Bài phát biểu Kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh và gặp mặt các văn nghệ sỹ năm 2013
(BNP)- Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tại Lễ kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh và gặp mặt các văn nghệ sỹ năm 2013.
Kính thưa các vị đại biểu!
Thưa các văn nghệ sỹ và trí thức!
Hôm nay, tôi rất vui mừng dự buổi gặp mặt các văn nghệ sỹ, trí thức trong tỉnh, những người đã say mê nghiên cứu khoa học, lao động nghệ thuật, đóng góp tích cực và hiệu quả trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phục vụ đời sống, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân.
Nhân kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu từ sơn phận Thị cầu về núi Phúc Đức và ngày thơ Việt Nam. Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc quý vị đại biểu, các văn nghệ sỹ, trí thức cùng gia đình một năm mới: Sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Thưa các vị đại biểu!
Quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc: Giang sơn tụ khí, với thế đất núi sông hùng vĩ linh thiêng và thơ mộng nổi tiếng văn chương, khoa bảng và kiên cường đã sinh ra nhiều nhân tài, cho quê hương, đất nước. Vùng đất Bắc Ninh là nơi khởi nguyên của Nho giáo nước Việt với Đền thờ "Nam giao học Tổ" và truyền thống khoa bảng nổi danh cả nước: "Một giỏ Sinh đồ, một bồ Hương cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn".
Gần nghìn năm khoa bảng phong kiến (1075-1919), Bắc Ninh - Kinh Bắc có hơn 600 vị đại khoa, chiếm gần 1/4 tổng số cả nước. Truyền thống khoa bảng của quê hương Bắc Ninh với nhiều đặc điểm tiêu biểu như: Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh; 1 làng đoạt đủ Tam khôi (làng Tam Sơn); Tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp trẻ nhất nước 15 tuổi; 2 cha con cùng đỗ một khoa; 2 anh em ruột cùng đỗ một khoa; 5 anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ; 13 đời liên tục đỗ Tiến sĩ; 9 Tiến sĩ trong một họ làm quan cùng triều...
Các làng và dòng họ khoa bảng như: họ Nguyễn, Phạm làng Kim Đôi (Kim Chân-thành phố Bắc Ninh); họ Đàm (Hương Mạc), họ Ngô và Nguyễn (Tam Sơn-Từ Sơn); họ Ngô (Tam Giang-Yên Phong)... Các vị sứ thần tài hoa lỗi lạc như: Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Tiến sĩ Nguyễn Đăng; các vị Thượng thư chính trực như Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật…
Đúng như cách đây trên 180 năm, nhà sử học Phan huy Chú trong cuốn "Hoàng Việt Địa dư chí" đã nhận định: Dải đất Bắc Ninh "có lẽ do mạch đất tốt chung đúc nên, do đó mà ở đây có nhiều thắng tích nơi hội tụ tinh hoa, cũng là nơi sinh ra nhiều danh thần nổi tiếng. Có lẽ do cái linh khí đôn hậu của miền Bắc phát tiết ra ở vùng này".
Chính các bậc trí thức Tiên hiền Nho học là nền tảng để truyền thụ và phát triển hệ thống các làng nghề tinh xảo bậc nhất (như chạm khắc, đúc đồng, đồ gốm, tranh dân gian) cùng các Di sản văn hóa như: Quan họ, ca trù, chèo, tuồng, múa rối nước... và kiến tạo nên các Bảo vật quốc gia như pho Tượng A di đà chùa Phật Tích, tượng Phật bà Quan âm Thiên thủ thiên nhỡn chùa Bút Tháp...
Có thể khẳng định: các nhà khoa bảng Bắc Ninh - Kinh Bắc đã là rường cột của nước nhà trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, ngoại giao… làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Đó chính là Nhân kiệt của quê hương ta.
Thưa các vị đại biểu!
Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê ở sườn phía Tây Bắc núi Châu Sơn, huyện Thị Cầu ghi khắc tên tuổi khoa danh của 677 vị tiến sĩ từ thời Lý đến hết thời Nguyễn. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến năm 1893 được chuyển về vị trí hiện nay, (khu 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh).
Hiện vật quý giá tại Văn Miếu chính là 15 tấm bia đá, trong đó có 12 bia “Kim bảng lưu phương” còn lưu giữ được cho đến ngày nay là những cứ liệu vô cùng giá trị về những trang lịch sử văn hóa, giáo dục của nền văn minh của vùng Kinh Bắc xa xưa.
Trong buổi kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh từ sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Đức (1893-2013), trước anh linh các vị tiên hiền, trí thức khoa bảng, nho học, tiền bối; xin được tỏ lòng ngưỡng vọng, thành kính tri ân các vị tiên hiền, tiền bối đã dựng nước, giữ nước và kiến tạo non sông gấm vóc, truyền thống văn hiến của tổ quốc Việt Nam và quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Thưa các vị đại biểu!
Sau 15 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đang vươn lên và đổi mới trên nền tảng và chiều sâu văn hóa của dân tộc, của quê hương dưới ánh sáng của Đảng, là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2012, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) đứng thứ hai toàn quốc, đây là một trong những yếu tố thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trong đó thu hút được những Tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia có thương hiệu toàn cầu như: SamSung, CaNon, Nokia, Pepsico…
GRDP bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/năm gấp hơn 2 lần cả nước. Thu ngân sách đạt trên 9 nghìn tỷ đồng tăng 26% so với năm 2011. Bắc Ninh là một trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước có mức thu ngân sách nhà nước vượt dự toán và điều tiết về Trung ương.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ mới. Phúc lợi và an sinh xã hội được quan tâm. Đặc biệt lĩnh vực văn hoá giáo dục được quan tâm và ngày càng phát triển.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền MTTQ và các đoàn thể nhân dân được củng cố vững mạnh theo định hướng: sát dân, gần dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân, sử lý kịp thời, dứt điểm các bức xúc của nhân dân.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bắc Ninh đã có 31 người có trình độ tiến sỹ, 1.025 người có trình độ thạc sỹ, trên 13.000 nghìn cử nhân làm việc trong các cơ quan nhà nước; 246 văn nghệ sỹ đang miệt mài hăng say lao động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu mới trong tình hình hiện nay.
Với đông đảo lực lượng các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các văn nghệ sỹ đạt giải thưởng HCM, giải thưởng cấp nhà nước, cùng hàng ngàn các nhà khoa học có danh tiếng đang công tác ở trong và ngoài nước, đã cống hiến không ngừng cho sự phát triển của Tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Khi đánh giá các thành tích nổi bật sau 15 năm phát triển, trong nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chúng ta đã nhận thức rất rõ vai trò của việc nâng cao năng lực cán bộ, tầm tư duy, tinh thần, trí tuệ, sức sáng tạo để tập hợp, phát huy và khơi dậy truyền thống khoa bảng và hiếu học của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Trong đó có đóng góp rất quan trọng của đội ngũ trí thức và văn nghệ sỹ. Câu nói "phí trí bất hưng" đúng với lịch sử và càng đúng với hiện tại ở Bắc Ninh. Giới văn nghệ sỹ trí thức ngày càng được coi trọng.
Chúng ta chào đón năm mới với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Năm 2013, năm thứ ba, Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18. Mục tiêu lớn đang được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh dồn sức thực hiện là “...đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020 ”.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, ngoài các chương trình, giải pháp đột phá đã được triển khai, cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể:
Một là, cần thống nhất quan điểm và nhận thức, xác định xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể. Gắn việc thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương.
Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” duy trì và phát triển thu hút sự tự giác tham gia của quần chúng nhân dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hoá văn nghệ, thu hút mọi nguồn lực xã hội tích cực tham gia vào phát triển sự nghiệp văn hoá. Nâng mức đầu tư cho văn hoá văn nghệ, đảm bảo tỷ trọng chi ngân sách cho văn hoá phải tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý trên các lĩnh vực thuộc ngành văn hoá. Coi trọng và gắn kết sự phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với phát triển các hoạt động du lịch và thể thao. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu tiên liên quan hỗ trợ đầu tư phát triển sự nghiệp văn hoá, nâng mức hỗ trợ hoạt động của văn nghệ sĩ; kịp thời động viên, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Tranh thủ các nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật.
Ba là, xây dựng đề án về việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tổ chức đồng bộ về thể chế, nguồn nhân lực, bộ máy để khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, các di tích lịch sử cách mạng và văn hoá hiện có ...
Trước mắt là việc đầu tư gắn kết quần thể di tích Văn Miếu với công viên và hồ điều hoà Văn Miếu, đưa di tích Văn Miếu thành trung tâm văn hoá - giáo dục truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài cho các thế hệ mai sau.
Bốn là, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó tập trung các giải pháp cho việc nâng cao trình độ thực chất về tin học, ngoại ngữ trong cán bộ, học sinh; Khuyến khích học tập chuyên sâu nhất là các ngành nghề phục vụ CNH-HĐH; Tiếp tục nâng tầm tư duy để chủ động tiếp cận với mô hình tỉnh Bắc Ninh công nghiệp và đô thị hiện đại; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong các tầng lớp, trước mắt là trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ cần sáng tạo nhữngtác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm với truyền thống; Tham gia giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra như: xây dựng văn hoá, tác phong công nghệp, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật .... Xây dựng cơ chế khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa học tập và giáo dục.
Năm là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo để tạo ra các công trình, các tác phẩm nghệ thuật tương xứng với vùng đất "Địa linh nhân kiệt " Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Môi trường sáng tạo rất quan trọng, xin trích dẫn một câu thơ đường nổi tiếng:
"Phong lai hoa tự vũ
Xuân đáo điểm năng ngôn"
Bên cạnh đó, rất cần sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành, các hội nghề nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức và các văn nghệ sỹ trên địa bàn tỉnh để xứng đáng với bề dày truyền thống và sự đóng góp xuất sắc, minh triết của các bậc tiên hiền trong lịch sử của tỉnh ta.
Thưa các quý vị đại biểu!
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tỉnh Bắc Ninh luôn trân trọng những cống hiến trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của các nhà khoa học, trí thức và các văn nghệ sỹ. Tôi mong rằng, với truyền thống hiếu học, trọng nhân nghĩa và ý trí kiên cường, các thế hệ hậu thế của Bắc Ninh sẽ không ngừng phấn đấu, vươn lên, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.
Một lần nữa, kính chúc các đồng chí và quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn:
BBN