Đại biểu Nguyễn Thị Hà: Bổ sung quy định ưu tiên hỗ trợ đối với nhóm lao động công nghệ

27/11/2024 18:08

(BNP) - Ngày 27/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao chính sách của Nhà nước về việc làm được bổ sung tại Chương II. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn thiếu các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, khai thác hiệu quả thế mạnh của giai đoạn dân số vàng để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều nước đang phát triển đã gặp phải.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Nhằm tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, biến thế hệ trẻ thành lực lượng lao động “vàng” đúng nghĩa, tạo sự đột phá trong chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung các quy định cụ thể nhằm ưu tiên hỗ trợ đối với nhóm đối tượng lao động mới như: Lao động công nghệ, lao động trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nâng cao trình độ lao động; đào tạo "đặt hàng" các doanh nghiệp lớn từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào đạo… thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, hỗ trợ tài chính. Có thể tham khảo từ các nước như Úc trợ cấp lên tới 50% chi phí đào tạo cho các doanh nghiệp nhận học viên học nghề; Hàn Quốc thành lập Quỹ Bảo hiểm đào tạo việc làm, trợ cấp cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động,… 

Theo đại biểu, việc bổ sung Điều 17 về hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi là một bước đi đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về chính sách việc làm cho người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số. Tuy nhiên, chính sách mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động cao tuổi, vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng những lao động trẻ. Do vậy, cần bổ sung các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi như, giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt, vốn vay… nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi. Có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động cao tuổi, hay Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí 5.000 USD cho doanh nghiệp nếu nhận một người già vào làm việc.

Về trình tự đăng ký lao động (Điều 23), cần xem xét việc quy định đăng ký lao động đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi phần lớn thông tin yêu cầu trong hồ sơ đăng ký lao động đã được cung cấp khi doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Việc bổ sung thêm quy trình đăng ký lao động sẽ gia tăng thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gây lãng phí thời gian và nguồn lực, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, không nên bổ sung quy trình đăng ký lao động đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thay vào đó xem xét tích hợp hoàn toàn dữ liệu từ Bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu lao động, giảm thiểu sự trùng lặp và đơn giản hóa quy trình quản lý, bảo đảm tính chính xác, kịp thời của dữ liệu. Việc đăng ký lao động nếu có chỉ nên dành cho đối tượng chưa có việc làm muốn đăng ký tình trạng việc làm của mình với nhà nước để giúp họ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về việc làm.

Đối với quy định "thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo", tại điểm đ khoản 3 Điều 60 dự thảo tiềm ẩn nhiều hệ lụy, vừa gây thiệt thòi cho người lao động vừa làm suy yếu chính sách an sinh xã hội. Người lao động khi đạt ngưỡng 144 tháng đóng bảo hiểm có thể chọn nghỉ việc để không lãng phí quyền lợi, dẫn đến tình trạng “làm đủ rồi nghỉ”, làm suy giảm tính ổn định của thị trường lao động, gây mất mát nguồn nhân lực có kinh nghiệm và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Quy định này cũng có nguy cơ khuyến khích rút bảo hiểm xã hội một lần, khi người lao động không còn động lực gắn bó với hệ thống bảo hiểm lâu dài. Ngoài ra, tình trạng “nghỉ việc giả” giữa người lao động và doanh nghiệp để trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp có thể gia tăng, dẫn đến thất thoát quỹ và mất cân đối nguồn lực, làm tổn hại quyền lợi của những người thực sự cần trợ cấp. Vì vậy, cần bỏ giới hạn 144 tháng và bảo lưu toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo công bằng cho người lao động, khuyến khích họ duy trì việc làm ổn định, giảm nguy cơ lạm dụng chính sách và củng cố niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường lao động và nền kinh tế.

Tại điểm b khoản 1 điều 64 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp “Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức” bất kể họ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong suốt thời gian làm việc trước đó. Quy định này vô tình tước bỏ quyền lợi của những người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đi ngược lại với nguyên tắc “đóng - hưởng” cơ bản của bảo hiểm xã hội. Quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp là sự bảo đảm khi người lao động mất việc làm, giúp họ có thể ổn định cuộc sống trong thời gian chuyển tiếp sang công việc mới. Nếu quy định này không được điều chỉnh, một bộ phận lao động sẽ chịu thiệt thòi, đặc biệt là những người đã đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng lại không được hưởng lợi ích thiết yếu khi gặp khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 trong dự thảo, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

M.B