Chính sách và chế độ đối với lực lượng vũ trang khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

21/01/2025 07:00

(BNP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chế độ chính sách mới đối với lực lượng vũ trang khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định số 178/2024/NĐ-CPđã quy định về chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy như sau:

(1) Đối tượng quy định tại điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP được thực hiện chính sách như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

 (2) Tuổi nghỉ hưu để tính hưởng chính sách, chế độ đối với từng đối tượng thuộc lực lượng vũ trang như sau:

- Đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn.

- Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công công nhân và viên chức quốc phòng và các văn bản hướng dẫn.

- Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương và công nhân công an thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn.

- Đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân, thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội từ 01/12/2024:

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2024, thì tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan sẽ được điều chỉnh tăng theo từng cấp bậc quân hàm.

So với quy định trước đây tại Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, sửa đổi 2008, sửa đổi 2014, thì quy định mới về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan đã sửa đổi, bổ sung như sau:

- Cấp Úy là 50 (tăng 4 tuổi)

- Thiếu tá là 52 (tăng 4 tuổi)

- Trung tá là 54 (tăng 3 tuổi)

- Thượng tá là 56 (tăng 2 tuổi)

- Đại tá là 58 (tăng 1 tuổi đối với nam và 3 tuổi đối với nữ)

Riêng cấp tướng vẫn giữ nguyên tuổi phục vụ là 60 đối với nam. Và tăng lên 5 tuổi đối với nữ, tức từ 55 lên 60, bằng với sĩ quan nam.

Một điểm quan trọng trong Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2024 là quy định sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với quy định khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện.

Trong một số trường hợp đặc biệt (sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù,...), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể quyết định kéo dài thời gian phục vụ hơn 5 năm so với quy định.

Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy Quân đoàn quy định tại điểm đ, điểm e và chỉ huy, quản lý đơn vị quy định tại các điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q và r khoản 1 Điều 11 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2024) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ quy định trên.

Nghị định này có hiệu thực thi hành từ ngày 01/01/2025.

H.T