Đến hẹn lại về với hội Lim
(BNP) – Hàng năm, cứ đến ngày 12 - 13 tháng Giêng, người dân vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Lim (huyện Tiên Du) để được đắm chìm trong không khí hội hè, được nghe những lời ca Quan họ mượt mà, đằm thắm và xem tục kết chạ, kết bạn đầy tình nghĩa.
Hội Lim luôn là lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách trẩy hội.
Theo dòng lịch sử dân tộc, từ xưa (đầu thế kỷ thứ XVIII), vào dịp rằm tháng Tám hàng năm, các làng, xã trong tổng Nội Duệ bao gồm: Nội Duệ (gồm Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và giáo phường (phường hát) Tiên Du, đều tổ chức tế lễ, rước thần và hát xướng ở đình làng. Sau nhờ quận công Đỗ Nguyên Thụy - Viên quan người Đình Cả mà hội tế thần hát xướng của các làng, xã thành hội làng tổng.
Vào cuối thế kỷ XVIII, tướng công Nguyễn Đình Diễn – Viên quan người làng Đình Cả và Bồ đề ni – tục gọi mụ Ả, đã cấp ruộng và cung tiến cho các xã trong tổng sửa chữa đình chùa, mở mang tập tục và chuyển từ lễ hội cầu phúc hàng tổng vào rằm tháng Tám sang hội chùa, hội chạ vào đầu xuân – 13 tháng Giêng. Hội xuân Quan họ vùng Lim bắt đầu từ đó.
Hát Quan họ tại các lán Quan họ trên đồi Lim.
Hội được tổ chức tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và Liên Bão (huyện Tiên Du), trong đó trung tâm của lễ hội diễn ra tại núi Hồng Vân (núi Lim). Trước ngày hội chính, các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim mở cửa đình, đền, chùa tổ chức lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống. Sáng ngày 13 tháng Giêng (ngày hội chính), có nhiều hoạt động đặc sắc như: dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim và các đình, đền, chùa khác ở các làng thuộc xã Nội Duệ, thị trấn Lim…
Ngoài việc được chứng kiến các nghi lễ truyền thống tiêu biểu, du khách còn được hòa mình vào phần hội vui tươi, lành mạnh, diễn ra tại trung tâm đồi Lim, khu vực Hồ điều hòa Vân Tương và các khu vực với phong phú hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc như: Đu tiên, cờ người, tổ tôm điếm, trình diễn thư pháp, hội thơ, đấu vật, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực…
Đặc biệt hơn cả, về với hội Lim là về với cả không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ đặc sắc, tiêu biểu nhất, kéo dài thâu đêm suốt sáng, từ hát đối đáp, hát canh, biểu diễn trên sân khấu, hát trên thuyền, hát ở cửa đình, chùa, tại các lán Quan họ, gia đình nghệ nhân… Hàng trăm làn điệu Quan họ được các liền anh, liền chị Quan họ ca lên, nhằm giãi bày tình yêu của người Quan họ với đủ các trạng thái, cung bậc của tình cảm: yêu nhau, thương quý nhau, lo lắng, nhớ nhung, hẹn ước, khắc khoải chờ mong, nhắn gửi nhau giữ vẹn lòng chung thủy, trân trọng ân nghĩa giữa người với người.
Hát dân ca quan họ trên thuyền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội xưa và nay của người dân vùng quê Kinh Bắc.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể Hội Lim để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2024.
Về hội Lim là về với một vùng non nước hữu tình, về với cội nguồn văn hóa dân tộc, bởi lễ hội Lim là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hóa người Việt trên vùng quê Quan họ Bắc Ninh – Kinh Bắc, khiến quý khách nếu một lần được tới dự hội Lim, hẳn sẽ nhớ mãi và mong muốn được “Đến hẹn lại lên”.