Bánh phu thê Minh Thu - Đậm đà hương vị quê hương

26/10/2021 13:45

(BNP) - Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, nơi phát tích vương triều Lý, nơi đây không chỉ là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, cách mạng mà còn nức tiếng du khách gần xa bởi đặc sản truyền thống bánh phu thê có từ bao đời nay. Cơ sở bánh phu thê Minh Thu, khu phố Thượng, phường Đình Bảng hơn 30 năm qua vẫn miệt mài gìn giữ, phát triển nghề làm bánh truyền thống của quê hương.

Cô Nguyễn Thị Thu cùng chồng đang gói bánh phu thê.

Tương truyền, tên gọi bánh phu thê có từ thời vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra biên cương cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê (bánh chồng vợ). Kể từ đó Đình Bảng có thêm nghề làm bánh phu thê truyền thống.

Cô Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở bánh phu thê Minh Thu cho biết: “Nhiều nơi làm bánh phu thê, nhưng bánh ở Đình Bảng nói chung, bánh của cơ sở Minh Thu nói riêng vẫn mang hương vị riêng. Muốn có bánh ngon, nguyên liệu phải tươi, tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, xay nhuyễn, lọc lấy bột đem phơi khô, sau đó nhàu với đu đủ xanh nạo nhỏ, dùng nước màu tự nhiên của quả dành dành cho ra vỏ bánh. Đậu xanh nấu nhuyễn thêm đường kính trắng, cho lượng nước vừa đủ, khi thấy bột dẻo, dai, mịn là được nhân bánh chuẩn”.

Bánh phu thê được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng là lớp lá dong. Bánh được gói thành từng cặp, dùng dây lạt đỏ buộc lại, tượng trưng cho sợi tơ hồng gắn kết tình nghĩa vợ chồng keo sơn. Gói xong, đem hấp cách thủy từ 30 - 40 phút tùy độ to, nhỏ của bánh là chín, sau đó vớt ra để nguội, ráo nước. Bánh để được trong vòng 3 ngày trong điều kiện bình thường.

Sản phẩm bánh phu thê Minh Thu được nhiều người tin dùng.

Bánh phu thê đạt tiêu chuẩn có hình thức vuông vắn, đều nhau, có màu xanh tự nhiên của lá chuối, màu hồng của dây lạt, bóc ra, bánh có màu vàng và nhìn được cả những sợi đu đủ. Ăn một miếng bánh, thực khách cảm nhận được vị giòn của đu đủ, vị dẻo, thơm của bột nếp, vị ngọt nhẹ của đường kính, vị béo bùi của đậu xanh, dừa hòa quyện…

Cơ sở sản xuất bánh phu thê Minh Thu được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; năm 2019 được cấp Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh phu thê Đình Bảng”. Hiện, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 300 - 400 cặp bánh phu thê, bán với giá từ 25.000 - 50.000 đồng/cặp, tùy từng loại, chủ yếu cung cấp cho khách trong vùng, tạo việc làm ổn định cho 05 lao động với mức thu nhập từ 250 - 300 nghìn đồng/người/ngày.

Bánh phu thê Minh Thu thành phẩm.

Cùng với cơ sở bánh phu thê Minh Thu, hiện nay trên địa bàn phường Đình Bảng có khoảng 50 hộ chuyên làm bánh phu thê, cung cấp cho khách hàng trong và ngoại tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang… Đặc biệt, du khách mỗi khi về Đền Đô dâng hương, vãn cảnh đều mua một vài cặp bánh phu thê - đặc sản truyền thống của quê hương Triều Lý để làm quà cho người thân.

Cô Nguyễn Thị Thu chia sẻ, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhất là vào ngày lễ, tết, cưới hỏi, với cách thức làm bánh thủ công truyền thống của gia đình như hiện nay không thể đáp ứng hết được nhu cầu của khách hàng. Việc tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh (OCOP) năm 2021, cô Thu mong muốn có thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đưa thương hiệu bánh phu thê Đình Bảng nói chung, bánh Minh Thu nói riêng ngày càng vươn xa. 

H.T