Đình làng Hộ Vệ
(BNP) – Đình Hộ Vệ (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) được khởi dựng từ lâu đời, cho đến nay, trải qua biến động của lịch sử, đình đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo, song vẫn giữ được nét cổ kính tôn nghiêm và luôn được các thế hệ người dân nơi đây bảo vệ, giữ gìn.
Tòa Tiền tế đình Hộ Vệ.
Theo cuốn thần tích thần sắc của thôn Hộ Vệ, đình Hộ Vệ thờ 2 vị thành hoàng là Tam Anh đại vương và Đống Cao đại vương. Tương truyền vào thời Vua Hùng thứ 6, tại trang Hộ Vệ có một gia đình sinh được 6 người con (5 con trai, 1 con gái). Người con cả đặt tên là Huy Đô, người thứ 2 đặt tên là Huy Thông đều có tướng mạo tuấn tú, khôi ngô hơn người, lớn lên học hành sáng dạ, học một biết mười. Đến tuổi trưởng thành, hai ông tập hợp cùng trai tráng trong vùng phò tá Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân.
Cổng vào đình Hộ Vệ.
Hai cột đồng trụ hai bên.
Khi về quê hương, hai ông thăm viếng phần mộ và hương khói cúng khấn cha mẹ xong, bỗng trời nổi gió, mây đen phủ kín vùng. Trong chốc lát, trời quang, mây tạnh, không thấy hai ông đâu, chỉ thấy nổi lên hai gò đất, một ở Đống Chùa, một ở Đống Đô. Nhân dân thấy sự tình quá linh thiêng, lạ thường, biết được là hai ngài đã hóa. Nhà Vua cũng cho đó là thiên định, hai ngài là con trời xuống giúp dân diệt trừ giặc ngoại xâm, bèn phong cho hai ngài là Thành Hoàng làng Hộ Vệ, lệnh cho dân làng lập đền thờ cúng mãi về sau.
Trên nóc của toà Tiền tế đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.
04 mái đao cong.
Hiện nay, đình Hộ Vệ có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung, bộ khung gỗ chắc khỏe, mái ngói. Đình kết cấu theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai, hai bên là hai cột đồng trụ.
Gian thờ chính trong đình.
Bộ bát biểu gỗ tại đình.
Tòa tiền tế có 5 gian, vì nóc kiểu “con chồng giá chiêng”, được liên kết bởi 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang. Hệ thống cửa theo kiểu bức bàn. Trên các bộ phận kiến trúc trang trí đề tài hoa lá cách điệu nghệ thuật, phía trước 3 gian giữa của tòa Tiền tế có bức “y môn” chạm khắc các đề tài cổ và “tứ linh” sống động nghệ thuật.
Trên các bộ phận trang trí đề tài hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Tại gian giữa của tòa Tiền tế đặt một hương án sơn son thếp vàng, chạm khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Phía sau hương án đặt một bộ chấp kích gỗ lớn. Bên trên hương án là bức hoành phi có nội dung “Thánh cung vạn tuế”.
Bức hoành phi trong đình.
Long đình chạm khắc rồng, tứ linh, tứ quý nghệ thuật.
Hậu cung có 2 gian, vì nóc theo kiểu “con chồng giá chiêng, cột trốn”, tường xây bít đốc hai bên đầu hồi và hậu, phía trước ngăn cách với tòa tiền tế là bức cửa cấm. Hai bên hồi đặt 2 long đình chạm khắc rồng, tứ linh, tứ quý nghệ thuật.
Tượng rồng đá tại sân đình.
Bức bình phong.
Hội đình Hộ Vệ được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng. Trong ngày đám có tế lễ và tổ chức nghi thức rước nhị vị thành hoàng từ lăng mộ về tại đình làng để mở hội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: chọi gà, kéo co, đập niêu, cờ tướng cùng các hình thức diễn xướng dân gian như: chèo, tuồng đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương hướng về cội nguồn đoàn kết cộng đồng làng xã, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc.
Hệ thống cửa kiểu bức bàn.
02 bộ hài, mũ thờ bằng vải trong hậu cung.
Đình Hộ Vệ được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 1034/QĐ-UBND, ngày 17/9/2013.