Di tích lịch sử đình Lạng Dương
(BNP) - Đình Lạng Dương, xã Phú Lương, huyện Lương Tài vốn được khởi dựng từ lâu đời, nơi phụng thờ Thành hoàng là Đô Triết Công - vị danh tướng thời Trần đã có công 2 lần đánh giặc Nguyên - Mông giành độc lập cho Tổ quốc, đồng thời âm phù cho cuộc sống tốt đẹp của dân làng.
Toà Đại đình.
Nguyên xưa, đình Lạng Dương có quy mô to lớn, đến năm 1958, do bị xuống cấp nên ngôi đình đã bị hạ giải hoàn toàn. Năm 1996, nhân dân địa phương góp công của dựng tòa Hậu cung 2 gian trên nền xưa đất cũ để thờ tự Thành Hoàng làng, năm 2001, xây dựng tòa Đại đình 3 gian 2 chái.
Nghi môn.
Đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nhật.
4 mái đao cong.
Hiện nay, đình Lạng Dương là một quần thể kiến trúc, gồm các công trình: Nghi môn, tòa Đại đình và Hậu cung, hai công trình kiến trúc này được nối liền với nhau tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh.
Ban thờ chính toà Đại đình.
Bộ khung được trang trí với các đề tài rồng, lá lật.
Toà Đại đình có kiến trúc kiểu “bốn mái đao cong”, hệ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép với 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột kết cấu tương tự nhau kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bảy hiên”. Các bộ vì được liên kết với nhau bởi các xà dọc nối vào cột cái và cột quân. Trang trí tập trung tại các con chồng, bảy hiên, đầu dư...với các đề tài rồng, lá lật. Tòa Đại đình được mở đi ở 3 gian giữa, mỗi gian bốn cánh theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Hai chái xây tường bao trổ cửa sổ chữ “Thọ”, phía sau gian giữa nối vào Hậu cung.
Đình thờ Thành hoàng Đô Triết Công.
Ngai, bài vị, mũ quan tạo tác thời Lê Trung Hưng.
Hậu cung nối liền với gian giữa và vuông góc với Đại đình, Hậu cung có bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép, gồm 3 bộ vì tạo thành 2 gian. Mỗi một bộ vì có 2 hàng chân cột. Hai bộ vì phía ngoài và trong cùng trốn trên tường bao, kết cấu kiểu “vì kèo”. Bộ vì giữa kết có kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường”, xà nách gác lên tường bao.
Khay đài.
Hộp sắc.
Bảng chúc văn niên đại thời Nguyễn.
Hiện nay, đình Lạng Dương còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý giá, tiêu biểu là: Ngai, bài vị, mũ quan, hộp sắc, khay đài có niên đại tạo tác thời Lê Trung Hưng - Nguyễn, bia đá “Hậu thần bi ký”, khắc dựng năm 1814, thần tích - thần sắc…và nhiều đồ thờ tự khang trang tố hảo.
Bia “Hậu thần bi ký”, niên đại Gia Long 13 (1814).
Bộ bát biểu niên đại sau năm 1945.
Đây là các hiện vật tiêu biểu và là nguồn sử liệu quan trọng để xác định vị trí, vai trò của di tích, góp phần nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của địa phương nói riêng và làm giàu thêm kho tàng lịch sử văn hóa nước nhà.
Ngựa bạch trong đình.
Đình Lạng Dương được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh tại quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 20/03/2018.