Văn Miếu Bắc Ninh - Biểu tượng đất học vùng Kinh Bắc

23/02/2013 03:35
Bắc Ninh là một trong số rất ít địa phương trong cả nước hiện có Văn Miếu. Văn Miếu Bắc Ninh từ lâu đã trở thành niềm tự hào, là biểu tượng của vùng đất, vùng người Kinh Bắc hiếu học và khoa bảng.
Văn Miếu Bắc Ninh được đánh giá là một trong số ít văn miếu hàng tỉnh còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu với những tư liệu, hiện vật đặc trưng, hiếm có minh chứng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang của ông cha. Trải qua hàng trăm năm, Văn Miếu Bắc Ninh vẫn là một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, biểu tượng của tinh thần hiếu học vùng đất Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay.
 
Theo sử liệu ghi chép, vào năm 1893, cách đây đúng 120 năm, quan Đốc học Đỗ Trọng Vĩ đã bàn bạc và cho dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh từ núi Châu Sơn, Thị Cầu, khi ấy đã cũ nát về núi Phúc Đức-nơi trung tâm của tỉnh, cảnh quan thiên nhiên đẹp (nay thuộc Khu 10, phường Đại Phúc). Để chuẩn bị cho việc này, trước đó, vào năm Kỷ Sửu (1889) cụ Đỗ Trọng Vĩ đã cho khắc 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh 677 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
 
Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén. Tại đây thờ Khổng Tử, Tứ Phối (4 học trò giỏi của Khổng Tử) và 12 tấm bia lưu danh 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên). Điều đó khẳng định tinh thần hiếu học, bề dày truyền thống khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc xưa, đồng thời cho thấy giá trị tiêu biểu, độc đáo của Văn Miếu Bắc Ninh. Cùng với đó là những nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ đến các bậc tiên hiền tiên triết, tôn vinh những người có học vấn và cổ vũ tinh thần hiếu học vẫn được các thế hệ người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc bảo lưu, duy trì vào ngày Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) hàng năm.
 
Ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh khẳng định: So với các văn miếu hàng tỉnh khác thì Văn Miếu Bắc Ninh có nhiều giá trị độc đáo, nổi bật. Trước hết, phải thấy rằng, từ xưa đến nay, Văn Miếu Bắc Ninh luôn được đặt ở vị trí trang trọng, cảnh quan thiên nhiên đẹp trên vùng đất cao giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh, xung quanh là đồng bằng phì nhiêu màu mỡ. Những di vật đặc sắc của Văn Miếu Bắc Ninh hiện còn là 12 tấm bia đá lưu danh đầy đủ họ tên, chức tước, học hàm, học vị của 677 vị đại khoa.
 
Song giá trị lớn nhất của Văn Miếu Bắc Ninh không phải ở số lượng bia đá, nếu như Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội ghi danh các vị đại khoa thời Lê-Mạc, Văn Miếu Huế ghi danh các vị đại khoa thời Nguyễn thì Văn Miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi, khoa danh của 677 vị tiến sĩ từ thời Lý-Trần xuất thân từ mảnh đất văn hiến này như cụ Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang….
 
Xuyên suốt nhiều thế kỷ, truyền thống hiếu học vẻ vang của quê hương vẫn được duy trì bền vững và tiếp nối qua hàng trăm, hàng nghìn thế hệ. Hôm nay, Bắc Ninh đã có hàng chục Tiến sỹ, hàng trăm Thạc sỹ và nhiều người con thành danh trên đủ các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội… đang đóng góp tâm sức, trí lực trong công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Đặc biệt, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đặc biệt này vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, đầu tư trùng tu tôn tạo của các triều đại phong kiến xưa và các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh ngày nay. Tổng thể công trình Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay gồm: 5 gian Tiền tế, 5 gian Hậu đường, nhà Bi đình; Tiền đường, Hội đồng trị sự, Tạo soạn, Tả vu, Hữu vu, Tam môn, chính diện có bia bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký” khắc dựng năm 1928. Lần trùng tu gần đây nhất được đánh giá có quy mô lớn hơn cả vào năm 2002 với tổng mức kinh phí trùng tu lên đến hơn 10 tỷ đồng… Song, đó mới chỉ là chương trình bảo tồn về mặt cơ học.
 
Những năm gần đây, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, Hội những người học trên đại học của tỉnh Bắc Ninh đã được thành lập. Ngày rằm tháng giêng hàng năm, Hội tổ chức sinh hoạt khoa học tại Văn Miếu, thắp hương tưởng niệm các vị khoa bảng được tôn thờ ở di tích tiêu biểu này. Việc phát huy giá trị vật thể cũng như phi vật thể của Văn Miếu Bắc Ninh vẫn cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành chức năng để đầu tư xây dựng, mở rộng không gian Văn Miếu xứng tầm với bề dày truyền thống văn hiến, khoa bảng của vùng đất Bắc Ninh “địa linh nhân kiệt”.
Nguyên A Tuấn
Nguồn: BBN