Đại Bái – Tiềm năng du lịch làng nghề

06/09/2012 07:48
(BNP) - Ai đã từng về Đại Bái một lần, hẳn sẽ có cảm giác rất ấn tượng với cảnh sắc và con người ở nơi đây. Không chỉ nổi tiếng với nghề gò đồng, Đại Bái còn ẩn chứa biết bao vẻ đẹp văn hóa gắn liền với những câu chuyện vang vọng từ lịch sử xa xưa.
Đình chùa làng Đại Bái
 
Xưa kia, làng Đại Bái có hai ngôi đình: Đình trong mang tên đình Văn Lãng, thờ thành hoàng của làng là Lạc Long Quân và phụ công Nguyễn Công Hiệp - người đã có công rất lớn trùng tu các chùa đình, khuyến khích nghề gò đồng ở làng, được chúa Trịnh phong thưởng. Đình ngoài là đình Diên Lộc, thờ tổ sư dạy nghề gò đồng là Nguyễn Công Truyền và các vị hậu sư. Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp kiên cường, các di tích xưa đã không còn giữ được vẻ huy hoàng tráng lệ từ những thế kỷ trước. Thật quý báu thay, nơi đây còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá, trong đó có bức Trướng văn được khắc vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 23 (1762), ca ngợi đất Đại Bái với những thuần phong mỹ tục, đặc biệt cho biết rõ những bậc công thần người làng, từng làm tới trụ cột của quốc gia:
 
“Đình Văn Lãng xã Đại Bái ở làng quê nổi tiếng phía Bắc, là mạch chính của cõi trời Nam. Nơi thắng địa trời sinh nhiều người hiền tài từng làm trụ cột, gánh vác nhiều trọng trách triều đình. Trở lại đời xưa, tính những người có công lao to lớn như Nguyễn Tôn Công (tức Nguyễn Ngạn Hằng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch - 1550) giữ trọng trách dòng văn, chức Hình bộ Thượng thư, được phong Thiếu bảo; Nguyễn Lệnh Công (tức Nguyễn Kỳ Phùng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành - 1580) tài văn rực rỡ, lãnh Đông Các hiệu thư kiêm việc Hàn lâm; Đỗ Công (tức Đỗ Viết Thành, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ - 1661) tính người cương trực, đàn hặc uy nghiêm, so với Triệu ngự sử còn hơn, phán xét công minh, đáng thay lời Thánh Vương ủy thác; Nguyễn Quận Công (tức Nguyễn Công Hiệp) văn võ kiêm toàn, làm Đô Đốc nắm việc quân lại, soạn tu quốc sử, được quân chủ cậy trông, coi là nanh vuốt, Thái tử xem là mẫu mực phải theo; Thám hoa Nguyễn Tướng Công (tức Nguyễn Văn Thực, đỗ thám hoa năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ - 1659) tài văn chương cái thế, chức binh bộ Thượng thư, phong tặng thêm Lại bộ Thượng thư, quốc gia trông cậy làm cốt cán, triều đình làm mẫu mực biểu dương. Tích đức đã lâu, nổi tiếng hiền tài, công đức lớn lao, đó là cái văn của khoa cử, của sự nghiệp, của đạo đức. Lấy chữ Văn Lãng đặt tên cho đình thật đúng là như vậy”.
 
Chùa Đại Bái chính thức được xây dựng từ bao giờ không rõ, chỉ biết là nó được trùng tu vào những năm Phúc Thái thứ 3, thứ 4 (Đời Lê Thần Tông, 1646 - 1647), do công sức của hai cha con ông Nguyễn Công Thận và Nguyễn Công Hiệp. Quang cảnh chùa sầm uất, không khí thanh u, người xưa vì thế mà cho đứng đầu trong các ngôi chùa của huyện. Bởi vậy mà có câu thơ "Diên Phúc tự, Gia Bình đệ nhất" để cho con cháu còn mãi gợi nhớ về một cảnh quan đã từng một thời vang bóng.
 
Nước giếng ông Gióng
 
Làng Đại Bái có một cái giếng giữa cánh đồng, màu nước phơn phớt đỏ vàng. Tục truyền rằng, khi đuổi giặc Ân qua đây, ông Gióng đã ngồi nghỉ ở chỗ này, ăn trầu và nhổ cốt trầu bên cạnh. Vì vậy mà nước giếng trở nên có màu vàng đỏ. Hàng bao nhiêu đời nay, nước vẫn không đổi màu.
 
Điều lạ là lấy nước giếng để luộc rau muống thì cả rau và nước đều rất xanh tươi, vị ngon ngọt. Rau muống và nước giếng ông Gióng làng Đại Bái đã trở thành một đặc sản quý.
 
Con gà mâm xôi - Con lợn chậu cám
 
Đứng ở đầu làng Bưởi Nồi, nhìn về phía nghè của làng Bưởi Cuốc (Nghi Khúc),  để ý quan sát sẽ thấy hai chòm cây lớn. Chòm cây ở trong nghè có hình dáng như một chú lợn, còn bụi tre phía ngoài nghè lại giống như một chậu cám đang ray ra cho chú lợn đến ăn. Vì thế, bà con nơi đây gọi đó là "con lợn, chậu cám".
 
Ở phía trong làng, gần đình cũng có hai vật thiên nhiên đứng sát nhau tạo ra một quang cảnh lạ mắt. Một cây đa cao lớn, từ xa trông giống như con gà trống đang nép cánh, ngẩng đầu. Còn bụi tre sát bên cạnh thì lại thấp hẳn xuống, mở rộng vành như một mâm xôi đồ sộ nhuộm màu xanh ngắt. Bà con cũng gọi đó là "con gà, mâm xôi".
 
Dân làng tin rằng những hiện tượng thiên nhiên mang dáng dấp kỳ thú như vậy là dấu hiệu của một vùng sinh hoạt thịnh vượng, phong tục thuần hậu, luôn luôn thành kính đối với tổ tiên.
 
Thất như đồng quần
 
Ven bờ sông Bái Giang có một chỗ trũng ăn liền vào đồng ruộng như một cái hồ rộng, giữa hồ nổi lên một gò đất. Xưa kia, các nhà địa lý theo thuyết phong thuỷ mà cho rằng bãi trũng này có hình dáng như bảy con cá quần tụ. Chính vì thế, người xưa đã đặt cho nơi đây một cái tên chữ, với ý nghĩa là "Thất ngư đồng quần". Trong những câu chuyện dân gian xưa, hiện thượng thiên nhiên này ứng vào nhiều câu chuyện đồn đại. Có lời kể rằng bãi trũng kỳ lạ này là linh ứng một gia đình có tới 7 người con đỗ đạt, tất cả đều cùng phụng sự dưới một triều vua, song không chỉ rõ được đó là gia đình nào ở Đại Bái. Sau này dân gian đặt ra cho họ ấy một cái tên kỳ lạ: "Họ nhà Mè".
 
Ba làng của xã Đại Bái, làng nào cũng mở hội: Hội Bưởi Nồi mở vào ngày 10 tháng Tư, hội Đoan Bái ngày 7 tháng Giêng, hội Ngọc Xuyên mở vào 6 tháng 2. Tất cả đều theo Âm lịch. Trong những ngày nhộn nhịp ấy, hội làng nào cũng có các trò vui, như đấu vật, thả chim, leo cầu, chơi đu... Ban ngày, các bô lão trong làm làm lễ tế Thành Hoàng. Khi đêm xuống là thời gian biểu diễn Quan họ ở sân đình, thể hiện những tập tục, sinh hoạt văn hóa phong phú, giàu màu sắc.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: BBN