Tuồng đang hồi sinh trên đất Yên Phong – Bắc Ninh

15/06/2011 03:22
Từng có bề dày vài trăm năm và hơn 20 đoàn Tuồng nghiệp dư hoạt động, sản sinh ra nhiều nghệ sỹ ưu tú nhưng đã một thời gian dài, nghệ thuật tuồng chỉ còn trong ký ức và sự tiếc nuối của những lão nghệ nhân và người dân nơi đây. Được sự quan tâm của huyện, chính quyền địa phương và lòng tâm huyết của các “nghệ sỹ già”, CLB Tuồng Yên Phong ra đời là sự chắp nối lại những bước đi còn dang dở của các nghệ nhân đi trước để khôi phục lại môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một.
Các nghệ sỹ của CLB Tuồng Yên Phong diễn trong ngày ra mắt CLB.

“Chúng tôi muốn thành lập CLB tuồng Yên Phong từ lâu, nhưng chưa có đủ điều kiện. Điều mà các nghệ nhân luôn trăn trở là Yên Phong là đất tuồng, mà lại không có 1 CLB, để môn nghệ thuật này dần bị mai một. Tuy đã có quyết định thành lập từ cuối tháng 10-2010, nhưng phải đến ngày 7-5-2011, CLB Tuồng Yên Phong mới chính thức ra mắt và đi vào hoạt động”- cụ Đặng Thuật, Trưởng Ban cố vấn CLB cho biết. CLB Tuồng Yên Phong ra đời là niềm vui, là tâm huyết, là ước mơ khôi phục nghệ thuật tuồng và khao khát truyền nghề cho các thế hệ sau của các nghệ nhân.

Lúc đầu chỉ có 6 nghệ sỹ của hai làng Phú Mẫn và Phù Lưu nên CLB chưa thể diễn sân khấu được. Bà Nguyễn Thị Phương Tính, Phó Chủ nhiệm CLB Tuồng Yên Phong từng là diễn viên của đoàn tuồng Phú Mẫn, nhưng khi nghệ thuật tuồng ngày càng mai một, những đêm diễn của đoàn thưa dần, bà không còn được hòa mình vào các vai diễn nữa. Nỗi nhớ nghề, tiếc cho “thời vàng son” của môn nghệ thuật này đã thôi thúc bà và ông Quỳnh (hiện là Chủ nhiệm CLB) mạnh dạn đứng lên quy tụ các nghệ nhân của 6 địa phương, phát triển thành CLB như hiện nay. Họ đều là những danh ca một thời của đất tuồng Yên Phong, luôn khao khát và sẵn lòng truyền lửa đam mê ấy lại cho các thế hệ sau để cùng gìn giữ những nét đẹp vốn có của môn nghệ thuật này.

 CLB đã bầu Ban cố vấn, Ban Chủ nhiệm, các tổ thống nhất nội quy hoạt động và lấy gia đình ông Lê Đình Sơn (thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ) là nơi thờ tổ Tuồng và tập trung luyện tập của CLB. Nghệ sỹ Phương Đua, người từng có thời gian dài công tác tại Đoàn dân ca Quan họ của tỉnh, sau khi về nghỉ hưu cũng đã tìm đến sân chơi này. Chị được giao phụ trách tổ dân ca với các tiết mục hát quan họ, thơ, ca trù, xẩm xoan, nhạc mới… đan xen cho mỗi đêm diễn sinh động hơn. Ông Toàn mua ghi ta, ông Lâm mua đàn bầu, ông Sơn sắm Nhị, bà Tính mua trống, ông Thế cũng góp thêm giáo mác, kiếm, chùy, búa, thêm người phụ trách loa đài, ánh sáng, sân khấu… Họ đều tự túc, mỗi người sắm một nhạc cụ, đạo cụ, góp vào khi CLB còn non trẻ. Chỉ sau hơn 1 tháng thành lập, CLB đã làm lễ ra mắt và công diễn thành công ba trích đoạn. Đặc biệt, chào mừng ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016, CLB đã công diễn thành công vở tuồng “Mộc Quế Anh dâng cây” tại thôn Phú Mẫn, được người dân hưởng ứng và đánh giá cao. Đó là nguồn động viên to lớn để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến.

Hầu hết các nghệ sỹ tham gia CLB đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, có cụ gần 90 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng chính niềm đam mê ca hát, diễn tuồng và ý thức được trách nhiệm trong việc gìn giữ vốn cổ đã níu chân các nghệ nhân về với CLB. Hiện CLB đã quy tụ được 22 diễn viên, nhạc công của 6 địa phương trong huyện. Tham dự những buổi tập luyện, hay lễ đăng đàn tế tổ của các nghệ sỹ mới thấy lòng tự hào và say mê với môn nghệ thuật này của họ. Có người phải đi xa vài chục cây số, nhưng họ vẫn nhiệt tình, không bỏ buổi tập nào. Ai cũng cảm thấy xúc động khi thấy ông Nguyễn Đức Lâm (52 tuổi), ở Thọ Khê, Đông Thọ, từng phải cắt 2/3 dạ dày và một quả thận, nhưng vẫn nhận phụ trách (chính) kèn và nhị của CLB; sẽ trầm trồ khi lão nghệ nhân Tô Văn Tích (ở xã Yên Phụ) đã ở tuổi 73 mà còn vừa là tay trống cừ, vừa hát… Hiện CLB đã có đủ nhạc công, các dụng cụ cần thiết và hoạt động đi vào nền nếp. CLB đang phân vai, ra sức tập luyện cho vở “Đào Tam Xuân” để đi công diễn các nơi. Dưới sự hướng dẫn của đạo diễn, các diễn viên được phân vai lại tranh thủ học hát, luyện tập vũ đạo. Tuy hầu hết các nghệ sỹ già đã “bỏ nghề” ngót nghét vài chục năm, có câu hát sai lời, vũ đạo đôi chỗ còn chưa thạo, nhưng không thấy ai chán nản bỏ vai diễn. Người biết nhiều giúp đỡ, động viên người biết ít… tâm niệm cùng nhau phải gìn giữ nghệ thuật cho đời sau…

“Rất tiếc là nghệ thuật Tuồng ở Yên Phong đã bị lãng quên, chìm đắm lâu quá. Một môn nghệ thuật thâm thúy và sâu sắc trong việc giáo dục con người như thế đang phải đối diện với sự còn-mất, phục dựng hay để dần vào quên lãng đang là điều khiến các nghệ sỹ già lo lắng, trăn trở. Nhiều thanh niên hiện nay không  say mê, không hiểu gì về tuồng, nói gì đến việc sẽ theo nghiệp cha ông? Muốn vực được dậy thì trước hết phải xuất phát từ chính các nghệ nhân và đào tạo những lớp kế cận để họ hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, để tuồng chết trên đất tuồng là có tội với các bậc tiền bối, có tội với quê hương”- Cụ Thuật trăn trở.

Kế tục bộ môn nghệ thuật tuồng cổ, hi vọng CLB Tuồng Yên Phong sẽ dần lớn mạnh để phục vụ nhân dân. Còn lời giải cho bài toán phục dựng để tuồng có thể sống trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía, để một ngày không xa, tiếng trống phách nhộn nhịp của “một thời vang bóng” sẽ trở lại với Yên Phong…

Quản trị cổng
Nguồn: BBN