15 năm – Văn hóa Bắc Ninh hội tụ và tỏa sáng

22/03/2012 01:06
(BNP) - Bắc Ninh, xưa là xứ Kinh Bắc, nằm ở phía Bắc sông Hồng, có thế đất núi sông hùng vĩ linh thiêng, hội tụ tinh hoa của đất trời, nên sớm là địa bàn dân cư sinh cơ lập nghiệp và sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội trao bằng công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.(Nguồn ảnh: vnmedia.vn)
Bắc Ninh – Kinh Bắc được coi là “cái nôi” của Nho giáo, đất khoa bảng nổi tiếng cả nước, được sử sách và dân gian ca ngợi là đất của “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Là “cái nôi” của văn hoá, văn nghệ dân gian với những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè.
 
Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc đã tỏa sáng rạng rỡ và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh nhà trên con đường hội nhập và phát triển. Qua đó, khẳng định vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần, nhân lên sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của xã hội. Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển trong quá trình CNH – HĐH, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với các chương trình văn hóa, các hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân.
 
15 năm qua, Bắc Ninh đã chú trọng công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh. Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có hơn 231.000 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 89,5%, tăng 1,5 lần so với năm 1997; 485 làng, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 66,8%, tăng 4 lần so với năm 1997. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tân gia, mừng thọ theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị đem lại hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 và 22 nhằm tiếp tục tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội, kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua.
 
Song song với việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá với chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bắc Ninh tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước đưa các hoạt động văn hoá, thể thao về cơ sở; nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hoá, thể thao của nhân dân.
 
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa luôn được quan tâm; hoàn thành trùng tu, tôn tạo và đưa vào khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu. Sự kiện ngày 30/9/2009 đã ghi một dấu ấn đặc biệt, tất cả các thành viên tại Hội nghị Liên chính phủ UNESCO họp tại Thủ đô AbuDhabi (Tiểu các Vương quốc ả rập thống nhất) đã nhất trí bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ là di sản của thế giới. Hành trình vươn tầm thế giới của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một câu chuyện dài có hậu và là kết quả của công sức, trí tuệ tập thể. Đây không những là một loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, mà còn mang những giá trị thẩm mỹ cao được thể hiện ở nhiều mặt: từ quan hệ giao tiếp cho đến lời ca tiếng hát.
 
Đặc biệt, năm 2010, Bắc Ninh tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị, các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, ghi dấu ấn đậm nét nhất là tổ chức thành công Festival Bắc Ninh năm 2010 và để lại ấn tượng tốt đẹp trong xã hội. Không những vậy, năm 2011 vừa qua, Bắc Ninh đã tổ chức thành công Hội Lim lập kỷ lục “nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất” với sự tham gia của hơn 3000 người. Với những giá trị văn hóa đặc biệt hấp dẫn có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ, hội Lim trở thành nét văn hóa đặc sắc của quê hương Quan họ.
 
Tiếp tục thêu dệt lên bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; tham mưu và tham gia các hoạt động kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012),… Đặc biệt, trong thời gian tới, Bắc Ninh cũng đề nghị để UNESCO công nhận Tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
 
Ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống do ông cha để lại của mỗi người dân Kinh Bắc tựa như mạch ngầm bền bỉ chảy trong huyết mạch của biết bao thế hệ. Thành quả sau chặng đường 15 năm sẽ tiếp tục tỏa sáng cho sự phát triển không ngừng của quá trình CNH – HĐH, song song với việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý giá của quê hương, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hiến Kinh Bắc./.
Võ Thị Thúy Hằng
Nguồn: BBN