Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại địa điểm Ao Mộ, khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc
(BNP) – Sáng 28/10, tại Nhà Văn hóa Khu phố Niềm Xá (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại địa điểm Ao Mộ (khu phố Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (đứng giữa) nghe giới thiệu di vật quý sau khai quật.
Tham dự có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; thành phố Bắc Ninh.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật khảo cổ học tại địa điểm Ao Mộ, khu phố Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Đoàn đã mở hai hố khai quật tại gò Con Cá với diện tích 42m2 và khu vực lòng ao ven bờ phía Nam với diện tích 30m2.
Tại gò Con Cá phát hiện dấu tích vật chất đầu tiên của con người cư trú bắt đầu xuất hiện dưới thời Trần với sự xuất hiện khá nhiều và đa dạng các loại lò gốm men ngọc, gốm men trắng vẽ lam, gốm celadon có nguồn gốc Trung Quốc... cùng các loại ngói lợp kiến trúc khác nhau. Ngoài ra, còn phát hiện nhiều đồ sành, gốm men, các mảnh ống lò thời Lê Trung hưng vẫn còn dính xỉ lò trên bề mặt; địa tầng có mật độ xỉ lò, xỉ than xuất lộ dày đặc.
Tại khu vực lòng ao ven bờ phía Nam, đoàn phát hiện lò gốm có quy mô không quá lớn, được tạo dựng bằng cách đào vào nền đất sét tự nhiên và sử dụng đất sét tại chỗ để đắp. Dựa trên di vật tìm được, đoàn khai quật xác định lò gốm Niềm Xá có niên đại Lê Trung hưng, thế kỷ XVII - XVIII. Đáng chú ý đã phát hiện đồ gốm cao cấp thuộc đồ ngự dụng giống như ở Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ như: Đế bát gốm men vỏ trứng trắng mỏng, thấu quang…
Hiện trường khai quật khảo cổ học.
Sau 1 tháng tiến hành khai quật, đoàn đã thu thập được khoảng 600kg mảnh gốm sành, sứ... Qua khai quật và nghiên cứu tại địa điểm Ao Mộ đã cung cấp tư liệu vật chất quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến sự xác thực và tính chất, niên đại và quy mô của các di tích nằm trong địa điểm này. Tuy nhiên do diện tích khai quật nhỏ, thời gian ngắn, tính chất khai quật khẩn cấp, dấu vết di tích địa điểm Ao Mộ chưa được nghiên cứu. Do đó, một số vấn đề tại địa điểm Ao Mộ và các khu vực xung quanh vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Đoàn khai quật kiến nghị tỉnh thực hiện ngay công tác bảo vệ di tích, mở rộng thu thập tư liệu, nghiên cứu và khai quật khảo cổ học địa điểm Ao Mộ. Trước mắt, lấp đất, xây kè, đánh dấu bảo vệ di tích; xây dựng hồ sơ di tích cho địa điểm Ao Mộ, đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh và chuẩn bị hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể và dài hạn trong tương lai để có thể đưa Niềm Xá vào trong bản đồ các làng gốm truyền thống tại Bắc Ninh và Việt Nam.