Đồng chí Ngô Gia Tự - Tấm gương người cộng sản kiên cường, bất khuất
(BNP) - Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 03/12/1908 tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là khu Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí là một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc.
Tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự tại phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn.
Kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương lại thông minh, chăm chỉ, Ngô Gia Tự trở thành học trò giỏi ngay từ bậc sơ học. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp loại ưu tú bậc tiểu học trường Kiêm Bị (Bắc Ninh), đồng chí vào học trường Bưởi (Hà Nội). Cuối năm 1925, sau khi tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh, Ngô Gia Tự cùng một số bạn bè có chung chí hướng bị đuổi học vào mùa hè năm 1926, khi đang học năm thứ tư.
Giữa năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và được phân công trở về quê hoạt động; đồng chí đã kết nạp và thành lập chi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên làng Tam Sơn.
Đầu năm 1927, đồng chí Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc). Kết thúc khoá học, đồng chí được cử về Bắc Ninh hoạt động. Đồng chí đã tuyên truyền, tuyển chọn những thanh niên ưu tú kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tháng 7/1927, đồng chí thành lập chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Tiền An, Vệ An, Niềm Xá (Bắc Ninh).
Trên cơ sở đó, đầu năm 1928, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ quyết định thành lập Tỉnh hội Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư.
Ngày 29/9/1928, tại nhà khách của gia đình đồng chí ở Tam Sơn đã họp Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ. Hội nghị đã quyết định chủ trương “vô sản hóa", đưa hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền của tư bản để cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân nhằm tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng, tổ chức công nhân đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ.
Với cương vị Bí thư Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang, đồng chí Ngô Gia Tự đã thuyết phục hàng chục hội viên tự nguyện rời quê hương vào nhà máy, đồn điền, hầm mỏ làm công nhân để rèn luyện, tuyên truyền vận động, tổ chức công nhân đấu tranh và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong nước, nhất là phong trào đấu tranh của công nhân, những thanh niên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã sớm nhận thức được yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản. Tháng 3/1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, những phần tử tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước gồm 7 đảng viên, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản đầu tiên, Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ (tháng 3/1929) được tổ chức. Nhận thấy nhu cầu bức thiết của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cần phải có Đảng lãnh đạo, Đại hội đã ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản và nhất trí cử Ngô Gia Tự cùng 03 đại biểu dự Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
Ngày 1/5/1929, tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên khai mạc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đoàn đại biểu Bắc Kỳ nêu vấn đề thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp thuận. Sau khi về nước, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí trong Chi bộ cộng sản đầu tiên ra một bản Tuyên ngôn giải thích rõ lý do thoát ly Đại hội và tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), Ngô Gia Tự cùng các đảng viên trong chi bộ 5D, phố Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thông qua các văn kiện thành lập Đảng dưới hình thức một bản Tuyên ngôn thể hiện nội dung Cương lĩnh, Chính cương, Điều lệ Đảng và lấy Cờ đỏ búa liềm làm cờ Đảng. Hội nghị cũng quyết định nhân bản nhiều sách báo để làm công cụ tuyên truyền đường lối của Đảng. Hội nghị đã cử 7 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Sau Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự được cử về Bắc Ninh.
Cuối tháng 7/1929, Ngô Gia Tự về Bắc Ninh thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang. Đến ngày 4/8/1929, tại núi Hồng Vân (núi Lim, huyện Tiên Du), Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Sau cuộc họp ngày 21/7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Bằng hoạt động tích cực của Ngô Gia Tự và các đồng nghiệp, một số cơ sở cách mạng và tổ chức đảng đã được thành lập.
Cùng với việc xây dựng cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, đồng chí Ngô Gia Tự còn mở rộng địa bàn hoạt động sang các vùng lân cận; xúc tiến việc thành lập chi bộ Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng vào tháng 10/1929. Sau đó, tiếp tục tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng và lập chi bộ ở các địa phương khác thuộc vùng đồng bằng Nam Bộ.
Đứng trước yêu cầu đòi hỏi khách quan của lịch sử, căn cứ vào chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, từ ngày 3 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản đã họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau ngày thành lập Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Ðảng bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ Ngô Gia đã quyết định chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở cương vị lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Ngô Gia Tự thường xuyên chỉ đạo và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân biểu tình đấu tranh. Đồng thời, chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, mở nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ đảng viên.
Trong lúc phong trào cách mạng trong nước đang phát triển rầm rộ khắp Bắc, Trung, Nam thì đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám Pháp bắt trong khi đang nghiên cứu tài liệu Quốc tế Cộng sản và tháo truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè (Sài Gòn), tối ngày 31/5/1930.
Trải qua nhiều nhà tù ở Sài Gòn, Bắc Ninh, Hà Nội, bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Ngô Gia Tự vẫn giữ vững khí tiết ý chí bất khuất, tuyệt đối trung thành với Ðảng.
Cuối năm 1933, thực dân Pháp đưa 200 tù chính trị ở Sơn La, Hoa Lò (Hà Nội) đi đầy ở Côn Đảo, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự. Tại đây, Ngô Gia Tự với tinh thần quyết tâm "Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng" đã tham gia ngay cuộc tranh luận về vấn đề đấu tranh trong tù và không định: “Phải đấu tranh giành quyền sống, không thể để cho bọn chúa ngục tuần làm gì thì làm". Quan điểm đó trở thành tư tưởng chỉ đạo của chi bộ nhà tù Côn Đảo.
Đầu năm 1935, chi bộ nhà tù Côn Đảo tổ chức cho các đồng chí Ngô Gia Tự, Tô Chấn, Lê Quang Sung, Trịnh Văn Ó... vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng. Mặc dù chuyến đi được chuẩn bị công phu nhưng đồng chí Ngô Gia Tự và các đồng chí cùng đi chuyến đó đã không thành công và anh dũng hi sinh.
Với 27 tuổi đời, đồng chí Ngô Gia Tự đã đem hết ý chí, sức lực, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và quê hương. Cả cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu biểu về một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân, luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách; bất kỳ ở đâu, làm gì, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời đúc kết kinh nghiệm để mọi hoạt động trở thành thiết thực hiệu quả.
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì nước, vì dân, chúng ta nguyện nêu cao ý chỉ cách mạng, đoàn kết, chung sức, chung lòng không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện về ý chí, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần cách mạng của người cộng sản, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.