Cầu nối đưa thông tin về cơ sở

08/11/2019 16:28

(BNP) – Một ngày cuối tháng 10, tôi được tham gia cùng cán bộ, diễn viên Đội tuyên truyền lưu động (Trung tâm Văn hóa tỉnh) thực hiện tuyên truyền về an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Đông Cứu, huyện Gia Bình. Sau khi “mục sở thị” đã phần nào lý giải cho tôi về sức hút của những chương trình tuyên truyền lưu động tại cơ sở.

Một tiểu phẩm do Đội tuyên truyền lưu động thực hiện tại Trường Tiểu học Đông Cứu.

Chị Đào Thị Miền, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động chia sẻ, mặc dù trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… nhưng các chương trình tuyên truyền lưu động hiện nay vẫn thu hút đông đảo người dân. Đơn giản vì xem chương trình thực tế người dân được trực tiếp nhìn thấy diễn viên, được giao lưu với các diễn viên và được sống trong bầu không khí của cộng đồng, đó là cảm xúc thật, gần gũi, chân thành mà không phương tiện thông tin đại chúng nào có thể thay thế được.

Có lẽ đúng như lời chị Miền chia sẻ, sân trường Tiểu học Đông Cứu chật kín học sinh xếp hàng ngay ngắn, từ học sinh lớp 1 đến lớp 5 và cả các thầy cô giáo đều chung sự háo hức chờ đợi buổi biểu diễn của Đội tuyên truyền lưu động. Thầy Nguyễn Hải Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Buổi biểu diễn nằm trong kế hoạch ngoại khóa của nhà trường, học sinh được tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức mới mẻ, sinh động, tạo không khí hào hứng sôi nổi. Các tiểu phẩm gắn liền với cuộc sống, các bài hát giao thông, nhất là các kỹ năng khi tham gia giao thông... giúp các em dễ dàng nhận biết và xử lý các tình huống khi tham gia giao thông, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, tuân thủ quy định Luật Giao thông đường bộ, xây dựng một môi trường học tập tích cực, an toàn, văn minh.

Theo kế hoạch, trong tháng 10, 11/2019, Đội tuyên truyền lưu động sẽ phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh thực hiện chương trình ca, múa, nhạc, kịch tuyên truyền về an toàn giao thông với chủ đề “An toàn giao thông – Cho nụ cười ngày mai” tới 35 trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua các ca khúc, tiểu phẩm ý nghĩa về văn hóa giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông sẽ truyền tải đầy đủ nội dung về trách nhiệm của người tham gia giao thông, như phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy; học sinh chưa đủ tuổi không được đi xe gắn máy; các quy định về làn đường, phần đường và các tín hiệu đèn...

Hàng năm, dưới sự chỉ đạo và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đội tuyên truyền lưu động chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền sát với thực tế của địa phương với những hình thức sinh động, phong phú như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan (xe tuyên truyền, triển lãm ảnh) và văn nghệ cổ động, kịch ngắn, mang đến cho công chúng nhiều thông tin bổ ích, thiết thực theo từng chủ đề khác nhau như: 
các chính sách mới của Trung ương, tỉnh; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh cũng như các phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; an toàn giao thông; phòng, chống ma túy… 
 

Chương trình biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ tại xã Hoài Thượng (Thuận Thành).

Trung bình mỗi năm, Đội tuyên truyền lưu động phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội tỉnh, Sở Y tế, Hội Phụ nữ… thực hiện khoảng 120 buổi biểu diễn tại cơ sở, tuyên truyền theo chủ đề: Nông thôn mới tại các phường Đại Phúc, Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã Tân Lãng, Trung Chính, Phú Lương (Lương Tài); chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống các tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy đến với cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh... thu hút hàng nghìn lượt người xem. Đội cũng tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của tỉnh như: kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10... Ngoài ra, thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền bằng xe loa tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.
 
Hiện nay, Đội có 14 tuyên truyền viên, mỗi tuyên truyền viên có thể vừa viết kịch bản, đọc tài liệu tuyên truyền, vừa múa hát, diễn kịch và nhiều năng khiếu khác. Họ luôn tìm tòi, mang đến sự mới mẻ trong từng chương trình tuyên truyền và phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Tuy nhiên tuyên truyền lưu động là công việc vất vả vì hay phải đi công tác xa. Trong khi đó, các chương trình biểu diễn thường được tổ chức vào buổi tối, hoặc đi từ sáng sớm nên các nam nữ diễn viên phải cố gắng hết sức vừa để hoàn thành tốt công việc của Đội, vừa đảm bảo hoàn thành tốt trách nhiệm với gia đình. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân ngày càng có nhiều kênh để tiếp cận thông tin, đây cũng là thách thức lớn đòi hỏi mỗi tuyên truyền viên phải tự đổi mới, sáng tạo và say mê với nghề. 


Theo chị Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, để công tác tuyên truyền lưu động đạt chất lượng và hiệu quả cao cần tăng cường phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lưu động góp phần giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho nhân dân về các lĩnh vực chuyên môn; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, bám sát thực tiễn cuộc sống để xây dựng kịch bản tuyên truyền có chất lượng cao, hấp dẫn mọi đối tượng; tăng cường chất lượng thông tin theo hướng nâng cao tính thời sự, tính thiết thực, khắc phục tình trạng nội dung tuyên truyền chung chung, xa rời với thực tế, không sát với đối tượng. Có chính sách khuyến khích thoả đáng về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền lưu động; tiếp tục đầu tư các trang thiết bị cần thiết, nhất là hệ thống âm thanh, ánh sáng cho các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở để Đội tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Dù hoạt động tuyên truyền lưu động còn nhiều khó khăn nhất định nhưng không thể phủ nhận các chương trình tuyên truyền lưu động đã lan sâu rộng tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
H.H