Đền thờ ông Tổ nghề ép dầu

10/08/2022 07:30

(BNP) - Đền thờ ông Tổ nghề ép dầu Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán (thôn Đông, xã Tam Giang) được xây dựng vào thời Lê (cuối thế kỷ XVI) trong quần thể di tích đình, chùa của làng. Năm 2003, di tích được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Gian Tiền đường của Đền thờ.

Tọa lạc trên khu đất đẹp với tổng diện tích 178m2, đền thờ ông Tổ nghề ép dầu quay mặt hướng Đông – Nam, phía trước là đình làng, nhà văn hóa cùng với cảnh quan xung quanh tạo thành một không gian hài hòa, thuần chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Phía trước gian Hậu đường.

Đền có kết cấu kiểu chữ Nhị, gồm 2 toà: Tiền đường 3 gian 2 dĩ kiểu bình đầu bít đốc, cột trụ lồng đèn; Hậu đường 3 gian. Kết cấu vì nóc gian giữa tòa Hậu đường kiểu “thượng con chồng trụ đấu kê, câu đầu, hạ kẻ chuyền”. Trên các con chồng, câu đầu, kẻ soi gờ chỉ, chạm hoa lá cách điệu, mang phong cách thời Nguyễn.

Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán (quê ở tỉnh Bắc Giang), trú quán xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Cụ sinh năm Nhâm Tuất (1502), đỗ Hội Nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ, xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 5 (1529) đời Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Về quê hương, thấy người dân hiền lành nhưng nghèo khó, cụ ban phúc lộc, truyền dạy cho dân nghề ép dầu. Từ đó, người dân tôn cụ làm Tổ sư nghề ép dầu, lập đền thờ phụng để muôn đời sau mãi ghi nhớ. 

Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán - Ông tổ nghề ép dầu.

Ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của cụ, nhân dân lấy ngày này tổ chức các nghi lễ tại đền thờ tưởng niệm cụ. Hội tư văn của làng tổ chức tế lễ tại Đền.

Bộ dụng cụ ép dầu cổ của Tiến sĩ Nguyễn Quang Tán.

Bộ bát bửu từ thế kỷ XX.

Hoành phi thời Nguyễn.

Hiện nay, Đền còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý giá như: tượng thờ, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối thời Nguyễn, Bát hương thế kỷ XVIII, đỉnh hương, bộ Bát bửu thế kỷ XX

Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đây là di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu, có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc sâu sắc. Đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân. Đền thờ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 138/QĐ-CT ngày 29/01/2003.

T.L