Di tích lịch sử đền Giang Liễu
(BNP) - Đền Giang Liễu được khởi dựng thời Lý, nằm ở phía Tây thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ có địa thế cao rộng, thể đất “long chầu hổ phục”, xung quanh là rừng cây.
Đền Giang Liễu.
Trải qua các triều Lê, Nguyễn di tích được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1952, di tích bị tiêu thổ hoàn toàn. Từ năm 1976 đến nay, di tích đã được nhân dân địa phương thường xuyên tu bổ, tôn tạo khang trang tố hảo. Ngoài kiến trúc được khôi phục, tôn tạo, di tích được tiếp nhận, bổ sung các hiện vật, đồ thờ tự đầy đủ.
Bờ nóc trang trí rồng chầu mặt nguyệt.
Tượng Hộ pháp tại đền.
Hiện nay, đền Giang Liễu gồm các công trình kiến trúc: Tiền tế, Hậu cung, Nghi môn, sân gạch.
Gian thờ chính toà Tiền tế.
Tiền tế có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Bộ khung chịu lực được làm bằng gỗ lim với 06 bộ vì tạo thành 05 gian. Hai bộ vì gian giữa có 04 hàng chân cột (trốn cột cái trước), kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ ngồi, tiền kẻ, hậu bảy”.
Tiền tế mở cửa đi ở 03 gian giữa tại vị trí cột hiên, mỗi gian 04 cánh kiểu “thượng song hạ bản”.
Hậu cung nằm liền kề phía sau và song song với Tiền tế tạo thành mặt bằng hình chữ Nhị. Hậu cung có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”. Bộ khung chịu lực được làm bằng gỗ lim với 04 bộ vì tạo thành 03 gian.
Đền phụng thờ Ngũ vị Lôi Công.
Đền Giang Liễu là nơi phụng thờ Thành hoàng làng là Ngũ vị Lôi Công - có công âm phù tướng quân Nguyễn Công Cự đánh giặc Chiêm Thành thời Lý và âm phù cho vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.
Hoành phi thế kỷ XX - XXI.
Các hiện vật tiêu biểu tại đền gồm: ngai, bài vị, mâm thờ, hoành phi, câu đối, bộ bát bửu, hương án, hạc thờ...
Bộ bát bửu, thế kỷ XX - XXI.
Di tích được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định số 161/QĐ-CT ngày 08/02/2002.