Di tích khảo cổ học lò gốm Đương Xá
(BNP) - Khu di chỉ khảo cổ học lò gốm Đương Xá (khu Đương Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Đây là một di tích khảo cổ vô cùng quý giá mà cha ông ta để lại, có ý nghĩa quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử vùng đất.
Di tích lò gốm Đương Xá.
Trước kia, khu di chỉ này nằm trong khu vực khai thác đất làm gạch, vì vậy di tích lò gốm Đương Xá đã bị đào phá nghiêm trọng. Toàn bộ phần trên và khu vực ven sông đã bị đào bới làm xuất lộ một số vết tích lò nung và rất nhiều di vật gốm. Để kịp thời bảo vệ di tích, năm 1999-2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật dải đất cao dọc ven sông và phát hiện dấu tích 9 lò nung gốm cùng hàng ngàn di vật.
Lò gốm Đương Xá đều thuộc dạng lò cóc, có cùng cấu trúc và kích thước khá tương đồng.
Nhìn chung lò gốm Đương Xá đều thuộc dạng lò cóc, có cùng cấu trúc và kích thước khá tương đồng, cửa lò đều quay ra phía Đông Nam. Lò có thân ngắn, đuôi tạo gần vuông và có mặt cắt ngang gần hình ô van, mắt cắt dọc gần hình trứng hay hình ống. Nền lò tạo dốc cao dần về phía sau và thấp dần ở phần cửa. Cấu trúc lò gồm 3 phần: Cửa lò là nơi ra vào sản phẩm đồng thời là nơi cho củi vào đốt nên gọi là bầu đốt; thân lò nằm ở khoảng giữa là nơi xếp chồng những sản phẩm mỗi khi nung; cuối cùng là phần hậu lò, nơi có những ống khói để thoát khí. Lò có chiều dài từ 4,6-5m, chỗ rộng nhất từ 2,5-3m, cửa lò rộng từ 1-1,3m và chiều cao còn lại 1,1-1,3m.
Các hiện vật tiêu biểu trong di tích.
Các lò gốm ở đây đều có hai ống khói. Các ống khói được tạo liền với vòm lò, nên khi vỡ nó thường rơi vào phía trong lò. Kiểu ống khói này có thể hình dung qua những mô hình ống khói của lò Thanh Lãng và lò Chùa Đông ở Lũng Hòa (Vĩnh Phúc) có niên đại khoảng thế kỷ 7-8.
Bình diện Hố khai quật Đương Xá 1 và Bản đồ địa hình di chỉ lò gốm Đương Xá.
Các hiện vật tiêu biểu: 2 lò gốm, 2 chậu xành, 2 bát xành, 4 vò 4 tai, 6 bát men, 3 nồi văn thừng….
Bảng xếp hạng di tích năm 2008.
Qua quá trình khai quật khu lò gốm Đương Xá đã cho phép tìm hiểu loại nghề thủ công này ở Bắc Ninh, một nghề vốn từ lâu đã nổi tiếng. Mặc dù loại nghề thủ công này ngày nay không còn nhiều, nhưng qua các tài liệu này đã cho phép tìm hiểu tài năng sáng tạo của người thợ thủ công xưa kia. Với bàn tay khéo léo, đức tính kiên nhẫn và sáng tạo, chỉ với đất, rơm, rạ, tre, gỗ đã tạo nên những sản phẩm gốm sành, phục vụ cho nhu cầu đời sống của xã hội. Các tài liệu ấy còn góp phần nghiên cứu tính chất sản phẩm, tổ chức sản xuất của các phường thợ thủ công xưa. Đây là một mặt rất quan trọng trong việc tìm hiểu truyền thống của Bắc Ninh trong lao động sản xuất.