Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Bổ sung hàng hóa không thân thiện với môi trường vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt

27/11/2024 18:12

(BNP) - Ngày 27/11, góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như pin, lốp xe ô tô, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, phương thức đánh thuế TTĐB ở các nước có sự khác nhau, song về cơ bản hiện có 3 phương thức đánh thuế chủ yếu: áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; áp dụng mức thuế tuyệt đối và áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối (phương thức hỗn hợp). Dự thảo Luật đã đưa ra phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế theo tỷ lệ % + thuế tuyệt đối) áp dụng đối với sản phẩm thuốc lá điếu. Đây là phương pháp đánh thuế tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhằm đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế và đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt. Việc quản lý thu thuế cũng đơn giản hơn. Nếu phương pháp tính thuế này có hiệu quả, chúng ta có thể xem xét mở rộng để áp dụng cho sản phẩm rượu, bia trong thời gian thích hợp.

Về thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế, theo đại biểu, cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối, cộng thêm áp dụng cả hai phương án do Chính phủ trình là 10.000 đồng một bao. Như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở Phương án 1 và hơn 100% ở Phương án 2. Đại biểu cho rằng, việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá; ảnh hưởng đến an ninh biên giới; thu ngân sách giảm. 

Đại biểu cho rằng, hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu như dự thảo Luật là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều giác độ: kinh tế, xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.

Đối với nước giải khát có đường, dự thảo luật quy định chỉ áp dụng một mức thuế 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100 ml. Đại biểu cho rằng, mức áp thuế này còn thấp hơn so với một số quốc gia, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030.

Đối với rượu bia, đại biểu thống nhất với việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình, tuy nhiên đại biểu băn khoăn dự thảo luật đang áp thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ. Nếu theo suất tính theo độ cồn, với quan điểm độ cồn càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều, tại sao thuế suất của bia lại ở mức cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ, trong khi độ cồn của bia chỉ khoảng 5 độ. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm về vấn đề này và nghiên cứu sửa đổi đảm bảo hiệu quả, khả thi.

Việc rà soát lại, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB và thiết kế mức tăng thuế suất hợp lý theo lộ trình phù hợp không chỉ tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả giữa các văn bản pháp luật mà còn đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh và đối tượng chịu thuế. Với các thay đổi này, chính sách thuế TTĐB sẽ trở nên linh hoạt hơn, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý và điều tiết thị trường có hiệu quả, xây dựng hệ thống chính sách thuế minh bạch, công bằng, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững.

M.T