Kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh từ sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Đức (1893 – 2013).
(BNP)- Sáng 23 - 2, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh đã trọng thể tổ chức kỷ niệm 120 năm dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh từ sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Đức (1893 – 2013).
Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm
Dự Lễ kỷ niệm có Tiến Sỹ Trần Văn Túy, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Tiến Sỹ Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đ/c trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TT HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo thành phố BN; các bậc tri thức, văn nghệ sỹ cùng đông đảo học sinh và giáo viên tiêu biểu trong tỉnh.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc và lịch sử khởi dựng, quá trình di chuyển, trùng tu, tôn tạo của Văn Miếu Bắc Ninh. Đồng thời là dịp để mỗi người thấy rõ hơn trách nhiệm chung tay, góp sức tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang của quê hương.
Văn Miếu Bắc Ninh nguyên nằm ở sơn phận Thị Cầu và được khởi dựng từ thời Lê. Năm 1802 Văn Miếu được tu bổ lần thứ nhất, năm 1844 xây dựng lại, năm Kỷ Sửu (1889) khắc 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”. Đến năm Quý Tỵ (1893), Quan đốc học tỉnh Bắc Ninh Đỗ Trọng Vỹ đã bàn với các vị quan chức đầu tỉnh cho dời chuyển Văn Miếu từ núi Thị Cầu về xây dựng trên núi Phúc Đức huyện Võ Giàng (nay thuộc Khu 10, phường Đại Phúc, thành phố BN). Năm 1928, Văn Miếu Bắc Ninh tiếp tục được sửa chữa và khắc bia đá dạng bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký”.
Văn miếu là công trình tín ngưỡng thờ Khổng Tử, Tứ Phối và thờ 677 vị khoa bảng của quê hương BN – Kinh Bắc. Trải qua các triều đại phong kiến đến nay, nhất là sau 15 năm tái lập tỉnh, Văn Miếu Bắc Ninh luôn được sự quan tâm, đầu tư tôn tạo. Gần đây nhất, năm 2002, BN đã đầu tư gần 12 tỷ đồng cho việc xây dựng, phục hồi, trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu trên tổng diện tích hơn 10 nghìn m2. Khu di tích Văn Miếu đã và đang trở thành trung tâm của các hoạt động văn hóa, giáo dục có ý nghĩa sâu sắc.
Phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương, giáo dục và đào tạo của Bắc Ninh luôn đứng trong tốp 10 tỉnh có phong trào giáo dục mạnh của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 31 Tiến sỹ, 1025 Thạc sỹ hiện đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn.
Tại Lễ kỷ niệm, Tiến Sỹ Trần Văn Túy, UVTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu nhấn mạnh giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của Văn Miếu Bắc Ninh nói riêng, truyền thống nghìn năm khoa bảng của vùng Kinh Bắc nói chung. Đặc biệt là những đóng góp của các vị tiên hiền, tri thức khoa bảng, nho học… trong công cuộc dựng nước, giữ nước, kiến tạo non sông gấm vóc của Tổ quốc Việt Nam và quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.
Nguồn:
BBN