Đình Lộ Bao
(BNP) - Đình Lộ Bao (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ lâu đời với quy mô lớn. Đình đã bị phá dỡ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được phục dựng lại năm 1989. Những năm gần đây, nhân dân địa phương đã tôn tạo, xây dựng mới các công trình ngày càng khang trang tố hảo.
Toàn cảnh Đình Lộ Bao.
Hiện đình gồm các công trình: Nghi môn, Tiền tế, Hậu cung, Thủy đình.
Tòa Nghi môn.
Nghi môn xây kiểu cột trụ lồng đèn với cửa lớn ở giữa, cửa hai bên tạo mái giả cuốn vòm độc đáo.
Tòa Tiền tế có hệ chịu lực bằng gỗ lim.
Gian thờ chính trong đình.
Tiền tế có kiến trúc kiểu “bình đầu 4 mái đao cong”. Hệ chịu lực bằng gỗ lim gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian, 2 chái. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột (trốn 2 cột cái), kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ ngồi kẻ hiên”. Trên bờ nóc đắp nổi hình "lưỡng long chầu nguyệt".
Bờ nóc đắp nổi hình "lưỡng long chầu nguyệt".
Đình 04 mái đao cong.
Hậu cung có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”. Hệ chịu lực bằng gỗ lim, gồm 4 bộ tạo thành 3 gian, kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ ngồi bảy hiên”. Trang trí đơn giản bởi các đường soi gờ chỉ và một số hoa văn mây mác trên đầu bẩy, con rường.
Trang trí hoa văn mây mác trên đầu bẩy, con rường.
Ở chính giữa treo bức hoành phi ghi chữ Hán, phía dưới là bức cửa võng chạm trổ hoa lá, lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng.
Bức hoành phi ghi chữ Hán ở gian giữa.
Thủy đình có kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái.
Tòa Thủy đình.
Đình Lộ Bao là nơi thờ Thành hoàng là Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống); Thái úy Lý Thường Kiệt cùng 2 vị thần là Lỗ Vực Đại Thần và Thủy Hải Long Vương.
Gian thờ trong Hậu cung.
Trong khuôn viên đình có văn chỉ của làng. Theo các cụ, xưa làng Lộ Bao, tổng Nội Duệ có xây dựng văn chỉ ở trung tâm làng, gọi là Gồ Văn Chỉ hay Gồ Chợ Quán, sau đó dân làng dịch chuyển về vị trí hiện nay gồm 1 bệ thờ lộ thiên đặt lư hương và các đồ thờ.
Văn chỉ trong đình.
Hiện trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: lư trầm, bộ bát bửu, biển gỗ, hòm sắc, sập thờ, bộ kiếm thờ, giá văn, bát hương sứ thời Nguyễn...
Lư trầm thế kỷ XIX.
Kiếm thờ thế kỷ XIX.
02 biển gỗ thế kỷ XIX.
Bộ bát bửu.
Hội làng được tổ chức vào ngày 13-14 tháng Giêng, của cả tổng Nội Duệ xưa. Vào ngày 12 làm lễ mở cửa đình, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày 13 chính hội, nhân dân làm lễ tế Thành hoàng, lễ vật. Sau đó có tục lệ rước sắc từ Đình Cả sang Lộ Bao.
Hòm sắc thế kỷ XIX.
Giá văn thế kỷ XIX.
Trong những ngày hội, bên cạnh phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, đập niêu, trồng cây đu, chọi gà, tổ tôm điếm, nay có thêm các hình thức văn hoá mới như: Hát Quan họ, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá... đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng và hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Đình Lộ Bao đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 141/QĐ-CT, ngày 29/1/2003.