Di tích lịch sử đình Từ Phong

22/11/2022 07:30

(BNP) - Đình Từ Phong, thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lệnh tiêu thổ, đình Từ Phong bị phá hủy. Ngay sau hoà bình lập lại, nhân dân địa phương đã trùng tu, tôn tạo lại đình. Năm 1992, đình tiếp tục được trùng tu có quy mô lớn mang dáng vẻ truyền thống.

Cổng Nghi môn đình Từ Phong.

Theo thần phả, sắc phong đình Từ Phong, đình thờ một vị nhân thần đỗ Tiến sỹ có tên húy là “Hồng Công”, có công với nước với dân, được vua phong “Bản cảnh thành hoàng phúc sinh cư sĩ thượng đẳng thần”. Năm 28 tuổi, ông đỗ Tiến sỹ vào thời vua Trần Phế Đế (1377-1388) làm quan đến chức Hàn lâm viện học sĩ, kiêm Tham tán mưu sự, đóng quân trấn giữ xứ Nghệ An, Thanh Hoá.

Tòa Đại đình.

Sau đó, ông về quê hương ở ẩn tại thôn Từ Sơn (tức Từ Phong) cho đến khi mất. Ở đây ông đã ban phát gia tài của cải của mình giúp đỡ dân nghèo 3 thôn: Đông Du, Mai Cương và Từ Phong. Khi ông mất được nhân dân lập miếu thờ. Đến thời vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa chống lại giặc Minh, đi qua linh miếu đã được Thần âm phù đánh thắng giặc.

Bờ nóc đắp nổi đôi “rồng chầu mặt trời”.

Sau khi đất nước bình yên, nhà vua cùng tướng sĩ tiến về bản trang đến khu linh miếu lễ tạ Thần. Ban cho nhân dân 3 thôn (Đông Du, Từ Sơn, Mai Cương) 100 quan tiền để hương khói phụng thờ Thần. Phong mỹ tự cho Thần là "Bản cảnh thành hoàng Phúc sinh cư sĩ thượng đẳng thần". Chuẩn cho 3 thôn muôn đời thờ phụng thần.

Ban thờ tại Tòa Đại đình.

Đình Từ Phong tọa lạc trên khu đất có diện tích 1.882m2 nằm giữa thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ. Hiện nay đình bao gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại đình và Hậu cung tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh.

Hoành phi.

Đại đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bờ nóc đắp nổi đôi “rồng chầu mặt trời”, cửa mở ở 3 gian giữa, hệ thống cửa “thượng song hạ bản”. Bộ khung chịu lực của đình là chất liệu bê tông được liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Hậu cung gồm 2 gian được ngăn cách với Đại đình bởi bức cửa cấm. Kết cấu tương tự tòa Đại đình.

Bộ siêu đao bát bửu.

Long đình có chất liệu gỗ có niên đại sau năm 1945.

05 sắc phong, chất liệu giấy được lưu giữ tại đình.

Bên cạnh đó, theo các tài liệu về truyền thống khoa bảng của Trung ương và địa phương, nơi đây còn có một vị đỗ đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Bàn.

Đình còn lưu giữ nhiều bia đá cổ.

Các hiện vật tiêu biểu: gồm 01 bản thần tích, chất liệu giấy, niên đại Vĩnh Hựu 3 (1737); 05 sắc phong, chất liệu giấy, niên đại Tự Đức 6 (1853); Tự Đức 33 (1880); Đồng Khánh 2 (1887); Duy Tân 3 (1909); Khải Định 9 (1924); 01 bia “Hậu thần bi ký”, niên đại Chính Hòa 8 (1687); 01 bia “Hậu thần thạch bi”, niên đại Vĩnh Hựu 4 (1738); 01 bia “Hậu thần bi”, niên đại Tự Đức 30 (1877); 01 bia “Lưu hậu bi ký”, niên đại Thiệu Trị 5 (1845); 01 bia “Hậu khai bi ký”, niên đại Tự Đức 6 (1853); 01 ngai thờ, 01 bài vị, 01 đôi câu đối, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn; 01 hương án; 01 bộ siêu đao bát bửu; 01 long đình, chất liệu gỗ, niên đại sau năm 1945. Đây là những cổ vật quý giá, vừa ghi dấu chứng tích của ngôi đình trong lịch sử vừa là những di sản văn hóa quý giá của quê hương, đất nước.

Bằng xếp hạng di tích.

Đình Từ Phong được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 20/03/2007.

H.H