Chùa Tĩnh Lự trên núi Thiên Thai
Chùa Tĩnh Lự còn có tên chữ là Tĩnh Lự Thiền Tự, nay thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh: Chùa Tĩnh Lự (Nguồn Internet).
Chùa tọa lạc trên sườn núi Yên Sơn, thuộc dãy Đông Cứu hay còn gọi là Thiên Thai, ẩn mình giữa khúc uốn cong của rặng núi ấy, mặt trông ra dòng Thiên Đức huyền thoại và lịch sử, nên dẫu giờ đây chỉ còn là một thời vang bóng, nhưng cảnh quan vẫn toát lên vẻ u tịch, thâm nghiêm chốn cửa Thiền, lồng lộng cảnh sông nước, mây trời, núi non, mà ta thường gặp nơi sơn thủy của những Thiền Tự cổ xưa. Nơi đây, quả xứng danh được chọn là chốn thờ tự của những bậc Quân vương và xứng đáng là một trong những trung tâm Phật giáo của Đại Việt.
Theo sử sách, Chùa Tĩnh Lự được xây dựng từ thời Lý vào năm 1055, Vua Lý Thánh Tông đã cho xây chùa Đông Lâm và Tĩnh Lự ở núi Đông Cửu. Tài liệu vật chất thông qua những dĩ tồn văn hóa vật thể được nhà sư trụ trì, Đại đức Thích Minh Đạt, dầy công sưu tầm trong nhiều năm ở nơi đây, cho hay, lòng đất còn vật liệu xây dựng, còn đồ thờ tự, còn đồ dùng bằng gốm sứ từ thời Lý, thời Trần và thời Lê Trung Hưng, minh chứng cho một quá trình tồn tại dài lâu trong lịch sử của ngôi chùa này, chứng tỏ vai trò quan trọng của tín ngưỡng tâm linh, khi mà triều Lý chọn Đông Cứu núi thiêng và các triều đại kế tiếp noi theo để xây dựng nơi đây như một Quốc tự.
Hàng năm,Vua và Hoàng gia cùng triều đình về hành lễ với một đội tùy tùng và Hoàng gia đông đúc, lại ở xa kinh thành, đi lại vô cùng khó khăn, thì đương nhiên, Chùa phải đi liền với Hành cung, làm nơi ở và nghỉ của Vua trong những ngày hành lễ.
Năm Ất Dậu (1645), chùa Tĩnh Lự lại một lần nữa nhận được sự quan tâm đặc biệt của bậc Quân vương. Đó là khi Chúa Trịnh Tráng đi kinh lược vùng Đông Bắc bằng thuyền, theo dòng Thiên Đức, đến chân núi Thiên Thai, gặp cảnh sông nước, núi non linh thiêng, đã hỏi ngọn ngành sự tích, để rồi, chuẩn tấu cho xuất 300 lạng bạc, giao cho Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc kiến thiết.
Sau 3 năm khẩn trương xây dựng, năm 1648, Chùa được hoàn thành theo hướng cũ, rộng và dài, to nhiều so với trước. Tiền đường có 4 cửa cao rộng, tả hữu có dãy hành lang, thềm ngoài có cột bao quanh bằng đá, giữa chùa có lồi lên kè đá. Ngoài Chùa có bia đá lớn đặt trong nhà đá 4 chân cột, mái che chồng diêm 8 mái, cũng bằng đá. Nội tự có tòa sen óng ánh, trong tam bảo có bức hoa sen chín tầng rực rỡ, chạm khắc tượng Đức Phật giáng lâm và 3000 tòa đặt tượng La Hán lung linh.
Tĩnh Lự là một trong ba đại danh thắng ở vùng Đông Bắc thời Đại Việt thế kỷ XVII.Đến thời Trịnh Căn, Trịnh Cương, Tĩnh Lự lại được tiếp tục sửa chữa và mở rộng Hành cung cực kỳ xa hoa tráng lệ. Di sản vật thể hiển lộ và quí giá là tấm bia Tĩnh Lự Thiền Tự Bi được khởi tạo năm 1648, niên hiệu Phúc Thái, với nội dung ghi lại việc Chúa Trịnh Tráng chủ trương cho trùng tu Chùa Tĩnh Lự với quy mô to lớn hơn và Quận công Nguyễn Công Hiệp được giao chủ trì thiết kế. Ngoài ra, là bảng ghi danh các công khanh, đại thần dưới triều Vua Lê, Chúa Trịnh cùng thiện nam, tín nữ có lòng hảo tâm công đức tiền bạc, trùng tu, mở rộng. Điểm đặc biệt của tấm bia này nằm ở kiến trúc độc đáo nơi nhà bia và đề tài trang trí vô cùng sinh động với sự Việt hóa các tích cổ để miêu tả đời sống vương phủ thời đại ấy. Có thể coi đây là tấm bia lạ trong hệ thống bia chùa Việt Nam và những hình ảnh trên bia là tư liệu quý giá, phản ảnh cảnh sinh hoạt, lối trang phục của xã hội phong kiến thời Lê - Trịnh thế kỷ XVII, vốn còn lại rất ít ỏi trong kho tàng văn hóa nước nhà.
Đến nay dẫu chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng tiếng tăm vẫn còn đó qua nội dung của tấm bia đá cổ của chùa còn bảo lưu được. Đây là di sản văn hóa vô giá cần được bảo tồn và phát huy. Chính với những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật… mà tấm bia chùa Tĩnh Lự đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa Quyết định số 282/QĐ-CT ngày 18/3/2002.