Tăng cường công tác quản lý giá trị Di sản văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

29/11/2022 13:53

(BNP)- Sáng 29/11, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị Di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh và định hướng công tác quản lý trong đời sống đương đại”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa; Nghệ nhân tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nằm ở trung tâm Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các tín ngưỡng, tôn giáo dân gian của Bắc Ninh được hình thành, tiếp thu sớm, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của con người và từ đây phát triển rộng khắp ra cả nước.

Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Nguyễn Văn Luyện phát biểu tại Hội thảo.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016. Tại tỉnh Bắc Ninh, hiện có khoảng 720 di tích gồm các: đền, chùa, điện, miếu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, 423 các điện phủ của tư gia. Tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của cộng đồng nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hiện chưa công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện sự hình thành, quá trình phát triển, hiện trạng tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo đã nhận được 26 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân tín ngưỡng thờ mẫu, trong đó, tập trung làm rõ vai trò lịch sử và giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu Bắc Ninh là một loại hình tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ nữ thần, tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng, tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội làm Thánh mẫu, Vương mẫu... Những hình thức tín ngưỡng, những đặc điểm riêng của Bắc Ninh có giá trị về văn hóa đối với đời sống của người dân Bắc Ninh, phản ánh về đặc điểm văn hóa của tỉnh.

Đại diện Viện Nghiên cứu Tôn giáo tham gia ý kiến tại Hội thảo.

Một số tham luận cũng giới thiệu và phân tích một số loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu cụ thể ở Bắc Ninh; công tác quản lý, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống đương đại; vai trò của các nghệ nhân trong công tác giữ gìn di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của Bắc Ninh. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo tồn phát huy Di sản văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh như: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc lập tổ chức, cơ quan có tư cách pháp nhân, pháp lý để quản lý, hướng dẫn cá nhân, tổ chức, cộng đồng nhân dân các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt…

Nghệ nhân trình diễn tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh, biến Di sản tín ngưỡng thành động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị của các địa phương. Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai một số giải pháp bảo tồn Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu như: tuyên truyền quảng bá giá trị di tích, tăng cường quản lý các hoạt động tại các di tích thờ Mẫu, đặc biệt tập trung hỗ trợ các nghệ nhân nắm giữ các kỹ năng của Di sản.

H.H