Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2020
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 quý III ước đạt 33.588 tỷ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%, chủ yếu do chăn nuôi lợn đang từng bước được phục hồi và gia tăng tái đàn. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp vẫn giảm 6,5% (quý II giảm 9,6%), nên đã kéo tăng trưởng của tỉnh sụt giảm. Trong khi đó, các ngành dịch vụ đã có dấu hiệu khả quan hơn với một số ngành then chốt tăng trưởng ở mức trên 5% và đã bù đắp được một phần mức giảm của các ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ, nên tính chung tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 4,2%. Tính chung 9 tháng, GRDP theo giá so sánh 2010 ước đạt 88.077 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) giảm 2,6% và làm giảm 0,08 điểm phần trăm tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) giảm 2,5% và làm giảm 1,86 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực dịch vụ, giảm 0,1% và làm giảm 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng. Riêng thuế sản phẩm tăng 0,5% và đóng góp tăng 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng.
2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
2.1. Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 21.562,7 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, thu nội địa 17.037,2 tỷ đồng, đạt 74,9% dự toán, giảm 2,8% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW 882,6 tỷ đồng đạt 60,9% và giảm 86,4%; thu từ DNNN có vốn đầu tư nước ngoài 6.105,3 tỷ đồng, đạt 64,9% và giảm 7,4%; thu từ hải quan 4.525,4 tỷ đồng, đạt 68,9% dự toán, giảm 2,2% so cùng kỳ...Về chi NSNN 9 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Luỹ kế 9 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 14.187,2 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
2.2. Ngân hàng - Tín dụng
Hiện các mức lãi suất huy động phổ biến từ 0,1%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay từ 5,0-11,5%/năm. Tính đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động đạt 164.000 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 31,6% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 92.500 tỷ đồng, tăng 6,4% và tăng 3,3%. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 63,7%, tăng 9% và tăng 5,2%. Nợ quá hạn là 1.385 tỷ đồng, tăng 37,9%, tăng 35,8%, tăng 38,4% và chiếm 1,5%/tổng dư nợ.
2.3. Bảo hiểm
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có 1.354,3 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 95,8% dân số; so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,3% về số người tham gia và tăng 3,4% về tỷ trọng so với dân số. Trong tổng số, có 1.345,7 nghìn người tham gia BHYT, tăng 6,1%; 426 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 13,6%; 415,4 nghìn người đóng BHTN, tăng 18,1%. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 6.434 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 1.365,8 tỷ đồng, tăng 20,7%; thu BHXH bắt buộc là 4.669,4 tỷ đồng, tăng 17,1%. 9 tháng, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 3.081,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 2.372,6 tỷ đồng, tăng 3,5%; chi từ ngân sách nhà nước 708,7 tỷ đồng, giảm 5,7%.
3. Tình hình giá cả, lạm phát
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,35% so với tháng trước và tăng 4,21% so với cùng tháng năm trước. Nguyên nhân làm cho CPI giảm so với trước chủ yếu do: (i) Nhóm thực phẩm giảm 1,08%, nhất là thịt gia súc và gia cầm tươi sống đồng loạt giảm tương ứng là -4,5% và -1,02%; trong đó giảm mạnh nhất là giá thịt lợn (-5,48%) do dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát và các cơ sở chăn nuôi, trang trại mở rộng quy mô tái đàn, lượng cung ra thị trường dồi dào hơn; (ii) Do xăng, dầu được điều chỉnh vào ngày 11/9 (giá xăng giảm 130,14 đ/lít, giá dầu diezen giảm 450 đ/lít) đã kéo nhóm nhiên liệu giảm 0,12%. Cộng thêm thị trường ô tô ồ ạt giảm giá để kích cầu tiêu dùng, nên nhóm phương tiện đi lại giảm 3,88%, trong đó chỉ số giá ô tô mới giảm tới 8,19% và tính chung chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,3%. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 4,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng, gồm: (1) Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 16,34%; (2) May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 3,3%; (3) Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,2%; (4) Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,48%; (5) Giáo dục tăng 0,42%; (6) Hàng hoá khác tăng 2,68%. Có 5 nhóm có chỉ số giảm: Đồ uống và thuốc lá giảm 0,97%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 2,59%; Giao thông giảm 10,67%; Bưu chính viễn thông giảm 0,8%; Văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,21%.
3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Tháng 9, giá vàng tuy giảm nhẹ (-0,13%) so với tháng trước, nhưng vẫn tăng cao (+28,66%) so với cùng tháng năm trước, do chịu tác động lớn của giá vàng thế giới. Tính chung quý III, giá vàng tăng 1,78% so với quý II và tăng tới 29,63% so với quý III/2019. Sau 9 tháng, giá vàng bình quân tăng 25,89% so với cùng kỳ và cùng xu hướng biến động với giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá USD vẫn ổn định so với tháng trước và chỉ tăng 0,03% so với cùng tháng năm trước, do thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tính chung quý III, giá USD giảm 0,56% so với quý trước và giảm 0,02% so với quý III/2019; sau 9 tháng, giá USD chỉ tăng 0,21% so với cùng kỳ năm trước.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Vốn đầu tư phát triển
Tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân ngân sách địa phương đạt 68%; trong đó ngân sách cấp tỉnh đạt 52,8%. Tính chung 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 51.470,3 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước thực hiện 4.966,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,6% và tăng 34,2% so với cùng kỳ. Nguồn vốn ngoài nhà nước, thực hiện 18.918,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,6% và giảm 9,3% so với cùng kỳ. Nguồn vốn khu vực này tập trung chủ yếu đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, nhà ở,…Vốn đầu tư trực tiếp ngoài, ước thực hiện 26.945,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (52,4%) và tăng 1% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu là đầu tư nhà xưởng sản xuất và mua sắm máy móc thiết bị.
4.2. Tình hình cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tính từ ngày 01/01 đến ngày 20/9/2020, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 128 dự án với tổng vốn đầu tư 352,4 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.602 dự án FDI được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 19.643,5 triệu USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số dự án và vốn đầu tư với 1.201 dự án và 16.055 triệu USD vốn đầu tư; tiếp theo là các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong 8 tháng đã có 1.630 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 16 nghìn tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,3% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 2% về vốn đăng ký. Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến ngày 28/8, toàn tỉnh có 12.622 DN độc lập và 991 chi nhánh DN đang thực hiện nghĩa vụ NSNN; so với cùng kỳ năm trước tăng 11,9% về số DN độc lập và tăng 6,6% số chi nhánh. Trong 8 tháng, toàn tỉnh có 521 DN (trong đó có 37 chi nhánh và 5 DN FDI) tạm ngừng SXKD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước và có 625 DN giải thể, tăng 65,4%.
5.2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Qua khảo sát 200 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý III/2020 so với quý II/2020; có 43,02% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh trong quý III tốt hơn so với quý II; 27,93% cho rằng giữ ổn định và có tới 29,05% đánh giá là khó khăn hơn. Chia ra, theo khu vực doanh nghiệp Nhà nước tỷ lệ doanh nghiệp khẳng định tốt lên là 42,86%; giữ nguyên là 42,86% và khó khăn hơn 14,29%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ tương ứng là 51,16%; 26,74% và 22,09%; khu vực doanh nghiệp FDI là 34,88%; 27,91% và 37,21%. Dự báo quý IV so với quý III năm 2020, xu hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có dấu hiệu khả quan hơn. Trong đó, có 39,66% doanh nghiệp đánh giá sản xuất tốt lên; 48,04% sản xuất ổn định và 12,29% sản xuất khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tỷ lệ là 42,86%; 42,86%, và 14,29%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 40,7%; 52,33% và 6,98%. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 38,37%; 44,19% và 17,44%.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: Tính chung, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 34.443,8 ha, giảm 2,6% so với cùng vụ năm trước. Trong đó, lúa mùa là 31.553,2 ha, giảm 2,8% (-899,3 ha), năng suất ước đạt 59 tạ/ha, giảm 1% (-0,5 tạ); sản lượng ước đạt trên 186,2 nghìn tấn, giảm 3,6% (-7,1 nghìn tấn). Cây ngô, diện tích gieo trồng đạt 251,2 ha, giảm 10,1% (-30,8 ha); năng suất ước đạt 50 tạ/ha, tăng 1,5% (+0,7 tạ/ha); sản lượng ước đạt 1.256,8 tấn, giảm 9,6% (-133,2 tấn). Cây rau các loại, diện tích gieo trồng 2.044,4 ha, tăng 6,6% (+127,2 ha); năng suất ước đạt 238,8 tạ/ha, giảm 6% (-15,2 ha); sản lượng ước đạt trên 48,8 nghìn tấn, tăng 0,2% (+121,1 tấn). Sản xuất cây lâu năm: Tính đến 30/9/2020, diện tích cây lâu năm là 2.487,7 ha, tăng 2% (+49,5 ha) so vớí cùng kỳ năm trước; với các loại cây trồng chủ yếu là chuối, nhãn, vải thiều, bưởi, cam,...Trong đó, cây chuối diện tích hiện có là 1.017 ha tăng 3,8% (+37 ha), sản lượng thu hoạch đạt 22.811 tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ; cây cam diện tích hiện có là 100,8 ha, tăng 1,8% (+2 ha), sản lượng thu hoạch đạt 420 tấn, tăng 2,3%; cây bưởi diện tích hiện có 243,5 ha, tăng 0,5% (+1,1 ha), sản lượng đạt 1.460 tấn, tăng 3,1%; cây cảnh diện tích hiện có là 180,9 ha, tăng 3,1% (+5,5 ha) so với cùng thời điểm năm trước.
b) Chăn nuôi và công tác thú y
Chăn nuôi: Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có 2.800 con trâu, tăng 2,5% (+68 con) so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 27.482 con, giảm 2,0% (-568 con); đàn lợn ước đạt 209.185 con, tăng 19,6% (+34.317 con); đàn gia cầm đạt 5.872 nghìn con, tăng 3,1% (+173,3 nghìn con). Trong đó, đàn gà đạt 4.697 nghìn con, tăng 3,2% (+145,6 nghìn con). Về sản lượng xuất chuồng: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 157 tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi ước đạt 1.479 tấn, giảm 1,4%; thịt lợn hơi ước đạt 27.749 tấn, giảm tới 28%; thịt gia cầm hơi ước đạt 14.981 tấn, tăng 1,7%.
Công tác thú y: Từ ngày 05/02 đến ngày 08/3/2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại 09 hộ, 05 thôn, khu phố thuộc địa bàn của 04 xã và 01 phường của 5 huyện, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và Gia Bình làm 17.485 con gia cầm mắc bệnh buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 34.306,2 kg. Từ ngày 03/4 đến ngày 15/8/2020 trên địa bàn huyện Thuận Thành đã xảy ra 2 ổ dịch tai xanh tại 2 hộ của 2 thôn và 2 xã làm 36 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng 2.136 kg; xảy ra dịch bệnh DTLCP tại 7 hộ, ở 6 thôn của 5 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Yên Phong, Thuận Thành và Thành phố Bắc Ninh làm 196 con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 3,6 tấn. Ngày 28/8/2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch LMLM tại thôn Đồng Chuế, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, làm 03 con gia súc (02 con bò, 01 con bê) của 03 hộ chăn nuôi mắc bệnh, nhưng đã được kiểm soát và không có dấu hiệu lây lan. Công tác phòng, chống dịch được duy trì thực hiện nghiêm túc và đồng bộ trên địa bàn tỉnh, kể cả những nơi có ổ dịch đã qua 30 ngày. Tính đến ngày 15/9/2020, toàn tỉnh đã sử dụng 44.820 lít hóa chất và 1.908,2 tấn vôi bột cho công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm.
6.2. Lâm nghiệp
9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã trồng rừng được 8,5 ha rừng trồng tập trung; diện tích rừng được chăm sóc là 109 ha, bằng 89,3% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 350,8 ha, bằng 101,1%, cây lâm nghiệp trồng phân tán 136 nghìn cây, đạt 90,7% kế hoạch và bằng 82,9% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác được 3.009 m3 gỗ, giảm 2,5% (-77 m3); khai thác củi đạt 3.622 ste, giảm 5,9% (-228 ste).
6.3. Thuỷ sản
Đến nay, toàn tỉnh có 160 hộ nuôi cá lồng trên sông, với số lượng lồng nuôi là 2.062 lồng, tăng 3,62% (+72 lồng) so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến cuối tháng 9, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.178,6 ha, tương đương so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá 5.005 ha chiếm đến 96,7%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 28.545 tấn, tăng 1,2% (+337,6 tấn). Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 884 tấn, giảm 2,3% (-20,5 tấn); sản lượng nuôi trồng ước đạt 27.661 tấn, tăng 1,2% (+358,1 tấn).
7. Sản xuất công nghiệp
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 4,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 2,8% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,6% và giảm 2,8%; ngành phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước giảm 3,7% và tăng 9,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,8% và giảm 10,4%. Tính chung 9 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,1%; ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 8,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 15,3%.
7.2. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ: Tháng 9, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giảm 14,3% so với tháng trước và giảm 11,8% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước có tới trên 50% số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ vẫn giảm 11,5% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho: Tháng 9, chỉ tồn kho chung giảm 4,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 64,8% so với cùng tháng năm trước.
7.3. Sản phẩm công nghiệp
Tháng 9, một số mặt hàng có lượng sản xuất tăng so với tháng trước và so cùng tháng năm trước như: sữa và kem (+12,6% và +13,9%); thức ăn gia súc (+1,6% và +28,5%); giấy và bìa (+2% và +9,5%); pin điện thoại (+3,3% và +42,1%). Lũy kế 9 tháng, nhiều sản phẩm chủ lực có lượng sản xuất giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, như: vải tuyn (-27,6%); quần áo (-26,2%); thức ăn gia súc (-3,1%); sắt thép dùng trong xây dựng (-22%); máy in (-1,8%); điện thoại di động thường (-20%); điện thoại thông minh (-9,4%); màn hình điện thoại, tivi (-16,9%); pin điện thoại (-16,7%); bình đun nước nóng (+17,8%); tủ gỗ (-26,4%); bàn ghễ gỗ (-39,7%),.. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền (+10,9%); giấy và bìa (+12,7%); dược phẩm có chứa vitamin (+53,2%); đồng hồ thông minh (+81,6%);…
7.4. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
9 tháng năm 2020, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải đạt xấp xỉ so với cùng kỳ. Phân theo loại hình doanh nghiệp, khu vực nhà nước giảm 3,7%; khu vực ngoài nhà nước giảm 3,1%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,6%.
8. Thương mại, dịch vụ
8.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 4.967,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý III, tổng doanh thu ước đạt 14.676,2 tỷ đồng, tăng 25,1% so với quý trước và giảm 2% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 42.588,7 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
a) Bán lẻ hàng hóa
9 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.361 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Trong 13 nhóm hàng hóa, ngoài 2 nhóm hàng ô tô các loại và đá quý kim loại quý tăng, còn lại 11 nhóm hàng có chỉ số giảm với mức giảm từ 2,1-27,1%. Một số mặt hàng thiết yếu giảm, như: lương thực, thực phẩm (-2,1%); may mặc (-18,4%); đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình (-12,4%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (-18,8%); gỗ và VLXD (-17,4%); phương tiện đi lại (-27,1%); xăng dầu các loại (-24,7%)…
b) Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác
Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 15.571,8 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ ăn uống giảm 16,8%, dịch vụ lưu trú giảm 30,4%, dịch vụ du lịch lữ hành giảm 54,4%.
8.2. Hoạt động ngoại thương
a) Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9 ước đạt 4.634,9 triệu USD, tăng 18,9% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26.130,6 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực FDI với kim ngạch đạt 25.942,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 99%, tăng 6,4%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 187,9 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần.
b) Nhập khẩu
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 3.808 triệu USD, tăng 19% so tháng trước và tăng 24,6% so cùng tháng năm trước. Sở dĩ, nhập khẩu tăng cao là do các DN FDI mà chủ yếu là doanh nghiệp SEV và SDV đang tập trung nhập các loại linh kiện, nguyên liệu để sản xuất hàng loạt các sản phẩm điện thoại mới Samsung Galaxy Note 20, R180 Galaxy Buds và các sản phẩm phụ kiện đi kèm. Lũy kế 9 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22.641,7 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
8.3. Vận tải, kho bãi và du lịch
a) Hoạt động vận tải
Vận tải hành khách: tháng 9 khối lượng vận chuyển ước đạt 1,7 triệu HK, tăng 3,9% so với tháng trước và nhưng vẫn giảm sâu (-34,8%) so với cùng tháng năm trước; luân chuyển ước đạt 78,2 triệu HK.km, tăng 5,8% và giảm 32,1%. Tính chung quý III, toàn tỉnh vận chuyển 5,3 triệu HK, tăng 54,6% so với quý trước và giảm 29,9% so với quý III/2020; luân chuyển 232,1 triệu HK.km, tăng 56,2% và 30,9%. Doanh thu vận tải hành khách quý III ước đạt 312,5 tỷ đồng, tăng 50,1% và giảm 33,3%. Lũy kế 9 tháng, khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 12,1 triệu HK, giảm 38,8% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 593,8 triệu HK.km, giảm 35,9%; doanh thu đạt 823,3 tỷ đồng, giảm 19,3%.
Vận tải hàng hóa, tháng 9 khối lượng vận chuyển ước đạt 3,4 triệu tấn, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 173,3 triệu tấn.km, tăng 1,6% và giảm 0,6%. Tính chung quý III, toàn tỉnh vận chuyển 12,6 triệu tấn, tăng 29,1% so với quý trước và tăng 25,9% so với quý III/2020; luân chuyển 426,9 triệu HK.km, tăng 23,7% và giảm 16,3%. Doanh thu vận tải hàng hóa quý III ước đạt 739,1 tỷ đồng, tăng 22,9% và tăng 2,2%. Sau 9 tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 27 triệu tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 1.362 triệu tấn.km, giảm 7,1%; doanh thu đạt 1.993,6 tỷ đồng, giảm 4,6%.
b) Du lịch
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ những tháng đầu năm nên lượng khách đến Bắc Ninh trong 9 tháng đầu năm ước đạt 530 nghìn lượt khách chỉ đạt 32% kế hoạch năm 2020 và giảm 56% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 378 tỷ đồng, đạt 34% và giảm 57%. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh có hơn 680 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
9. Các lĩnh vực xã hội
9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Trong bối cảnh chung với những tác động của dịch Covid-19, việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, để giảm bớt kho khăn cho người lao động, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Ở khu vực nông thôn, sản xuất được mùa, giá sản phẩm đầu ra giữ ở mức cao, nông dân có lãi; nuôi trồng thủy sản phát triển. Vì thế, đời sống nông dân Bắc Ninh trong 9 tháng năm ổn định và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng DN cùng chia sẻ, hỗ trợ cả về giá trị và hiện vật.
9.2. Lao động và việc làm
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 20.815 lao động, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Thẩm định, giải quyết cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm 3.046 lao động có thu nhập ổn định. Tổng nguồn vốn cho vay đến thời điểm hết tháng 9/2020 có trên 255 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay 145,6 tỷ đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch covid-19; đồng thời hướng dẫn cấp huyện, cấp xã rà soát người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 đề nghị hỗ trợ kinh phí theo quy định. Kết quả thực hiện đến ngày 16/9/2020, có 7/8 huyện, thị xã với 545 người được hưởng chính sách hỗ trợ, với số tiền 545 triệu đồng.
Triển khai kế hoạch đào tạo nghề năm 2020, kết quả tuyển sinh 26.667 người, trong đó hệ cao đẳng 640 người, trung cấp 643 người, sơ cấp 22.311, dưới 3 tháng 3.073 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn tổ chức được 36 lớp, hỗ trợ học nghề cho 1.119 người.
9.3. Giáo dục - Đào tạo
Năm học 2019-2020, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Bắc Ninh có 64/72 học sinh dự thi đạt giải, đạt tỉ lệ 88,9% và đứng thứ 3 toàn quốc về chất lượng giải, 1 học sinh đoạt huy chương Đồng Olympic Vật lý quốc tế tại châu Âu và 1 học sinh được dự thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương. Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, toàn tỉnh có 98,81% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong đó điểm bình quân 3 môn thi khối A của thí sinh Bắc Ninh đều xếp thứ hạng cao toàn quốc. Bước vào năm học 2020-2021, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại: tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 99,3%; 100% trường mầm non và phổ thông công lập của tỉnh đều đạt chuẩn Quốc gia; toàn tỉnh có 501 trường mầm non và phổ thông với gần 350 nghìn trẻ mầm non và học sinh các cấp. Đội ngũ cán bộ giáo viên của tỉnh cũng đồng bộ và chuẩn mực. Toàn ngành GD-ĐT hiện có 16.890 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong biên chế. Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đạt 89,58%, và đạt trên chuẩn là 27,35%. Riêng Giáo dục THPT, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chiếm 100% và trên chuẩn (trình độ Thạc sĩ) chiếm 41,73%.
9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
9 tháng đầu năm, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, hoạt động y tế được tăng cường ở tất cả các tuyến y tế, nhất là y tế cơ sở. Với tinh thần chủ động và phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), Bắc Ninh đã sớm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh an toàn và hiệu quả. Công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh cũng chủ động trong các hoạt động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh sốt xuất huyết đang lây lan nhanh. Từ ngày 1/7 đến ngày 9/9, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch tại Quế Võ; Lương Tài và thành phố Bắc Ninh và đã có 18 trường hợp mắc bệnh. Ngay sau khi nhận được tin báo, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố điều tra dịch tễ, giám sát, tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng, xử lý môi trường theo đúng quy định. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh đảm bảo tốt nhu cầu của nhân dân với nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, quy trình, thủ tục khám chữa bệnh được cải tiến, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh cho 1.308 lượt người (giảm 13,2 nghìn lượt so với cùng kỳ). Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, quản lý thai nghén, đảm bảo 100% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; thực hiện tốt các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện hiệu quả chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tổng số trẻ sinh ra 9 tháng đầu năm là 12.485 trẻ (giảm 382 trẻ so với cùng kỳ); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 29,5% tăng 2,9% so với cùng kỳ; tỷ lệ trẻ sinh ra là con của phụ nữ dưới 20 tuổi là 2,8%. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao
Trong 9 tháng, hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng: tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng thiết thực. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt là ở những môn trọng điểm, tăng cường hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế. Công tác đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế: đăng cai tổ chức thành công Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia vòng 1 năm 2020 tại tỉnh Bắc Ninh. Triển khai các điều kiện đăng cai tổ chức Giải vô địch Karate quốc gia và Giải vô địch trẻ Karate quốc gia năm 2020.
Trong 9 tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Bắc Ninh đã thực hiện 2.832 chương trình phát thanh với 4.521 giờ; xây dựng và sản xuất 4.054 chương trình truyền hình với 6.576 giờ. Thực hiện 810 chương trình truyền hình trực tuyến với 540 chương trình truyền hình và 270 chương trình phát thanh. Tổng số lượt người truy cập là 672.000 lượt. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 24/01/2020 trong các bản tin Đài PTTH Bắc Ninh đã dành thời lượng từ 10-15 phút để tuyên truyền về việc phòng, chống dịch bệnh. Tính đến 15/9, Đài PTTH tỉnh đã tổ chức sản xuất, phát sóng được 25 clip, phóng sự ngắn và trên 400 tin tức thời sự về dịch Covid-19.
9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Tính từ ngày 16/12/2019 đến 15/9/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 389 vụ phạm pháp hình sự và bắt giữ 489 vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy với 843 đối tượng, thu 12.966 gam ma tuý các loại.
An toàn giao thông: Tháng 9, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNGT làm 6 người chết và 2 người bị thương; xử phạt 2.207 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 66 vụ TNGT đường bộ, làm chết 51 người và bị thương 24 người.
9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy nổ, làm 1 người chết và gây thiệt hại về kinh tế gần 15 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, không tăng về số vụ, nhưng tăng 1 người chết. Tính từ ngày 16/12/2019 đến 15/6/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 462 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã xử lý 392 vụ và thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 5,8 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 40 vụ vi phạm, tăng 65 vụ bị xử lý và tăng 0,9 tỷ đồng.