Di tích lịch sử đình Vân Xá
(BNP) - Đình Vân Xá, thôn Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ vốn được khởi dựng từ lâu đời và xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), là một trong “thập đình” thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Ngôi đình xưa đã bị phá hủy trong chiến chống Pháp, năm 1997, nhân dân địa phương đã cùng nhau dựng ngôi đình mới.
Toàn cảnh đình Vân Xá.
Đình Vân Xá thờ Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh, đây cũng là quê ngoại của ông. Lê Văn Thịnh sinh năm Canh Dần (1050) tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, cha là Lê Văn Thành, mẹ là Trần Thị Tín, người làng Ngô Xá, nay là thôn Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ. Ngay từ nhỏ Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, tự mình đọc hàng ngàn quyển sách về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Năm 1075, vua Lý Thánh Tông mở khoa thi Minh Kinh bác học, Lê Văn Thịnh đi thi và đỗ đầu được gọi là Trạng nguyên khai khoa của nước ta.
Cổng đình Vân Xá.
Sau khi thi đỗ ông được vào cung dạy học cho vua (vua Lý Thánh Tông) và được thăng đến chức Tả Thị lang bộ binh. Năm 1084, ông được vua Lý Nhân Tông cử đi giải quyết vấn đề cương giới. Với tài ngoại giao xuất sắc của mình, ông đã đòi về cho nước ta 3 động 6 huyện. Nhờ có nhiều tài đức và công lao to lớn ông được thăng chức Thái sư vào năm 1085. Cuối đời, ông tìm về quê hương, sau khi mất, ông được nhiều làng tôn vinh thờ phụng làm Thành hoàng làng, trong đó có quê ngoại của ông là làng Vân Xá.
Tòa Đại đình.
Trên nóc tòa Đại đình đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”.
Đình Vân Xá nằm trên khu đất có tổng diện tích là 860m2. Hiện nay, đình bao gồm các hạng mục công trình chính là: Đại đình và Hậu cung. Ngoài ra, trong khuôn viên đình còn có các công trình khác: Nghi môn, nhà Dải vũ, nhà bia.
Hoành phi với chất liệu gỗ có niên đại thời Nguyễn.
Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, trên nóc mái đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, mái lợp ngói ta, cửa bức bàn mở ở 3 gian. Bộ khung đình được dựng bằng bộ khung gỗ lim chắc khoẻ được liên kết bởi 8 hàng cột dọc và 3 hàng cột ngang, kết cấu kiến trúc đơn giản, bào trơn đóng bén. Tòa Hậu cung được ngăn cách với Đại đình bởi bức cửa cấm. Hậu cung gồm 2 gian, nóc đổ trần và trên lợp ngói ta.
Các đạo sắc phong do các đời Vua ban tặng.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 01 bản thần tích và 05 đạo sắc phong, chất liệu giấy; 01 hoành phi, 01 đôi câu đối, chất liệu gỗ có niên đại thời Nguyễn. Một số hiện vật có niên đại sau năm 1945 như: 01 long đình, 01 ngai thờ, 01 bài vị, 01 đôi hạc thờ, 01 tượng thờ, 01 bộ chấp kích, 01 đôi câu đối…
Trong khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ tạo cảnh quan cho di tích.
Đình Vân Xá được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và không gian tổng thể của di tích. Ngôi đình đã gắn liền với lịch sử - văn hoá làng xã nơi đây. Mặc dù trải năm tháng lịch sử, đình Vân Xá còn gìn giữ được một số cổ vật, vừa là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử vừa là những di sản văn hoá quý giá của quê hương, đất nước.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Đình Vân Xá đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 20/03/2007.