các bức cốn được chạm trổ tinh xảo, các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, mây lửa ngoài ra còn hình tượng con cua, con cá, hoa cúc, hoa chanh...

- Nhân vật được thờ

Giống như tất cả các ngôi chùa khác, chùa Thụ Ninh được khởi dựng từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

- Các hiện vật tiêu biểu.

03 tượng tam thế, 03 bộ tượng tam tôn, 01 quan âm chuẩn đề, tượng An Nam, Ca Diếp, bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Cửu Long,  thời Nguyễn,

01 Bia đá thời Nguyến

01 tượng Hậu Phật thời Nguyễn

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Chùa không có ngày hội riêng, vào các ngày như: lễ  Phật Đản,  lễ Vu Lan, tuần rằm, mùng một, dịp lễ hội truyền thống, tết nguyên đán. Các phật tử, các vãi và quý khách thập phương về dự lễ hội chùa. Trong những ngày lễ hội là ngày về với tín ngưỡng tâm linh, lễ  phật, tế lễ dâng hương trước cửa phật , thể hiện lòng thành kính dâng lên đức phật những tấm lòng từ bi, luôn làm việc thiên cho đời

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Chùa Thu Ninh vốn là công trình được nhân dân khởi dựng từ lâu đời  nhưng trải trường kỳ lịch sử nhân dân vẫn bảo lưu và gìn giữ. Cho đến nay di tích đã có diện mạo khang trang tố hảo. Toàn bộ khuôn viên di tích được xây tường bao bảo vệ, đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh mọi sự xâm lấn vi phạm. Chùa đã có sư trụ trì hàng ngày đèn nhang, hương hoa dâng lên Tam bảo, tụng kinh niệm Phật, cảnh chùa cũng vì thế mà sạch đẹp, khang trang. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, quản lý các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích.

- Đánh giá giá trị di tích

 Giá trị về lịch sử, văn hóa: Chùa Thụ Ninh hiện còn bảo lưu được bia đá, một số đồ thờ tự và tượng Phật thời Nguyễn có giá trị về lịch sử. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Chùa Thụ Ninh là di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Các công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật..

- Phân loại di tích

Di tích thuộc loại hình: Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật

3.3. Các di tích khác.

Có 1 nhà thờ họ Nguyễn Đình. Có nguồn gốc từ Hà Nội định cư tại khu Thụ Ninh từ năm 1750 đến nay là đời thứ 14. Hiện nhà thờ có 4 gian kiểu bình đầu bít đốc. bảo  lưu được ngai thờ, hoành phi, câu đối, thời Nguyễn.

4. Di tích khu phố Thượng Đồng

4.1. Đình Thượng Đồng- Đình Sắc

- Lịch sử hình thành

Vốn là một làng cổ có bề dầy lịch sử, các công trình tín ngưỡng văn hoá ở Thượng Đồng đều được xây dựng sớm, quy mô và giá trị nghệ thuật cao. Đình, chùa Thượng Đồng là một quần thể di tích nằm trên khu đất đắc địa phía Đông Bắc làng, bố cục theo lối tiền Thần hậu Phật. Trong lịch sử đã trải qua các lần trùng tu tôn tạo như. Năm 1962- 1971 tu sửa nhỏ như thay hoành rui mối mọt, đảo ngói. Năm 1987 xây lại tường hồi và đảo lại ngói.

Đình làng Thượng Đồng được Bộ VHTT xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật - Quyết định số 372-VH/QĐ ngày 10/03/1994.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình Thượng Đồng hiện được tọa lạc trên diện tích đất 3435 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât. Đình nằm ở vị trí phía Đông Bắc của khu phố, nằm vị trí trước chùa, mặt quay hướng Đông Nam, phía trước mặt là ao, các phía còn lại giáp khu dân cư.

- công trình kiến trúc

 Hiện nay Đình Thượng Đồng có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, là sự liên kết của hai toà Đại đình và Hậu cung, mặt quay hướng chếch Đông Nam. Toà Đại đình 5 gian chia không đều liên kết 4 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc, Hậu cung 2 gian chạy sâu 5m. Bộ khung toà Đại đình được chia thành 6 bộ vì theo kiểu “thượng chồng giường, hạ câu đầu, kẻ bẩy”, hệ thống cột to khoẻ, toà Hậu cung có các bộ vì kiểu “kẻ truyền”. Toàn bộ khung đình được gia công bào trơn, đóng bén. Hệ thống cửa thượng song hạ bản mở 3 gian giữa hai hồi trổ cửa nhỏ hình chữ thọ. Đặc điểm kiến trúc hiện nay của đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

- Nhân vật được thờ

 Theo tấm bia đá “Thượng đẳng tối linh”, dựng năm 1868, ghi chép khá rõ về nhân vật thờ ở đình là 2 vị thần: Bà chúa Lẫm người làng Quả Cảm vợ vua Trần Anh Tông được vua ban 72 trang ấp làm bổng riêng. Sau khi mất được nhân dân 72 trang ấp thờ làm phúc thần. Vị thần nữa được thờ ở đình Thượng Đồng là Cao Sơn đại vương - “Ngài họ Cao tên là Hiến người Bảo Sơn, thời Minh thi đỗ Tiến sĩ làm đến chức Nguyên Soái - khi mất vua phong làm Cao Sơn đại vương - lệnh cho các chư hầu lập đền thờ. Thời vua Tương Dực, Cao Sơn phù cho nghiệp vua, vua lệnh cho các nơi có tên là Cao Sơn đều lập đền thờ.

- Các hiện vật tiêu biểu.

Trong đình có 10 đạo sắc thời Lê- Nguyễn niên đại sớm nhất năm 1783 và sắc phong cuối cùng năm 1924.

01 Hoành phi, 01 câu đối, 01 bát hương, 01 hương án, 1 đôi chân nến là các hiện vật thời Nguyễn.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Lễ hội làng Thượng Đồng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng giêng đình Thượng Đồng lại được mở hội. Ba năm lại tổ chức rước sắc 1 lần. Còn các năm không rước thì chỉ tế lễ thành hoàng tại đình làng. Ngày 10 là chính hội diễn ra tục rước sắc từ đình sắc ra đình mới . Đám rước có đầy đủ cờ, kiệu, tàn lọng, ngai thờ, siêu đao, bát bửu, trống, chiêng, bát âm, sinh tiền. Sau đó tổ chức tế lễ tại đình lễ vật tế thánh gồm có xôi, gà, lợn, hoa quả ,hương đăng, trầu rượu, nghi lễ tổ chức hết sức trang nghiêm. Sau phần tế lễ rước Thành hoàng làng là đến phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: hát Quan họ tại ao đình, tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm, cờ người, cầu thùm, bắt vịt, đập niêu... Những ngày lễ hội ở đây đã thực sự thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Hiện trạng của di tích tại thời điểm thống kê: Đã có sổ đỏ, có tường bao quanh khu di tích. Không xảy ra tình trạng trộm cắp và xâm lấn đất đai tại di tích, nằm cùng với khuôn viên chùa nên di tích được nhà chùa trông nom, hương khói thờ phụng thành hoàng. Di tích đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương theo Quyết định số  242/2014//QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay di tich  chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát, và thiết bị phòng cháy chữa cháy. Công tác tuyên truyền quảng bá di tích chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh của khu chưa được quảng bá rộng rãi trên các thông tin đại chúng, trên internet. Thông các hoạt động diễn ra tại di tích cũng là một hình thức tuyên truyền giá trị di tích tới đông đảo quần chúng nhân dân.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đình  Thượng Đồng được khởi dựng trong lịch sử. Đình hiện còn bảo lưu nhiều tài liệu hiện vật có giá trị như thần phả, sắc phong, bia đá, đồ thờ tự. Đặc biệt thần phả, sắc phong đã cho biết khá rõ lai lịch công trạng người được thờ ở di tích .Đình làng cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Đình Thượng Đồng còn lưu giữ được tòa  Đại đình từ thời Nguyễn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Các đồ thờ tự, sắc phong là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

- Phân loại di tích.

Loại hình di tích kiến trúc-nghệ thuật

4.2. Chùa Thượng Đồng- (NguyênThiền tự)

- Lịch sử hình thành.

 Theo các cụ cao niên trong khu cho biết các công trình tín ngưỡng văn hoá ở Thượng Đồng đều được xây dựng sớm, quy mô và giá trị nghệ thuật cao. Đình, chùa Thượng Đồng là một quần thể di tích nằm trên khu đất đắc địa phía Đông Bắc làng, bố cục theo lối tiền Thần hậu Phật. Nhân dân trong vùng gọi là chùa Lẫm. Chùa nằm phía sau đình, mặt quay hướng Đông Nam.

Đặc biệt vào những năm gần đây chùa luôn được tu tạo, tuy vậy vẫn không làm mất đi dáng vẻ cổ kính của ngôi chùa xưa. Năm 1993 làm lại nhà Tổ. Năm 2001 tu bổ cổng Tam quan. Năm 2003 sửa chữa tòa tam bảo (tô tượng, sửa chữa ban thờ, bệ tượng). Năm 2005 xây nhà Oản. Năm 2011 làm nhà tăng.

Chùa Thượng Đồng được Bộ VHTT cấp bằng công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật - Quyết định số 372-VH/QĐ ngày 10/03/1994

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình Thượng Đồng hiện được tọa lạc trên diện tích đất 2677 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât. Chùa có vị trí phía Đông Bắc của khu phố, nằm vị trí sau đình làng, mặt quay hướng Đông Nam, các phía còn lại giáp khu dân cư.

- công trình kiến trúc

Chùa Lẫm hiện nay bao gồm các hạng mục công trình như: tam bảo, nhà  tả vu, hữu vu, nhà Tổ, nhà Tăng, cổng tam quan cùng xung quanh sân vườn cây cối thâm nghiêm xanh tốt. Tòa tam bảo có kết cấu kiến trúc  mặt bằng hình chữ Đinh, 5 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện sâu vào trong 6m. Toàn bộ phía trước cửa để thoáng thông với đình. Bộ khung gỗ được kết cấu bởi các cấu kiện gỗ to mập, với sự trợ lực của 42 chiếc cột to khoẻ, cột cái chu vi 1,4m. Ở đây người thợ chủ yếu chỉ gia công kỹ thuật bào trơn, soi gờ, lắp ghép, còn phần chạm trổ trang trí lại chỉ tô điểm một vài dải mây lửa, rồng hoá trên một số bức cốn, bẩy, kẻ...

- Nhân vật được thờ

Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam chùa Thượng Đồng khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

- Các hiện vật tiêu biểu.

 Hầu hết các pho tượng tại thượng điện đều được tạo tác thời Nguyên như: 03 tượng tam thế, 03 tượng Adida tam tôn, 01 tượng Mẫu, 01 tượng Tổ

08 hoành phi, 09 đôi câu đối

05 bia đá thời Nguyễn.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Chùa Thượng Đồng từ xưa đến nay luôn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo thờ đạo Phật của nhân dân địa phương. Nhà chùa không có ngày hội riêng Vào ngày mùng 10 hội chung với đình làng nhà chùa cũng làm lễcúng phật và  ngày 15 tháng giêng tết thượng nguyên là chùa làm lễ dâng hương, phóng sinh, cầu an cho nhân dân. Ngoài ra vào các ngày tuần rằm, mồng một, các ngày lễ, tết nguyên đán, tết nguyên tiêu, vu lan báo hiếu, ngày Phật đản (15 tháng 4) rằm tháng Bảy, tết nguyên đán..nhân dân địa phương tới chùa dâng lễ phật, gửi gắm ước vọng cho bản thân và gia đình.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Chùa Thượng Đồng là công trình tôn giáo thờ Phật của nhân dân địa phương, chùa đã được xây tường bao bảo vệ, đất đai có giấy chứng nhận được bảo vệ tránh sự xâm lấn. Trong chùa có sư trụ trì cùng chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo vệ, gìn giữ tôn tạo cảnh chùa thêm khang trang tố hảo. Các hoạt động tôn giáo được thực hiện tốt. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự được bài trí đúng theo lối truyền thống. Di tích đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương theo Quyết định số  242/2014//QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Trong di tich chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Chùa Thượng Đồng  là công trình tôn giáo được khởi dựng lâu đời, hiện trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ thời Nguyễn, hoành phi, câu đối, bia đá phản ánh quá trình tồn tại của ngôi chùa và quê hương trong quá trình phát triển.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Các công trình kiến trúc của chùa mang những nét tiêu biểu đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống. Các cổ vật, hiện vật, đặc biệt hệ thống tượng thờ mang giá trị về nghệ thuật điêu khắc và mỹ thuật trang trí.

- Phân loại di tích: Thuộc loại hình di tích kiến trúc- nghệ thuật.

4.3. Đình Thượng Đồng- Đình Lẫm

- Lịch sử hình thành.

Đình Thượng Đồng  vốn được khởi dựng từ lâu đời. Trong kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá hủy . Năm 2003 nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại ngôi đình trên vị trí nền xưa đất cũ. 

Đình chưa được xếp hạng

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình Thượng Đồng hiện tọa lạc trên diện tích đất 758 m2. Đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng.  Nằm vị trí đầu làng, mặt quay hướng Tây Nam phía trước là trường Tiểu học Vạn An, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

- Các công trình kiến trúc

Đình hiện nay bao gồm có các công trình: Đại đình, hậu cung, nhà thờ Bác Hồ 3gian, nhà Khách 3 gian, cổng nghi môn. Công trình chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa Đại đình 3 gian 2 chái và Hậu cung 2 gian. Bộ khung được làm bằng chất liệu bê tông với những cột gỗ to khỏe vững chãi liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Bộ vì kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng”. Hệ thống cửa mở ở 3 gian giữa theo kiểu “thượng song hạ bản” . Phần mái lợp ngói 2 mái. Phía trước đình có cổng nghi môn nhưng không xây tường bao để thông thoáng với xung quanh.

- Nhân vật được thờ

Vị thần được thờ ở đình Thượng Đồng là Cao Sơn đại vương - “Ngài họ Cao tên là Hiến người Bảo Sơn, thời Minh thi đỗ Tiến sĩ làm đến chức Nguyên Soái - khi mất vua phong làm Cao Sơn đại vương - lệnh cho các chư hầu lập đền thờ. Thời vua Tương Dực, Cao Sơn phù cho nghiệp vua, vua lệnh cho các nơi có tên là Cao Sơn đều lập đền thờ.

- Các hiện vật tiêu biểu.      

01 bia đá thời Nguyễn

07 đạo sắc phong: 1821, 1844, 1887, 1909, 1924

02 sắc phong : 1783. 1850

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Lễ hội làng Thượng Đồng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng giêng đình Thượng Đồng lại được mở hội. Ba năm lại tổ chức rước sắc 1 lần. Còn các năm không rước thì chỉ tế lễ thành hoàng tại đình làng. Ngày 10 là chính hội diễn ra tục rước sắc từ đình sắc ra đình mới . Đám rước có đầy đủ cờ, kiệu, tàn lọng, ngai thờ, siêu đao, bát bửu, trống, chiêng, bát âm, sinh tiền. Sau đó tổ chức tế lễ tại đình lễ vật tế thánh gồm có xôi, gà, lợn, hoa quả ,hương đăng, trầu rượu, nghi lễ tổ chức hết sức trang nghiêm. Sau phần tế lễ rước Thành hoàng làng là đến phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: hát Quan họ tại ao đình, tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm, cờ người, cầu thùm, bắt vịt, đập niêu... Những ngày lễ hội ở đây đã thực sự thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đình Thượng Đồng là công trình văn hóa tín ngưỡng có lịch sử hình thành. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, những biến động của xã hội và thiên nhiên, nhưng di tích luôn được nhân dân quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo làm cho khu di tích ngày càng khang trang tố hảo. Hàng ngày các cụ trong hội người cao tuổi vẫn thay phiên bảo vệ, quét dọn và hương khói phụng thờ Thánh. Những ngày hội và sự lệ của đình cũng được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức tốt, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Đất đai di tích được xây tường bao bảo vệ và có giấy chứng nhận đủ cơ sở pháp lý để chống lại sự xâm lấn.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị lịch sử, văn hóa: Đình còn bảo lưu được tài liệu hiện vật có giá trị thời Nguyễn bia đá, sắc phong là chứng tích cho quá trình phát triển của lịch sử ngôi đình trong lịch sử. Đình thờ Thành hoàng vị anh hùng có công lao to lớn với dân, với nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Các hoạt động diễn ra ở đình có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã từ xa xưa, cho hôm nay và cả mai sau.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Công trình kiến trúc mới được khôi phục lại, có quy mô to lớn, khang trang tố hảo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

- Phân loại di tích.

Đình Thượng Đồng thuộc loại hình Di tích lịch sử

4.4. Đền Bà Chúa (Bà Chúa Lẫm)

- Lịch sử hình thành

Năm 2009, ngôi đền được xây với dáng vẻ khang trang nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương.

Đền chưa được xếp hạng

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đền Bà Chúa hiện tọa lạc tại thửa đất 352 có diện tích 380 m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt trước là đường giao thông. Các phía còn lại  giáp khu dân cư. Đền được xây dựng  giữa ao làng .

- Các công trình kiến trúc

Hiện đền bao gồm các công trình như đền chính, lầu cô, lầu cậu, nhà khách, cổng dạng tứ trụ. Đền  chính 3 gian 2 dĩ  chồng diêm hai tầng 8 mái trên đỉnh mái đắp nổi rồng chầu mặt nguyệt, 2 dĩ hai bên để thoáng kiểu hiên. bộ vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, bộ khung chịu lực bê tông cốt thép, cửa mở gian giữa, 2 hồi trổ cửa sổ chữ thọ

- Nhân vật được thờ

Bà chúa Lẫm người làng Quả Cảm vợ vua Trần Anh Tông được vua ban 72 trang ấp làm bổng riêng. Sau khi mất được nhân dân 72 trang ấp thờ làm phúc thần.

- Các hiện vật tiêu biểu.

02 sắc phong bản sao

01 tượng Bà Chúa cùng các hiện vật như hương án, hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự đa số mới bổ sung sau này có niên đại thế kỷ XXI

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Đền không có lễ hội truyền thống riêng mà tổ chức chung với bên đình vào ngày mùng 10 tháng Giêng, Đền mở của làm lễ dâng hương, chuẩn bị lễ vật dâng Bà, ngoài ra vào các ngày các ngày tuần rằm mồng một, các dịp lễ, tết phật tử địa phương tới chùa hành lễ cầu mong điều tốt đẹp  cho gia đình và bản thân.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đây là công trình tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đền đã được xây tường bao bảo vệ, đất đai có giấy chứng nhận được bảo vệ tránh sự xâm lấn. Hiện nay cùng chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo vệ, gìn giữ tôn tạo cảnh đền thêm khang trang tố hảo. Các hoạt động tôn giáo được thực hiện tốt. Hiện nay tại đền có ban khánh tiết quản lý, cắt cử cho hai cụ bà thường xuyên trông nom, hương khói, đảm bảo hàng ngày tại đền.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị lịch sử, văn hóa: Đền Bà Chúa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nơi con người gửi gắm bao ước vọng, là chốn sinh hoạt tinh thần giúp tăng cường tình đoàn kết cộng đồng

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Các công trình kiến trúc của Đền mang những nét tiêu biểu đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống. Các  hiện vật chủ yếu là mới bổ sung.

- Phân loại di tích

Thuộc loại hình di tích lịch sử.

5. Di tích khu phố  Đương Xá 3

5.1. Chùa Linh Quang (Chùa Đặng)

- Lịch sử hình thành

Chùa Đặng còn gọi là chùa Đường gọi theo tên tự là chùa Linh Quang - chùa thuộc xóm Chanh khu phố Đương Xá 3. Theo nhân dân địa phương thì xưa chùa chỉ là một ngôi chùa tranh nhỏ để thờ Phật. Năm 1937 dân làng chuyển một toà nhà của đình làm chùa, nay là toà Tam bảo. Năm 1999 xây dựng nhà Tổ, nhà Mẫu. Năm 2008 nâng cấp nền chùa.

Chùa chưa được xếp hạng

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Chùa Linh Quang hiện tọa lạc trên thửa đất số 503 với diện tích đất 1984 m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chùa nằm vị trí trung tâm của khu phố, mặt quay hướng Đông Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Toàn bộ khuôn viên chùa được xây tường bao bảo vệ, các công trình kiến trúc khang trang tố hảo.

- Các công trình kiến trúc.

Chùa Linh Quang hiện nay bao gồm các công trình như : Tam bảo, nhà Mẫu 7 gian 2 dĩ, nhà Khách 4 gian , nhà bếp 4 gian: Toà Tam bảo kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh 5 gian hai mái cột trụ cánh phong, 5 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện chạy sâu vào trong 8m, quay theo hướng Đông Nam, bộ khung gỗ bào trơn đóng bén soi gờ chỉ, kết cấu vì nóc kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ chuyền”.Nhà Tổ 7 gian, hướng Đông Bắc xây dựng năm 1999.

- Nhân vật được thờ

Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam chùa Linh Quang khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

- Các hiện vật tiêu biểu.

03 tượng tam thế, 01 tượng Ngọc Hoàng, 01 tượng Nam Tào, 01 tượng Bắc Đẩu, 01 hoành phi, tạo tác thế kỷ XX.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Chùa Linh Quang là trung tâm sinh hoạt tôn giáo thờ Phật của nhân dân địa phương. Hội chùa tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm vào ngày lễ hội sư trụ trì cùng nhân dân hành lễ dâng hương cúng phật cầu mong cho nhà chùa cùng toàn thể nhân dân năm mới bình an, hạnh phúc, làm ăn may mắn. Trong lễ hội có tổ chức hát quan họ giao lưu văn nghệ trong khu, tổ chức các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: chọi gà, đánh đu, kéo co, cờ tướng…Ngoài ra các ngày tuần rằm, mồng một, các ngày lễ, tết nguyên đán, tết nguyên tiêu, vu lan báo hiếu, ngày Phật đản (15 tháng 4) rằm tháng Bảy, tết Nguyên đán...nhân dân địa phương tới chùa dâng lễ phật, gửi gắm ước vọng cho bản thân và gia đình.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Chùa Linh Quang vốn được nhân dân địa phương khởi dựng để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân từ rất sớm, ngày một được nhà chùa và nhân dân quan tâm trùng tu tạo. Cho đến nay di tích đã có diện mạo khang trang tố hảo. Toàn bộ khuôn viên di tích được xây được tường bao bảo vệ, đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh mọi sự xâm lấn vi phạm. Chùa đã có sư trụ trì hàng ngày đèn nhang, hương hoa dâng lên Tam bảo, tụng kinh niệm Phật, cảnh chùa cũng vì thế mà sạch đẹp, khang trang. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, quản lý các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích.Các ngày sự lệ và các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích được đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thực hiện tốt việc phát huy giá trị của di tích

- Đánh giá giá trị di tích

 Giá trị về lịch sử, văn hóa: Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Chùa Linh Quang là di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa cách được bổ sung ngày một đầy đủ đó là đặc trưng của mỗi thời kỳ

- Phân loại di tích

Di tích thuộc loại hình: Di tích lịch sử

5.2. Đền tường niệm Bác Hồ và các lính sĩ của làng Đặng

- Lịch sử hình thành

Theo các cụ cao niên cho biết  ngôi đền được xây dựng năm 2018 với dáng vẻ khang trang tố hảo nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương.

Đền chưa được xếp hạng

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đền hiện tọa lạc khu trung tâm của khu phố Đương Xá 3. Mặt quay hướng Đông Nam. Các phía còn lại  giáp khu dân cư đông đúc.

- Các công trình kiến trúc.

Hiện đền có kiến trúc là một tòa nhà 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, trên đỉnh đắp nổi đôi rồng chầu mặt nhật. Bộ khung chịu lực bằng chất liệu bê tông, còn phần mái làm bằng gỗ. Kết cấu vì nóc kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi”, các câu đầu chạm khắc vân mây hoa lá cách điệu.

- Nhân vật được thờ

Đền thờ anh hùng dân tộc danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

- Các hiện vật tiêu biểu.

01 tượng Bác Hồ, 01 hoành phi, 01 câu đối và các đồ thờ tự đều mới được bổ sung mới có niên đại thế kỷ XXI.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Đền thờ bậc danh nhân có công với dân tộc Việt Nam. Các ngày sự lệ được tổ chức vào các ngày như: 19 tháng 5 ngày sinh Bác Hồ và ngày mùng 2 tháng 9 quốc khánh nước Việt Nam, đền thờ mở cửa làm lễ tại đền.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

 Di tích đã có diện mạo khang trang tố hảo. Toàn bộ khuôn viên di tích được xây tường bao bảo vệ, tránh mọi sự xâm lấn vi phạm. Nhân dân và chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm di tích nhằm phát huy giá trị của di tích. Các ngày sự lệ và các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích được đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thực hiện tốt việc phát huy giá trị của di tích

Giá trị lịch sử, văn hóa: Đền thờ  vị anh hùng danh nhân có công lao to lớn với dân, với nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Các hoạt động diễn ra ở đình có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã từ xa xưa, cho hôm nay và cả mai sau.

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Đền thờ hiện nay được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Trang trí, chạm khắc trên kiến trúc và các đồ thờ tự mang những giá trị nhất định về nghệ thuật và thẩm mỹ.

- Phân loại di tích.

Đền thờ thuộc loại hình Di tích lịch sử

5.3. Đình làng Đặng

- Lịch sử hình thành

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết đình xưa xây dựng ở vị trí dốc Đặng ngày nay với quy mô to lớn vào thời Lê, đến năm 1928 thì di dời về vị trí ngày nay. Thật đáng tiếc ngôi đình bị phá hủy hoàn toàn do thiên tai và chiến tranh. Hòa bình lặp lại nhân dân dựng tạm ngôi đình nhỏ để thờ thánh. Năm 2018 nhân dân địa phương góp công góp của xây dựng lại ngôi chùa mới mặt quay hướng ĐôngNam.

Đình chưa được xếp hạng

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Đình hiện có tổng diện tích 979 m2, đất đã có hồ sơ giải thửa. Mặt quay hướng Đông Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc

- Nhân vật được thờ

 Theo các cụ truyền lại thì đình làng Đặng thờ thánh Cao Sơn Đại Vương. Hiện đình không còn bảo lưu được thần tích, sắc phong, nên không rõ lai lịch công trạng của nhân vật thờ.

- công trình kiến trúc

Hiện nay, đình làng Đặng có mặt bằng kiến trúc kiểu Đinh. Toà Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, hậu cung 3 gian bộ khung gỗ lim, vì kiểu "chồng rường giá chiêng". Trên các đầu dư con rường, trụ trốn, chạm hình rồng vân mây hoa lá cách điệu, các kẻ bẩy hiên chạm khắc tinh xảo nghệ thuật.

- Các hiện vật tiêu biểu.

01 bia “Thừa tự bi” Chính Hòa 20 (1699)

01 bia “Ký kị bi ký” Bảo Đại 3 (1927)

01 bia “Ký kị bi ký” Tự Đức 31 (1878)

01 Ngai bài vị, 02 án gian, 1 bộ bát biểu được tạo tác thế kỷ XX.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Đình làng Đặng có các ngày sự lệ:

- Lễ hội truyền thống: Ngày 10 tháng 2 và mùng 10 tháng 8 vào dịp xuân thu nhị kỳ

- Ngày giỗ Hậu thần ngày 20 tháng giêng

- Lễ Tất niên (chiều 30), năm mới (mồng 1Tết), Tết nguyên tiêu (15 tháng Giêng).

Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 2 (âm lịch) đình làng Đặng lại được mở hội.  Ngày 10 là chính hội các cụ tổ chức tế thánh tại đình làng lễ vaath dâng thánh gồm có xôi, gà, thủ lơn, hương đăng, trầu rượu. Sau phần tế lễ là phần tổ chức lễ hôi có hát giao lưu Quan họ với những bài ca Quan họ nghe đằm thắm, sâu nặng tình nghĩa, buổi tối có hát giao lưu văn nghệ trong khu, hát chèo…thu hút đông đảo nhân dân tham gia tạo không vui vui tươi, phấn khởi.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Đình làng Đặng vốn được nhân dân khởi dựng từ lâu đời trong lịch sử, trải trường kỳ lịch sử, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp bị phá huỷ, tài liệu hiện vật thất lạc. Vốn là quê hương văn hiến, ngay sau chiến tranh nhân dân đã cùng nhau trùng tu, tôn tạo và gần đây năm 2018 trùng tu, tôn tạo thêm khang trang, tố hảo.. Nhiều cổ vật quý của đình còn bị thất lạc như thần phả, sắc phong, bia đá. Hàng ngày di tích có cụ Từ trông coi bảo vệ, đèn nhang phụng thờ Thánh. Trong di tich chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát, chưa có thiết bị phòng cháy chữa cháy. Di tích có tường bao bảo vệ rõ ràng tránh được sự xâm lấn đất đai.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đình làng Đặng là nơi diễn ra, nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử, nhiều kỷ niệm của các thế hệ người dân trong suốt quá trình phát triển. Đình hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như bia đá, đồ thờ tự. Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, vừa là di sản văn hóa quý giá của quê hương. Đình làng cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.

Công trình mới được khôi phục lại có quy mô, khang trang tố hảo phù hợp với không gian và cảnh quan khu di tích

- Phân loại di tích.

Loại hình di tích lịch sử.

5. Miếu Thổ Kỳ:

- Lịch sử hình thành

Theo các cụ cao niên cho biết từ xa xưa miếu thờ chỉ là một khu đất chỉ có bàn thờ lộ thiên. Năm 1998 nhân dân và chính quyền địa phương đã xây dựng miếu nhỏ khoảng 1 gian để thờ thần thổ công.

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

  • hiện tọa lạc tại thửa đất 147 có diện tích 132 m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt quay hướng Tây Nam giáp với đê Ngũ Huyện Khê

- Nhân vật được thờ

 Theo các cụ truyền lại miếu thờ Thần đất. Hiện đình không còn bảo lưu được thần tích, sắc phong, nên không rõ lai lịch công trạng của nhân vật thờ.

- công trình kiến trúc

Hiện nay, miếu có 1 gian mái đổ trần bê tông phía trước đắp hai cột trụ, giữa mái cuốn vòm đắp nổi hình hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt.

- Các hiện vật tiêu biểu.

Các hiện vật như ngai thờ, bát hương, chân nến, lọ hoa, đều là hiện vật mới tạo tác.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Không có ngày lễ hội riêng, chỉ có ngày sự lệ chung của làng mở cửa hương khói phụng thờ, ngoài ra còn ngày tuần rằm mùng một mở cửa hương khói.

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Miếu Thổ kỳ được nhân dân khởi dựng từ lâu đời trong lịch sử, trải trường kỳ lịch sử được tôn tạo thêm khang trang, tố hảo. Hàng ngày di tích có cụ Từ trông coi bảo vệ, đèn nhang phụng thờ Thánh. Trong di tich chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát, chưa có thiết bị phòng cháy chữa cháy. Di tích có tường bao bảo vệ rõ ràng tránh được sự xâm lấn đất đai.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Đây là công trình khởi dựng từ lâu đời và được tôn tạo để thờ phụng. Công trình mới được khôi phục lại phù hợp với không gian và cảnh quan khu di tích

- Phân loại di tích.

Loại hình di tích lịch sử.

6. Di tích khu phố  Đương Xá 2

6.1. Chùa Thanh Lãng (Chùa Láng)

Chùa Láng là gọi theo tên xóm vì chùa thuộc xóm Láng, làng Đương Xá. Nay thuộc khu phố Đương Xá 2. Hiện chùa toạ lạc trên khu đất cao phía Đông Nam làng. Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất còn lại của làng Đương Xá bao gồm toà Tam bảo, nhà Tổ, nhà khách.  Trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn năm 1878. Năm 2014 trùng tu tòa Tiền đường, Thượng điện,  cổng tam quan, nhà Tổ, gác chuông, được nhà nước hỗ trợ chống xuống cấp cho di tích 200 triệu.

Chùa được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa - Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 12/08/2008

- Cảnh quan môi trường, đất đai.

Chùa hiện có tổng diện tích 2547 m2 nằm trên thửa đất số 151, đất đã có chứng nhận quyền sử dụng đất. Chùa tọa lạc vị trí cuối làng Mặt quay hướng Đông, phía trước hướng ra sông Ngũ Huyện Khê, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

- Các công trình kiến trúc.

 Hiện chùa bao gồm các công trình như: Tiền đường 5 gian 2 chái, Thiêu hương 3 gian, Thượng điện 5 gian, Tam quan 3 gian 2 chái, nhà Tổ 5 gian, nhà Mẫu 5 gian.  Toà Tam bảo là công trình khá đồ sộ có mặt bằng kiến trúc chữ Công (I) hướng Tây - là sự liên kết của 5 gian Tiền đường, 3 gian Thiêu hương và 5 gian Thượng điện. Bộ khung gỗ lim đồ sộ được liên kết bởi các bộ vì với các cấu kiện gỗ to mập.

Trên câu đầu gian giữa toà Tiền đường khắc dòng chữ Hán “Tự Đức tam thập nhất niên tuế thứ Mậu Dần tu tạo”. Như vậy chùa Láng được tu tạo vào năm Mậu Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1878). Hầu hết các bức cốn, đầu dư, nghé bẩy đều được chạm trổ hoa văn theo đề tài “tứ linh”, “tứ quý” lá đề, vân lưỡi mác, vân lửa mang phong cách nghệ thuật thời Lê và Nguyễn.

- Nhân vật được thờ

Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam chùa Thanh Lãng là công trình tôn giáo khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

  • Các hiện vật tiêu biểu.

02 bia Vô đề thời Nguyễn

Hệ thống tượng: 01 tượng Thánh Tăng, 01 tượng Đức Ông, 01 bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, 02 tượng Hậu, hoành phi, câu đối, tạo tác thời Nguyễn.

- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích

Chùa có ngày hội riêng vào ngày 15 tháng giêng, nhà chùa cùng toàn thể nhân dân sắm sửa lễ vật cúng phật cầu cho toan thể nhân dân, du khách thập phương được bình an, sức khỏe và may mắn, ngoài ra vào các ngày như: lễ  Phật Đản, lễ Vu Lan, tuần rằm, mùng một, dịp lễ hội truyền thống, tết nguyên đán. Các phật tử, các vãi và quý khách thập phương về dự lễ hội chùa. Trong những ngày lễ hội là ngày về với tín ngưỡng tâm linh, lễ  phật, tế lễ dâng hương trước cửa phật , thể hiện lòng thành kính dâng lên đức phật những tấm lòng từ bi, luôn làm việc thiên cho đời

- Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Chùa Thanh Lãng đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2008 có quyết định thành lập Ban quản lý di tích địa phương theo quyết định 242/QĐ-UBND năm 2014 của UBND tỉnh. Từ xưa ngôi chùa vẫn được nhân dân gìn giữ, bảo tồn. Di tích đã được xây dựng tường bao bảo vệ, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ pháp lý bảo vệ di tích khỏi mọi sự xâm lấn. Chùa có nhà sư trụ trì hàng ngày ở tại di tích nên cảnh quan, không gian trong chùa luôn ấm cúng, sạch đẹp. Hiện chùa đã có thiết bị phòng cháy chữa cháy.

- Đánh giá giá trị di tích

Giá trị về lịch sử, văn hóa: Ngôi chùa là chứng tích lịch sử tồn tại và phát triển của quê hương có giá trị lớn về nhiều mặt. Những cổ vật tiêu biểu bảo lưu tại chùa có giá trị về bảo tàng, nghiên cứu khoa học như bia đá, hệ thống tượng thờ, hoành phi, câu đối. Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng làng xã, nơi bảo tồn, phát huy những thuần phong mỹ tục và đoàn kết cộng đồng

Giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ: Chùa Thanh Lãng được khởi dựng từ lâu đời cho đến nay vẫn còn bảo lưu được quy mô, kiến trúc từ  thời Nguyễn cùng với hệ thống các cổ vật có giá trị lớn về nghệ thuật, thẩm mỹ đại diện cho đặc trưng mỹ thuật mỗi thời kỳ khác nhau.

Nguồn: UBND phường Vạn An