Đông Mơi một thời hát ví

15/06/2011 03:31
Làng Đông Mơi (xã Trung Nghĩa) nằm ở điểm cực tây trong hệ thống 49 làng Quan họ gốc của vùng Kinh Bắc và là một trong 2 làng Quan họ gốc của huyện Yên Phong. Cùng với dân ca Quan họ, nơi đây từng có loại hình nghệ thuật hát Ví – một hình thức diễn xuớng dân gian gắn với cuộc sống lao động những ngày nông nhàn, ngày nay chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi.
Đình làng Đông Mơi.

Theo lời cụ Nguyễn Đức Thị, 91 tuổi, một trong những bậc cao niên nhất làng Đông Mơi thì từ thuở thiếu thời, hát Ví là loại hình ca hát phổ biến, được lớp thanh niên ưa chuộng. Để có một cuộc hát Ví thật đơn giản, vì hát Ví là hát đối đáp nên có khi chỉ với hai người cũng có thể thành một cuộc hát Ví.

Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, lại không còn nghe và hát Ví từ sau Cách mạng tháng Tám nên cụ Thị bảo không còn nhớ được nhiều bài. Đọc một đoạn còn nhớ nhất, cụ giải thích “Hát Ví là hát đối đáp, có khi chỉ 2 người cũng hát, đông người cũng hát, không cần hẹn trước mà nhiều khi các cô gái đi đường gặp chàng trai cầm tay trêu ghẹo, tỏ tình, cô gái đáp lại mà cũng thành hát Ví”. Người ta hát Ví quanh năm và dường như ở đâu có lao động, ở đó có hát Ví. Trước đây hát Ví được tổ chức thi, có trao giải để tạo sự hấp dẫn và tính sôi nổi. Theo như cụ Thị nói thì làng Đông Mơi có hai vợ chồng cụ Ngô Văn Tấc, Ngô Thị Nhị hát Ví nổi tiếng, dù thi ở trong làng hay đến đâu so tài cũng đều giành giải Nhất. Giờ đây, hai cụ đã mất, con cái đều ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), trong làng cũng không mấy ai còn biết về nghệ thuật hát Ví xưa kia nữa. Hát Ví có nhiều nội dung: hát thơ, hát mời nước, mời trầu, mời điếu (mời điếu thuốc lào), hát thay nhau, hát kết… Những năm hát Ví còn phổ biến, nam thanh nữ tú cả làng Đông Mơi đều biết hát Ví.

Cuộc thi hát Ví ở Đông Mơi thường được tổ chức vào dịp lễ hội của làng, ngày 12 tháng Giêng âm lịch nhưng không phải năm nào cũng diễn ra. Giải thưởng cho người hát Ví giỏi không nhiều, chỉ là chiếc khăn mặt, cái quạt và thêm chút tiền thưởng nhưng ai biết hát Ví cũng háo hức đăng ký thi. Thông tin về cuộc thi hát Ví thường được yết tại địa điểm thi. Đến cuộc thi hát Ví, đầu tiên người ta hát chào nhau, sau tùy lời đối mà đáp lại.

Theo một số tài liệu về nghệ thuật dân gian, hát Ví xưa kia rất phổ biến do hát Ví lẻ đối đáp bất cứ lúc nào, chỗ nào mà không cần tổ chức. Cuộc hát có thể diễn ra dài ngắn không ai định trước, lệ thuộc vào người đáp có tiếp tục hay không.

Hát Ví gắn liền với lao động của nhà nông, vì thế, nó còn gọi là hát cày cấy hay ví cày cấy. Hát trong vụ làm cỏ lúa gọi là hát vơ cỏ… Đây là loại hình dân ca có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với đời sống lao động và tình cảm của người nông dân các vùng trung du và đồng bằng Hà Bắc trước đây. Hình thức diễn xướng của hát Ví đơn giản, tự nhiên, gắn liền với quang cảnh thiên nhiên sẵn có và sinh hoạt đời sống hàng ngày của người lao động. Không cần dựng cảnh, không cần dàn nhạc đệm, cũng như chẳng phải hoá trang, người ta vẫn hát Ví. Cây đa, bến nước, dòng sông, con đò, cày cấy, tát nước… đều có thể làm nền, làm phông cho một cuộc hát Ví.

Cũng như các loại hình văn nghệ dân gian khác, hát Ví là hình thức thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hoá, văn nghệ, giao lưu tình cảm của người lao động một cách ý nhị và thuận lợi nhất. Nó trở thành món ăn tinh thần, bổ dưỡng tâm hồn tình cảm của người bình dân. Sau những ngày lao động vất vả, người ta thường mượn ánh trăng, dòng nước để thả hồn sang với bạn. Hát mãi, có khi thâu đêm, mặt trời ló rạng, đành giã bạn.

Hát Ví không khó bởi lời hát chủ yếu được phát triển trên nền tảng gốc là ca dao nhưng để có điệu hát Ví hay cần sự sáng tạo, thông minh và khả năng đối đáp linh hoạt, nhanh trí của người “nghệ sỹ”. Hát Ví ở Đông Mơi dần rơi vào quên lãng đã để lại một khoảng trống, một miền thương nhớ khôn nguôi…

Quản trị cổng
Nguồn: BBN