Di tích Quốc gia Đình Long Khám
(BNP) - Đình Long Khám (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) được khởi dựng vào thời Lê (khoảng thế kỷ XVII). Trải qua thời gian, đình đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được nhiều nét giá trị về kiến trúc nghệ thuật.
Cổng vào Đình Long Khám.
Đình Long Khám thờ Thành hoàng là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần, người có công chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1288. Ngoài ra, đình còn thờ Thành hoàng Dực Thánh vương, Đông Chinh vương và Vũ Đức vương.
Tòa Tiền tế.
Các mái đao cong.
Đình có diện tích hơn 2.300m2, toạ lạc ngay dưới chân núi Long Khám, hướng Nam, phía trước là núi Bát Vạn, phía sau tiếp giáp khu dân cư đông đúc, không gian thoáng đãng, giao thông thuận tiện.
Bộ khung gỗ lim chắc khỏe.
Nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.
Đây không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của nhân dân địa phương mà còn là một di tích cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa, đây là nơi sản xuất vũ khí thô sơ bổ sung cho hơn 400 tự vệ Tiên Du trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Gian thờ chính trong đình.
Hoành phi thế kỷ XX.
Hiện đình Long Khám có kiến trúc kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Tòa Tiền tế 1 gian 2 chái là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, bộ khung gỗ lim chắc khỏe, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, điêu luyện được tập trung vào các mảng cốn chạm nổi, chạm kênh bong theo đề tài “tứ linh”, “tứ quý” cùng hoa lá, vân mây cách điệu.
Bộ bát biểu thế kỷ XX.
Đại đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, Hậu cung 1 gian. Vì nóc kiểu con chồng giá chiêng, trên các con rường, xà, bào trơn đóng bén.
Các sắc phong được lưu giữ tại đình.
Ngựa gỗ thế kỷ XX.
Hàng năm, lễ hội đình Long Khám tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch. Trước ngày hội chính, các cụ mở cửa đình bao sái các đồ thờ tự, phong cờ quạt, tàn lọng. Tối 16 là tế nhập tịch, ngày 20 là tế chính (vì là ngày hóa của thành hoàng). Tối ngày 21 tế giã đám và đóng cửa đình. Để chuẩn bị cho lễ hội thì ông Đám phải chuẩn bị lễ vật cúng đức thánh, gồm: thủ lợn, xôi gà, hương đăng, hoa quả, rượu trà…
Ngai thờ và bài vị trong hậu cung.
Sau phần lễ rất nghiêm túc và trang nghiêm là đến phần hội với rất nhiều tục trò dân gian như: Hát quan họ, tổ tôm điếm… thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia.
Không gian rộng rãi, thoáng mát tại đình.
Đình Long Khám cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.
Đình Long Khám đã được xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc cấp Quốc gia tại Quyết định số 154/QĐ, ngày 25/01/1991.