Nhà cổ dân gian - Từ đường họ Lê Danh
(BNP) - Từ đường họ Lê Danh, thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong được xây dựng từ năm 1855, đến nay, vẫn được các thế hệ con cháu trong dòng họ bảo tồn, tôn tạo nguyên vẹn. Ngày 16/8/2007, Từ đường được UBND tỉnh xếp hạng là di tích Nhà cổ dân gian tại Quyết định số 1113/QĐ-UBND.
Cổng vào Nhà thờ họ Lê Danh.
Từ đường gia tộc họ Lê Danh quay mặt về hướng Đông, phía trước có cổng và tường bao kiên cố. Để vào nhà thờ, phải đi qua một cổng nhỏ, xây cửa vòm, hai bên có cột trụ cánh phong bên trên đắp mái giả và bốn Hán tự: “Lê Danh từ đường”.
Tòa tiền tế Từ đường gia tộc họ Lê Danh.
Đây là nơi thờ tổ tiên và tưởng niệm danh nhân khoa bảng trong dòng họ Lê Danh qua các thời kỳ. Căn cứ vào gia phả lục chi dòng họ Lê ở thôn Đông (niên đại thế kỷ XIX), cụ tổ tự là Phúc Chính, cụ bà hiệu Từ Nhân đã sinh được bốn con trai, tạo thành bốn chi họ Lê: Lê Bá (phân thành hai chi), Lê Danh, Lê Đắc và hai con gái lập lên “nhà thờ Tổ lục chi”. Cụ tổ chi Lê Danh tự là Phúc Thịnh, cụ bà hiệu là Từ Nghi đã phát triển dòng họ ngày một đông đúc, cho đến nay đã hơn bốn mươi đời.
Hệ thống cột của Tòa Tiền tế.
Từ đường hiện gồm 02 công trình kiến trúc chính là Tiền tế và Hậu đường. Trong đó, Tiền tế được xây dựng theo lối phương đình 04 mặt để thoáng, chồng diêm 02 tầng 08 mái, mỗi góc mái một đầu đao cong tạo sự thanh thoát cho toàn bộ công trình.
Trên các góc đao được đắp nổi hình mây cuốn, kỳ lân.
Kết cấu của công trình hoàn toàn bằng gỗ xoan chắc chắn với hệ thống 4 cột cái cao to ở giữa, 12 cột con xung quanh, tại 4 góc mái xây 4 trụ hình thước thợ để trợ đỡ các góc đao, tạo cho công trình thêm chắc chắn.
Các cấu kiện gỗ của tòa Tiền tế được chạm khắc trang trí cách điệu.
Trên các góc đao đắp nổi trang trí hình mây cuốn, kỳ lân, trên đắp bờ nóc trang trí những con kim ngậm mái và các đường gờ chỉ soi mềm mại. Giữa tầng mái trên và mái dưới gắn hệ thống con tiện chạy xung quanh tạo sự thoáng đãng, thanh thoát. Các cấu kiện gỗ khác như đầu bẩy, con chồng, cốn đều được chạm khắc trang trí đề tài rồng, mây cách điệu…
Nhà Hậu đường gồm ba gian hai mái.
Tường hồi Nhà Hậu đường được trang trí tứ linh.
Nằm phía sau cách Tiền tế hơn một mét là Hậu đường có bình đồ hình chữ Nhất gồm ba gian hai mái. Phía trước để dải hiên, phía ngoài tường hồi xây cột trụ cánh phong kết hợp với bờ dải đắp kiểu tay ngai trang trí tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Trên cột trụ trang trí lồng đèn, sấu chầu và câu đối được đắp lên tường.
Hệ thống cửa Hậu đường kiểu bức bàn thượng song hạ bản.
Nhà Hậu đường ba gian cửa kiểu bức bàn thượng song hạ bản. Toàn bộ kết cấu công trình làm bằng gỗ lim, gồm 04 bộ vì chính tạo bởi 05 hàng chân cột, kết cấu vì nóc gian giữa liên kết theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “kẻ ngồi bẩy hiên”. Trang trí kiến trúc chủ yếu tập trung trên các đầu bẩy, cốn mê với các chủ đề tứ quý hoá rồng, vân mây, hoa lá, dây triện…
Gian thờ chính trong Nhà Hậu đường.
Hiện di tích còn bảo lưu được các hiện vật có giá trị như: Ngai thờ, bài vị, mâm thờ, đôi lọ hoa đều có niên đại thời Nguyễn. Ngoài ra, còn các hiện vật mới đưa vào sau như: đỉnh đồng, bát hương, chân nến, hương án, hoành phi, câu đối… có niên đại thế kỷ XX-XXI.
Góc trưng bày ảnh lưu niệm của dòng họ.
Từ đường gia tộc Lê Danh là công trình tín ngưỡng văn hoá và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của dòng họ và quê hương. Đây là nơi tôn thờ tổ tiên, nơi giáo dục truyền thống của dòng họ.
Bằng xếp hạng di tích Nhà cổ dân gian - Từ đường họ Lê Danh.
Hàng năm, vào ngày 13 tháng 3 âm lịch - ngày giỗ tổ chi họ Lê Danh, con cháu trong dòng họ từ các nơi tập trung tại từ đường để làm lễ tế tổ, tưởng nhớ tổ tiên, ôn lại truyền thống của dòng họ, thể hiện tinh thần đoàn kết và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và phát phần thưởng khuyến khích nhân tài.