Di tích cấp tỉnh Đình Môn Tự
(BNP) – Đình Môn Tự, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, vốn được khởi dựng từ lâu đời, nơi phụng thờ Thành hoàng là Đức vua Lý Nhân Tông. Nguyên xưa, di tích đình vốn có quy mô to lớn, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 -1954) bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1999, với nguyện vọng có nơi thờ tự Thành hoàng làng khang trang, nhân dân địa phương đã góp công, góp của để khôi phục lại đình Môn Tự trên nền xưa đất cũ.
Đình thờ Đức vua Lý Nhân Tông – vị vua thứ tư của triều Lý. Ngài là bậc vua anh minh với những quyết sách để đất nước hưng thịnh, nhân dân no ấm. Những công lao to lớn của Ngài đã đóng góp vào quá trình phát triển của triều Lý và lịch sử dân tộc Việt Nam.
Toà Đại đình.
Đình Môn Tự tọa lạc trên khu đất đẹp dưới chân núi Dạm với tổng diện tích 560 m2, phía trước là cánh đồng rộng bát ngát, xa xa là núi Con Quy và dòng sông Đuống uốn quanh. Di tích đình Môn Tự cùng với cảnh quan xung quanh tạo thành một không gian hài hòa, thuần chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Cổng chính vào đình.
Hiện nay đình Môn Tự bao gồm các công trình kiến trúc: Nghi môn, tòa Đại đình và Hậu cung được nối liền với nhau tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh.
Bờ nóc tòa Đại đình có đắp đôi rồng chầu mặt trời.
Mái đình có kiến trúc kiểu 4 mái đao cong.
Đình Môn Tự với kiểu kiến trúc truyền thống, bố cục gọn gàng chặt chẽ, hoà nhập với môi trường thiên nhiên xung quanh.
Hệ thống cửa gỗ lim chắc chắn.
Toà Đại đình gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong. Kết cấu hệ chịu lực (hệ vì) được làm bằng gỗ xoan với 4 bộ vì, mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột đặt trên tảng kê bằng đá. Hai bộ vì gian giữa có vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “ván mê (cốn), bảy hiên”. Hai bộ vì gian bên có vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kết cấu kiểu “con chồng, bảy hiên”.
Bộ siêu đao.
Bộ bát bửu.
Hoành phi trong tòa Đại đình.
Điêu khắc trang trí tập trung tại các bức cốn, con chồng, câu đầu, đấu kê, bảy hiên, đầu dư... với các đề tài: tứ linh, tứ quý, rồng, lá lật, chữ Thọ. Các thành phần còn lại được bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản.
Trống cổ được gìn giữ trong tòa đại đình.
Hậu cung mở cửa 3 gian.
Hậu cung có kết cấu kiến trúc kiểu “chồng diêm 2 tầng 4 mái”. Hậu cung gồm 2 bộ vì tạo thành 1 gian, kết cấu như sau: bộ vì phía trước sử dụng xà hạ phía trong tòa Đại đình làm quá giang, phía trên có 2 cột trốn vươn lên đỡ vì nóc kiểu “vì kèo”, trên là tầng mái thứ nhất, tầng mái thứ hai nằm trên kẻ góc phía dưới. Bộ vì phía trong có kết cấu tương tự nhưng cột trốn đặt trên quá giang gác tường và tầng mái thứ 2 vì nách có kết cấu kiểu “kẻ ngồi”. Các thành phần kiến trúc để trơn không trang trí, chủ yếu bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản.
Bên trong Hậu cung.
Hiện nay, Đình Môn Tự còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý giá, tiêu biểu là 2 bia đá tạo thời Lê Trung Hưng, gồm: bia “Bản đình phụng sự” tạo tác năm 1764 và bia “Sáng lập hậu thần bi”.
Hệ thống bia đá cổ tại sân đình.
Các bia đá trên có có giá trị mỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, đồng thời là pho sử phản ánh lịch sử của di tích, tấm lòng công đức của các bậc tiền nhân đối với việc hưng công đình làng.
Đình Môn Tự được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017.
Xếp hạng di tích cấp tỉnh quyết định số 1785/QĐ-UBND, ngày 8/12/2017.