Chùa làng Đại Bái

20/06/2022 07:00

(BNP) – Chùa làng Đại Bái (còn được gọi là Diên Phúc tự) thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình được xây dựng từ lâu đời và được trùng tu mở rộng với quy mô lớn vào năm Phúc Thái thứ 5, thứ 6 (1647-1648) bao gồm nhiều công trình nguy nga đồ sộ.

Cổng tam quan.

Qua diễn trình lịch sử, ngôi chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1997, hòa thượng Thích Quảng Kính cùng nhân dân địa phương tiến hành trùng tu với quy mô to lớn như ngày nay.

Chùa nằm ở trung tâm của làng, quay hướng Nam, phía trước giáp Tỉnh lộ 284, các phía còn lại giáp đường làng và khu dân cư đông đúc. Hiện nay, chùa có các công trình: Tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ và một số công trình phụ trợ khác... Tất cả các hạng mục công trình đều xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống.

Tòa Tam bảo.

Tam bảo có kiến trúc hình chữ Đinh, kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai, cột trụ cánh phong, chồng diêm 2 tầng 8 mái”. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, hệ chịu lực bằng gỗ lim gồm 6 bộ vì, mỗi một bộ vì có 4 hàng chân cột (trốn cột quân phía sau). Kết cấu các bộ vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách trước kiểu “vì ván mê (cốn)” liên kết với cột hiên (đá) bằng kẻ truyền, vì nách sau có xà nách gác lên tường bao. 

Nhà Mẫu.

Nhà Mẫu gồm 4 tòa nhà: Tiền Bái, Hậu cung, Điện Tả vu, Điện Hữu Vu. Các công trình này xây dựng bằng bê tông cốt thép. Nhiều tượng phật, bia đá và đồ thờ tự được tạo tác, chạm khắc tinh xảo là những tác phẩm nghệ thuật truyền thống đặc sắc.

Phần mái của nhà Mẫu.

Phía trên được đặt Cuốn thư được làm bằng đồng.

Cửa vào nhà Mẫu.

Phần mái nhà được trạm trổ tinh xảo.

Phía bên trong nhà Mẫu.

Một góc chùa làng Đại Bái.

Nhà tổ.

Nhà tổ có kiến trúc hình chữ Nhị, kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”, hệ chịu lực bằng bê tông cốt thép.

Ban Bản Thiên Cửu Trùng phía bên trái nhà Mẫu.

Trong chùa hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật như: bia đá, tượng phật…có niên đại từ thời Lê. Đây là những tư liệu quý có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm về lịch sử làng xã và nghề gò đồng làng Đại Bái.

Bia đá cổ.

Chuông cổ.

Chùa Diên Phúc là công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ, đồng thời phối thờ ông Nguyễn Công Hiệp và tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền. Chùa Diên Phúc cùng với Đình Diên Lộc, lăng một tổ sư nghề gò dát đồng Nguyễn Công Truyền hợp thành một cụm di tích liên hoàn, nằm gọn trong làng Đại Bái hiện nay. Đây là những địa điểm thờ cúng - tưởng nhớ - lưu niệm những danh nhân, những người con của dân làng, đã có nhiều công lao với đất nước, quê hương.

Chùa Diên Phúc được Bộ Văn hóa xếp hạng di lích lịch sử tại Quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 05/9/1989.

N.N