Giới thiệu về phường Vạn An

24/06/2019 17:47 Số lượt xem: 5758

Phường Vạn An là một vùng đất cổ nằm bên bờ Nam sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Từ rất sớm, nơi đây đã có con người đến sinh cơ lập nghiệp, lâu dần tạo thành cộng đồng làng xóm đông vui. Việc phát hiện khu di tích gốm Đương Xá (niên đại thế kỷ IX - X) đã minh chứng cho việc quần cư, khai phá vùng đất này.

Phường Vạn An ngày nay là 1 trong 19 xã phường trực thuộc thành phố Bắc Ninh, là phường được hình thành từ 4 làng Việt cổ: Đương xá (Đặng Xá), Vạn Phúc (Vạn Phúc, Yên Ninh, Đài Bàng), Thượng Đồng (làng Lẫm) và Thọ Ninh (làng Thụ). Khảo sâu về lịch sử, thời các Hùng Vương vùng đất này nằm trong bộ Vũ Ninh, là một trong 15 bộ của quốc gia Văn Lang. Trong hơn 1000 năm phong kiến phương Bắc đô hộ, dưới các thời kỳ nhà Hán, Ngô, Tấn, Đường, khu Thụ Ninh, phường Vạn An thuộc An Nam đô hộ phủ.Thời kỳ nhà Lý (1009-1225), Thọ Ninh thuộc châu Vũ Ninh, lộ Bắc Giang. Thời nhà Trần (1225-1400), Thọ Ninh thuộc huyện Vũ Ninh, Bắc Giang Hạ Lộ. Thời nhà Lê sơ (1427-1527), đơn vị hành chính gọi là trang Thọ Ninh cùng với Yên Mẫn, Thị Chung hợp thành xã Yên Xá thuộc trấn Kinh Bắc. Năm Thành Thái 8 (1869), trang Thọ Ninh được tách ra khỏi xã Yên Xá và nâng lên thành xã Thọ Ninh thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng.Cuối thế kỷ XIX, xã Thọ Ninh và xã Thượng Đồng sáp nhập thành xã Ninh Đồng, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp tổng, phủ bị bãi bỏ, đơn vị hành chính cấp xã cũ được giữ nguyên và trực thuộc huyện Võ Giàng. Năm 1947, xã Ninh Đồng sát nhập vào Ủy ban kháng chiến hành chính nội ngoại thành Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sau đó sát nhập vào huyện Yên Phong. Ngày 01/8/2007 xã Vạn An chuyển về thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Hiện nay phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, có vị trí địa lý như sau:

- Phía Bắc giáp xã Vân Hà, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Phía Nam giáp: xã Đông Phong, Tam Đa, Yên Phong

- Phía Đông giáp:  phường Kinh Bắc

- Phía Tây giáp: phường Khúc Xuyên

Về dân số hiện nay của phường là gần 10.000 người. Hiện nay phường có 6 khu phố là những làng cổ gồm: Đương Xá 1, Vạn Phúc, Đương Xá 2, Đương Xá 3, Thượng Đồng và Thụ Ninh.

  Làng Đương Xá trước đây là làng Đặng hay Đặng Xá xưa (nay tách ra là 3 khu phố: Đương Xá 1, Đương Xá 2 và Đương Xá 3)  làng Đặng Xá có cách đây 2000 năm. Thời ấy có dòng tộc Việt cổ mang họ Đặng di cư từ phía Bắc xuống đây định cư quần tụ. Họ chọn bờ Nam sông Ngũ Huyện Khê dựng nhà, xây xóm với nghề chính là trồng lúa, săn bắn, hái lượm, dần chăn nuôi phát triển.. cuộc sống cư dân ngày một ổn định hơn. Đương Xá có xóm Láng, xóm Soi Núi và xóm Chanh. Cùng với sự hình thành và mở mang làng xóm, số lượng và chất lượng dân số làng này một tăng nhanh, trở thành làng có dân số cao nhất với hơn 800 hộ dân và gần 4000 nhân khẩu.

Hiện nay Đương Xá 1 có vị trí địa lý như sau : phía Bắc giáp khu Vạn Phúc,  phía Nam giáp thành phố Bắc Ninh, phía Đông giáp xã Hòa Long, phía Tây giáp khu Đương Xá 2(cùng phường).

Mặc dù trải tháng năm lịch sử, vẫn còn đó một làng Đặng Xá cổ kính, văn hiến. Đó là các xóm ngõ cổ như: xóm Núi, xóm Láng, xóm Soi Núi, xóm Chanh. Những xứ đồng cổ: Đồng Cửa Nghè, đồng Sấp, đồng Quan, Cầu Đỏ,  đồng Cầu Lều, Cổng Chợ, đồng Giếng, đồng Vùng.Với những dòng họ sinh cơ lập nghiệp lâu đời ở đây có 3 dòng họ, họ Đặng, họ Lương và họ Phạm, với 238 hộ dân và trên 1000 nhân khẩu luôn đoàn kết thương yêu nhau để cùng chung xây quê hương, tạo nên những thành quả văn hóa vật chất của cộng đồng như đình, chùa, miếu, đền và những thành quả văn hóa tinh thần như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, hội hè mang tính thuần phong mỹ tục.

Khu phố Thụ Ninh: Thụ Ninh là một trong 6 khu của phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, có vị trí địa lý như sau:

- Phía Bắc giáp: khu Thượng Đồng, phường Vạn An

- Phía Nam giáp: khu Yên Mẫn, phường Kinh Bắc

- Phía Đông giáp: khu Yên Mẫn, phường Kinh Bắc

- Phía Tây giáp: khu Đương Xá, phường Vạn An

Theo lời các cụ cao niên địa phương cho biết vào đầu thời Lý có dòng họ Nguyễn đã đến lập nghiệp tại Thụ Ninh. Đất lành chim đậu, sau đó một số họ khác như: Lê, Trần, Bùi...đã đến đây quần tụ, sinh cơ lập nghiệp. Trải nhiều thế hệ, người dân đã khai khẩn ruộng hoang, cần mẫn canh tác tạo nên những cánh đồng màu mỡ như: Đồng Rồi, Cửa Nghè, Con Cá, Bãi Cát, Đồng Sung… Khu Thụ Ninh là một làng quê cổ kính, văn hiến của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Dấu ấn cổ kính còn lưu lại ở tên đất tên làng, nghề làm kẹo thủ công truyền thống và là một trong các làng quan họ cổ của Bắc Ninh. Thụ Ninh cũng là địa phương có hệ thống di tích đậm đặc như: đền, nghè, văn chỉ, đình, chùa (Linh Quang tự)…trong đó đình và chùa còn còn bảo lưu được nguyên vẹn đến ngày nay.

Khu phố Vạn Phúc: có vị trí địa lý như sau: - Phía Bắc giáp thôn Đại Lâm, Tam Đa, huyện Yên Phong, Phía Nam giáp cánh đồng, Phía Đông giáp thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, Phía Tây giáp sông Cầu. Được ra đời từ sau năm 1954 khi hòa bình lặp lại ở Miền Bắc nước ta. Vạn Phúc được được hình thành bởi 3 làng Việt Cổ Đài Bàng, Vạn Phúc và Yên Ninh. Vạn Phúc là vùng đất được khai phá từ khá sớm, từ những nhóm người nhỏ thuộc các dòng họ dần dần thành Vạn, rồi thành làng. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, tên làng có từ Vạn ở trước chủ yếu là làng chài lưới. Vì vậy những cư dân đẩu tiên đặt dấu chân đế đây sinh sỗng chủ yếu bằng nghề đấnh bắt cá dọc sông Cầu. Kinh tế dần một phát triền dân cư dần đông đúc hơn hiện nay trong làng có khoảng 200 hộ dân với trên 500 nhân khẩu với các dòng họ định cư lâu đời như: họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Chu, họ Đặng.. Người dân sinh sống chủ yếu là nông nghiệp hiện nay còn các cánh đồng cổ như: đồng Sấp, đồng Lâm, Bờ Gai, Cầu Đỏ, đồng Quan, đồng Vó…diện tích đất canh tác là 17 mẫu

Khu phố Thượng Đồng: tục gọi là làng Lẫm. Theo tư liệu cổ để lại làng Thượng Đồng xuất hiện từ khá sớm cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, đến thời Trần làng là một trang ấp khá phồn thịnh với, đình, chùa, đền, miếu. Đến thời Lê làng Lẫm dân số đông đúc dần lên, có nhiều dòng họ lớn quần tụ xung quanh núi Lẫm. Đến 1892 làng có tên là Thượng Đồng cho đến nay. Hiện nay làng có khoảng hơn 700 hộ dân với trên 2000 nhân khẩu với hai dòng họ chiếm số đông là họ Tống và họ Trần.

2. Tình hình kinh tế xã hội ở địa phương.

Phường Vạn An có diện tích tự nhiên là 376,03 ha, có 2.197 hộ dân với 8.139 nhân khẩu, chia làm 6 khu dân cư. Cán bộ và nhân dân trong phường luôn tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đó là một thuận lợi cơ bản giúp các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Phường Vạn An có địa hình bằng phẳng nên khá thuận lợi cho việc xây dựng các công trình hạ tầng như giao thông thủy lợi, mở rộng xây dựng các khu dân cư, kiến thiết đồng ruộng hình thành những vùng chuyên canh lúa, rau màu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển kinh tế địa phương theo hướng kinh tế đô thị: Dịch vụ - Thương mại - TTCN - Nghề phụ. Tình hình sản xuất Công nghiệp - TTCN - Dịch vụ tiếp tục được duy trì và ổn định. Một số ngành, nghề vẫn được duy trì như: Tiểu thủ công nghiệp, vận tải, nghề mộc, xây dựng cơ bản, kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ....Các Công ty, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần tạo ra việc làm ổn định, tăng thu nhập, thu hút được nhiều lao động trong và ngoài địa phương. Tổng giá trị sản xuất CN - TTCN - DV và nghề phụ ước đạt 180 tỷ đồng .Tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và fcông tác bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn để nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm.

Nguồn: UBND phường Vạn An