Chủ tịch UBND tỉnh: Đưa Bắc Ninh thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số PCI tốt nhất năm 2017

10/05/2017 10:55

(BNP) – Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh.

Theo bảng xếp hạng năm 2016, PCI Bắc Ninh đã trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt, đạt 60,35 điểm (tăng 0,44 điểm), trong đó, có 08/10 chỉ số thành phần tăng điểm. Tuy nhiên thứ hạng trên toàn quốc lại đứng thứ 17/63 giảm 4 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 4 vùng đồng bằng Sông Hồng.

Để khắc phục và cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm, duy trì và tăng điểm các chỉ số ở mức cao, cải thiện thứ bậc nhằm đưa tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số PCI tốt nhất trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
 
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu 
 
Để tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị chịu trách nhiệm cải thiện các chỉ số thành phần liên quan đến ngành mình, khắc phục và cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm, duy trì và tăng điểm các chỉ số ở mức cao, cải thiện thứ bậc nhằm đưa tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số PCI tốt nhất trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2017.  Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ cho tập thể, cá nhân của đơn vị chịu trách nhiệm về từng chỉ số thành phần và thông qua kết quả đánh giá năm 2017 để đánh giá kết quả công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, xác định trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan cử cán bộ tham gia tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công (TTHCC); vai trò của Giám đốc TTHCC trong việc kiểm soát tính tuân thủ, tính minh bạch và tiến độ trong quá trình giải quyết TTHC.
 
Tiến hành công bố, công khai đánh giá, xếp loại về công tác cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện. Áp dụng nguyên tắc minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, đối thoại trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kiến nghị của nhân dân, thông tin từ các cơ quan truyền thông.
 
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định Thủ trưởng các Sở, ngành phải có “thư xin lỗi” tới người dân và doanh nghiệp trong trường hợp cơ quan trả kết quả chậm hoặc cán bộ hướng dẫn không chu đáo dẫn tới doanh nghiệp, người dân phải mất thêm thời gian hoàn chỉnh hồ sơ hoặc đi lại và các trường hợp khác mà lỗi thuộc về cơ quan nhà nước.
 
Vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện 
 
Xác định việc thành lập TTHCC cấp tỉnh, cấp huyện là một trong những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, chú trọng lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, công cụ đánh giá mức độ hài lòng của công dân đối với các Sở, ngành và cán bộ thực hiện giải quyết TTHC tại TTHCC.
 
Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm trong đó có kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ; thiết kế áo đồng phục cho cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tại TTHCC, đảm bảo việc giải quyết TTHC theo quan điểm “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm và chuyên nghiệp”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về TTHCC trước ngày khai trương để nhân dân biết, thực hiệc các TTHC và tham gia giám sát việc thực hiện tại TTHCC.
 
Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với hoạt động của TTHCC; xây dựng Website của TTHCC đủ mạnh để thực hiện được các chức năng tích hợp, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu hình thành Tổng đài giải đáp về TTHC công; hòm thư góp ý/đường dây nóng để công dân có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ công; nhắn tin báo kết quả TTHC hoặc các hình thức tra cứu tiến độ giải quyết TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch.
 
Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
 
Để tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị rà soát và sửa đổi, ban hành mới các quy định và tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận các thủ tục hành chính, nguồn lực đất đai, miễn giảm thuế, ký quỹ, thực hiện ưu đãi đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư; phân bổ vốn và đấu thấu trong đầu tư công, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất; các dự án xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành cần nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của nhà nước được sử dụng hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm để giúp doanh nghiệp đạt được kết quả cụ thể trong phát triển sản xuất kinh doanh, hình thành cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền.
 
Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, ngăn ngừa các việc làm của cơ quan nhà nước có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp, góp phần tạo sự thân thiện, an toàn, minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

S.T