Di tích lịch sử Nghè Hà Liễu

08/08/2022 07:00

(BNP) - Nghè Hà Liễu nằm ở phía Tây thôn Hà Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ được khởi dựng vào thời Lê.

Nghè Hà Liễu.

Hiện nay, Nghè Hà Liễu gồm các công trình: Nghè Thượng, Nghè Trung tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị, bia công đức, sân vườn.

Nghè Trung có kiến trúc kiểu “4 mái đao cong”.

Trong đó, Nghè Thượng có kiến trúc “bình đầu bít đốc tay ngai”. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim với 4 bộ vì tạo thành 3 gian. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi bảy hiên”. Đây là kiến trúc thời Lê còn bảo lưu được.

Trong Nghè còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật.

Nghè Trung nằm phía trước và song song với Nghè Thượng. Nghè Trung có kiến trúc kiểu “4 mái đao cong”. Bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bảy hiên”.

Nghè Hà Liễu thờ Thành hoàng là ba vị thần trong “Ngũ Vị Lôi Công”.

Nghè làng Hà Liễu là nơi tôn thờ Thành hoàng là ba vị thần trong “Ngũ Vị Lôi Công” là: Đệ nhất Nguyễn Lôi Công, Đệ nhị Nguyễn Lôi Công và Đệ tam Nguyễn Lôi Công - các vị thần có công phù giúp tướng quân Nguyễn Công Cự đánh thắng giặc Chiêm Thành ở thời Lý (thế kỷ XI).

Mâm thờ thời Nguyễn.

Bộ kiếm thời Nguyễn.

Bộ bát bửu thời Nguyễn.

Các đôi câu đối thời Nguyễn.

Trong di tích hiện đang bảo lưu được nhiều hiện vật thời Nguyễn như: 03 ngai, 03 bài vị, 01 hương án… và trưng bày nhiều hiện vật, đồ thờ tự khác có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật.

Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Nghè Hà Liễu được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2172/QĐ-CT ngày 20/12/2004.

S.T